Có một nhà máy điện chỉ còn trong ký ức (kỳ 1)

Năm 1956, nhờ sự giúp đỡ chí tình của Đảng và Nhà nước Liên Xô, hai Nhà máy điện Vinh và Lào Cai được xây dựng. Nhà máy điện Vinh hoàn thành và vận hành năm 1956, Nhà máy điện Lào Cai hoàn thành và vận hành năm 1959. Đây là hai nhà máy ví như hai anh em sinh đôi vì công suất 8MW với thiết kế, hình dáng và các thiết bị bố trí bên trong giống hệt nhau.

Điện về biên ải

Nhà máy điện Lào Cai hoàn thành sẽ cung cấp điện cho mỏ Apatit Lào Cai - một khu mỏ lớn của cả nước và phục vụ điện cho kinh tế xã hội của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai hồi đó, ngoài ra còn cung cấp điện cho thị trấn Hà Khẩu của Trung Quốc, vùng biên giới liền kề với Thị xã Lào Cai. Như vậy lúc đó 6 tỉnh biên giới phía Bắc chỉ duy nhất có Nhà máy điện Lào Cai này với Nhà máy điện Vinh là những nhà máy hiện đại của nền công nghiệp điện xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên miền Bắc. Để chuẩn bị vận hành Nhà máy điện Lào Cai, Công ty Điện lực miền Bắc đã đưa hơn 100 học sinh, bộ đội chuyển ngành về Nhà máy điện Vinh để đào tạo công nhân vận hành và hình thành bộ khung cho Nhà máy điện Lào Cai.

Lớp công nhân đầu tiên chúng tôi được các chuyên gia Liên Xô và các kỹ sư, cán bộ Nhà máy điện Vinh trực tiếp đào tạo hơn một năm tại nhà máy. Đến tháng 10/1958 trên 100 cán bộ công nhân chúng tôi chuyển từ Nhà máy điện Vinh lên Lào Cai, hội quân cùng một số công nhân chuyên nghiệp từ Trường Kỹ thuật Hải Phòng và một số cán bộ, bộ đội chuyển ngành tạo thành một bộ khung hoàn chỉnh từ các phân xưởng vận hành lò, máy, điện cơ khí, đường dây cùng các phòng ban khác thành một bộ máy hoàn chỉnh để tiếp thu vận hành quản lý được toàn bộ nhà máy Điện Lào Cai.

Ban lãnh đạo đầu tiên của nhà máy có các đồng chí:
-    Đồng chí Văn Viết Tùy - Giám đốc,
-    Đồng chí Lê Sỹ Thiện - Phó giám đốc,
-    Đồng chí Nguyễn Văn Thân - Phó giám đốc, Bí thư Đảng Ủy
-    Đồng chí Nguyễn Văn Ba - kỹ sư chính nhà máy (từ Pháp về).

Được các chuyên gia Liên Xô trực tiếp kèm cặp, đào tạo lớp công nhân chúng tôi vận hành chạy thử nhà máy trong khoảng một tháng, các thiết bị lò, máy, điện đều đảm bảo an toàn. Các cán bộ kỹ thuật và công nhân được đào tạo từ Nhà máy điện Vinh, nay lại được chuyên gia Liên Xô trực tiếp hướng dẫn đã nhanh chóng nắm vững thành thạo các thiết bị và thao tác toàn bộ nhà máy. Tất cả đã sẵn sàng chuẩn bị cho ngày khánh thành nhà máy.

Đúng ngày 7-11-1959 cũng là ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga, Nhà máy điện Lào Cai rực rỡ lung linh với 1.500 bóng điện sáng rực cả một vùng biên giới giữa những tiếng reo vui của hàng ngàn người dân các dân tộc Lào Cai và nhân dân thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc) đổ về nhà máy chiêm ngưỡng trước cảnh nhà máy rực rỡ trong ánh điện và những tràng pháo nổ vang như đánh thức cả vùng biên cương tổ quốc, xua tan cái không khí tĩnh lặng và đen tối của những năm tháng xa xưa tĩnh lặng… 

Đồng chí Lê Thanh Nghị - Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác của Chính phủ, Bộ Công nghiệp, các chuyên gia Liên Xô và các Ban, ngành của Nhà nước đã cắt băng khánh thành Nhà máy điện Lào Cai giữa những tiếng reo vui như đánh thức cả núi rừng, trở thành sự kiện đặc biệt của người dân vùng biên cương Tổ quốc. Suốt 7 ngày đêm nhà máy sáng rực ánh đèn, điện được đưa lên đường dây 35KV vào vùng mỏ Apatit Lào Cai, nơi ấy máy xúc hoạt động ngày đêm đưa hàng trăm tấn quặng về xuôi để sản xuất phân bón rất cần cho đồng ruộng để sản xuất lương thực.

