Cột điện Hà Nội:Bao giờ… thoát cảnh “Một cổ nhiều tròng”

Vấn đề ngầm hóa các loại đường dây, cáp điện, cáp viễn thông… trên địa bàn Hà Nội đã được tiến hành từ nhiều năm nay, nhưng tình trạng “mạng nhện” quây kín cột điện vẫn tồn tại trên nhiều tuyến phố. Vấn đề đặt ra là: Bao giờ cột điện Hà Nội thoát cảnh “Một cổ nhiều tròng”?

Cáp viễn thông, truyền hình quây “cột điện”

Trên nhiều tuyến phố của thủ đô Hà Nội như Giang Văn Minh, Âu Cơ, Tô Ngọc Vân, Đội Cấn…, hình ảnh dễ thấy nhất và cũng làm mất mỹ quan đô thị nhất, có lẽ là những cây cột điện với hệ thống dây nhợ chằng chịt vây quanh, từ chân đến đỉnh cột.

Đáng nói, trong số hàng chục loại dây cáp “đu” mình trên cột điện, ngoài dây điện hạ thế do ngành Điện quản lý, còn lại phần lớn là dây cáp truyền hình, viễn thông, điện thoại. Thậm chí nhiều nơi, lưới điện đã được hạ ngầm, cột điện chỉ còn treo mắc các loại cáp truyền hình, viễn thông…

Thế nhưng, do các loại dây cáp này được treo trên cột điện nên rất nhiều người dân hiểu nhầm rằng, tất cả những loại dây cáp “loằng ngoằng” này đều là của ngành Điện.

Bà Đinh Thanh Lan, một người dân trên phố Đội Cấn cho biết: “Nhìn thấy dây điện mà rùng rợn. Có lẽ phải đến cả trăm cái dây “đeo bám” trên một cái cột điện. Nhiều khi tôi chỉ sợ nặng quá, cột điện ngã xuống rồi dây đứt, rò điện thì chết”. Khi được phóng viên giải thích rằng, trên cây cột điện này, phần lớn là các loại cáp truyền hình, viễn thông, dây điện chỉ chiếm một phần rất nhỏ, bà Lan tặc lưỡi: “Chúng tôi làm sao biết được. Cứ tưởng dây treo trên cột điện thì là dây điện chứ?”

Phần lớn các loại cáp treo trên cột điện hạ thế không phải là dây điện - Ảnh: CTV

Hạ ngầm đường dây đi nổi: Vẫn gặp khó!

Những năm qua, UBND TP. Hà Nội đã rất quyết tâm triển khai các dự án hạ ngầm, sắp xếp lại các đường dây đi nổi. Tuy nhiên, nếu như lưới điện trung áp khu vực nội thành và lưới điện hạ áp ở các tuyến phố chính đã được Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) cơ bản hoàn thành theo đúng chủ trương, thì việc ngầm hóa các loại dây cáp truyền hình, viễn thông, điện thoại vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Trên nhiều tuyến phố, những búi “rác trời” vẫn treo lơ lửng trên cột điện, gây mất mỹ quan đô thị.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội cho biết, việc ngầm hóa các loại dây cáp trên các cột điện liên quan đến nhiều sở, ban, ngành và các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp… Trong khi đó, các doanh nghiệp lại chưa thực sự hợp tác. Đồng thời, năng lực của một số nhà thầu còn hạn chế; Công tác giám sát của chủ đầu tư chưa nghiêm túc và thường xuyên, làm cho nhiều dự án phải điều chỉnh; Đơn vị thi công chưa tuân thủ các quy định kỹ thuật chuyên ngành Bưu chính - Viễn thông dẫn đến tình trạng các đầu cáp tại các tủ, hộp cáp lộn xộn làm mất mỹ quan đô thị…

Năm 2020, cột điện Hà Nội được “giải phóng”?

Quy hoạch phát triển ngành Bưu chính - Viễn thông Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030 được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3563/QĐ-UBND ngày 10/6/2013 đặt ra mục tiêu: Ngầm hóa 80-90% đường dây, cáp nổi khu vực nội thành và 50-60% khu vực ngoại thành.

Để đạt được mục tiêu này, Sở TT&TT đã chủ trì, phối hợp với các sở: Xây dựng, KH&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã lập danh mục các tuyến phố hạ ngầm, cải tạo sắp xếp đường dây đi nổi giai đoạn 2014-2020, với tổng chiều dài dự kiến 300 km. Trong đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đăng ký 14 tuyến đường với 160 km; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đăng ký 8 tuyến đường với 8km, bằng nguồn xã hội hóa doanh nghiệp.

Đặc biệt, Sở TT&TT cũng đã yêu cầu 13 doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và truyền hình cáp ký Biên bản thỏa thuận sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật - một bài toán khó, vốn đã tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.

Nếu Quy hoạch phát triển Bưu chính - Viễn thông Hà Nội đến năm 2020 đảm bảo đúng mục tiêu đề ra, thì đến năm 2020, Hà Nội cơ bản sạch “rác trời” và các cột điện sẽ được “giải phóng”. Nhưng để thực hiện Quy hoạch trên, cần phải có sự phối hợp thực sự hiệu quả giữa các doanh nghiệp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô.
 


  • 17/03/2014 10:31
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới Điện
  • 522757


Gửi nhận xét