Nhà máy điện Lào Cai năm 1959

Nôi đào tạo công nhân điện 

Chúng tôi, những công nhân vận hành nhà máy những năm đó rất tự hào vì là lớp công nhân điện đầu tiên của nền công nghiệp điện XHCN được đào tạo theo kỹ thuật điện mới. Chỉ hơn 6 tháng từ khi khánh thành nhà máy chúng tôi đã tự vận hành độc lập quản lý toàn bộ nhà máy mà các chuyên gia Liên Xô hướng dẫn. Đoàn chuyên gia Liên Xô đã rút đi làm nhiệm vụ khác.

Những năm 1959-1960 lớp công nhân chúng tôi tuổi còn rất trẻ chỉ từ 18 tuổi đã được lãnh đạo nhà máy, các anh bộ đội chuyển ngành ân cần chỉ bảo từ chuyên môn đến sự phấn đấu, rèn luyện bản thân, gắn bó cùng nhau suốt những năm tháng khó khăn của  thời bao cấp…

Trải qua 20 năm gắn bó từ 1959-1979 lớp lớp công nhân chúng tôi đã không ngừng trưởng thành. Nhiều đồng chí cán bộ công nhân của nhà máy đã trở thành những kỹ sư, cán bộ quản lý tỏa đi khắp các nhà máy điện mới xây dựng như Nhà máy điện Việt Trì, Uông Bí, Thái Nguyên, Lạng Sơn…

Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo như đồng chí Văn Giai, Thế Bồng, Sỹ Phóng, Trần Áp là những trưởng ca đầu tiên của nhà máy đã là Giám đốc Công ty Điện lực 3 (đồng chí Văn Giai), đồng chí Sỹ Phóng là Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Năng lượng, đồng chí Thế Bồng là Hiệu trưởng Trường Công nhân Kỹ thuật miền Trung, đồng chí Trần Áp là Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai và nhiều đồng chí cán bộ, công nhân nhà máy đã tỏa đi khắp các cơ sở điện lực cả ba miền cũng đều xuất phát và được rèn luyện trưởng thành từ cái nôi Nhà máy điện Lào Cai ngày đó.

Trong chiến tranh phá hoại của Mỹ đánh phá miền Bắc, đường sắt bị bọn Mỹ phá hủy liên tục, than từ Quảng Ninh chuyên chở bằng đường sắt lên Nhà máy điện Lào Cai bị ngừng liên tục. Nhà máy đã nghiên cứu chuyển từ đốt than Quảng Ninh sang đốt than khai viễn của Trung Quốc. Loại than này nhiệt lượng chỉ bằng 50% than Quảng Ninh đặc biệt hàm lượng lưu huỳnh lên đến trên 40% rất độc hại nhưng để đảm bảo vận hành liên tục của nhà máy, cán bộ công đã quyết tâm chạy thử loại than này. Hàng ngày, có hàng trăm cán bộ công nhân nhà máy cặm cụi ở sân than để đập nhỏ than khai viễn (vì loại than này khai thác những tảng than rất to). Vượt qua những khó khăn thử thách, nhà máy vẫn hoạt động ngày đêm mặc cho giặc Mỹ đánh phá. Trong những năm nhà máy tồn tại, lãnh đạo của nhà máy đã mở được 4 khóa đào tạo công nhân, mỗi khóa hàng trăm công nhân là con em của nhà máy và con em trong tỉnh để bổ sung lực lượng công nhân cho nhiều nhà máy điện khắp miền Bắc hồi đó. 

Cũng từ năm 1959 đến năm 1979, hai mươi năm ấy đã có hàng chục các đoàn sinh viên Đại học Bách Khoa, các Trường Kỹ thuật Trung cấp đưa sinh viên trung cấp lên nhà máy thực tập, nhiều sinh viên, cán bộ kỹ thuật tình nguyện ở lại nhà máy công tác lâu dài tại Nhà máy điện Lào Cai và cũng đã có hàng chục đám cưới của những đôi bạn trẻ xây dựng gia đình. Hàng chục các cháu đã được sinh ra ở nhà máy, nhiều mái ấm gia đình cùng làm cho cán bộ công nhân yên tâm gắn bó lâu dài với nhà máy thân yêu của mình nơi vùng biên giới. Đến nay các cháu con em công nhân nhà máy đã trưởng thành và tiếp nối cha anh với ngành Điện và các cháu đều tạo dựng, sự nghiệp khắp ba miền của đất nước… thật là vùng “đất lành chim đậu”.

Nhà máy điện Lào Cai hoạt động được 20 năm đã góp phần rất đáng kể để vùng mỏ Apatit phát triển, sản xuất được hàng ngàn tấn Apatit làm phân bón cho cả miền Bắc làm cho Lào Cai  các tỉnh biên giới ngày càng “thay da đổi thịt”, đặc biệt đồng bào các dân tộc có điều kiện cải thiện cuộc sống và sản xuất vì điện về các bản làng đã làm thay đổi phương thức sản xuất có điện sản xuất không còn thủ công thô sơ như bao đời trước… Trong 20 năm nhà máy quản lý, vận hành, con người nhà máy cũng không ngừng biến động rất nhiều công nhân đã được đi học tập đại học trong và nước ngoài trở thành những kỹ sư, cán bộ quản lý làm việc ở các nhà máy, các điện lực khắp cả ba miền đất nước, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo từ Bộ Điện lực đến các Công ty Điện lực ở khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Đồng chí Đỗ Gia Phách về Nhà máy điện Hải Phòng, sau đó làm Phó Chủ tịch Thành phố Hải Phòng. Đồng chí Khổng Khúc Khuê được cử đi học ở Hungary, về nước làm ở Bộ Ngoại giao và là Lãnh sự Quán ở Thái Lan. Anh Hà Phúc chuyển về Hải Phòng sau đó được công nhận là nghệ sĩ Ưu tú. Nhiều công nhân khác ở nhà máy sau này được trở thành những cán bộ chủ chốt ở các sở Điện lực và nhà máy Điện… như anh Lâm Sỹ là Giám đốc Sở Điện lực Lào Cai…

20 năm, Nhà máy điện Lào Cai đã có 6 đồng chí giám đốc, gồm:
-    Đồng chí Văn Viết Tùy: Giám đốc đầu tiên (1959 )
-    Đồng chí Nguyễn Duy Từ
-    Đồng chí Nguyễn Trọng Luật
-    Đồng chí Lưu Tấn Thành
-    Đồng chí Nguyễn Văn Đức 
-    Đồng chí Nguyễn Trung Vân (Giám đốc cuối cùng - 1979)

Các đồng chí tuy mỗi người một phong cách, cá tính nhưng tất cả đều toát lên một phẩm chất liêm khiết, gần gũi công nhân được tất cả cán bộ công nhân viên kính trọng, yêu quý giờ đây, tất cả các đồng chí giám đốc đã đều rời cõi tạm để về nơi vĩnh hằng. Nhưng mỗi dịp họp mặt lớp cán bộ công nhân nhà máy điện Lào Cai cũ mọi người vẫn kể những kỉ niệm đẹp về những người lãnh đạo của mình với một tình cảm kính yêu…

Năm 1979, cả nhà máy đang rất phấn khởi, mọi người bắt tay chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 20 năm thành lập nhà máy (7-11) thì một sự kiện đau lòng xảy ra… 

Nhà máy điện Lào Cai để lại dấu ấn đậm nét đối với ngành Điện miền Bắc:

- Là nhà máy đầu tiện đốt than cám trên lò ghi xích để dành than ra xuất khẩu;

- Là nhà máy đầu tiên thông bình ngưng tụ khi máy đang vận hành, không phải ngừng máy;

- Là nhà máy đầu tiên chế máy sàng xỉ để tận dụng than còn lại sau đốt lò để làm xốp than cám khi vận hành lò nhất là khi trời mưa, than ướt, bí gió, lò sẽ tắt.

(Còn nữa)


  • 17/02/2022 07:05
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 10564