Vi phạm tràn lan
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc), thời gian qua, đã có rất nhiều sự cố về điện đã xảy ra trên địa bàn tỉnh, làm ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn về kinh tế không chỉ cho ngành Điện mà cả khách hàng sử dụng điện.
Đơn cử gần đây nhất, ngày 15/5/2023, trong khi người dân chơi thả diều, gió lốc cuốn đứt khiến diều mắc vào đường dây tại khoảng cột 5 sang 6 NR Tử Du 1 lộ 373E25.3, gây sự cố mất điện trên diện rộng khu vực huyện Lập Thạch. Hay từ khoảng cột 77-78 đường trục lộ 373E25.3, gia đình ông Lê Văn Diện, thôn Bì La (xã Đồng Ích, Lập Thạch) đang triển khai xây dựng móng nhà dưới hành lang lưới điện mặc dù đường dây diện đã có trước khi gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Những vi phạm HLATLĐ buộc ngành Điện lực phải lập biên bản, cảnh báo, xử lý và đề xuất cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt, yêu cầu tạm dừng thi công chủ yếu là xây dựng các công trình nhà ở, san lấp mặt bằng, nâng cốt nền đường, tự ý trồng hoặc chặt tỉa cây xanh vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện; thả diều gần hành lang lưới điện; xe chở hàng quá khổ, quá tải di chuyển va quyệt vào đường dây, va chạm làm ảnh hưởng kết cấu các công trình điện...
Tình trạng lợi dụng cột điện để dán tờ rơi, biển quảng cáo; khi mưa, bão, gió, lốc gây đổ, va chạm vào đường dây điện gây sự cố điện... Cùng với đó, nạn trộm cắp tài sản, thiết bị điện tiếp tục tái diễn phức tạp.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 53 vụ trộm cắp tài sản, thiết bị ngành Điện; trong đó, có nhiều vụ, kẻ gian cắt trộm dây cáp điện, dây tiếp địa, dây chống sét tại các trạm biến áp, trên đường dây trung thế, bị điện giật, bị phóng điện, làm mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng rất đến việc cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới việc vận hành lưới điện ổn định, an toàn, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; song nguyên nhân bắt nguồn từ ý thức của con người là yếu tố quan trọng. Đặc biệt là ý thức của một bộ phận người dân, tổ chức về việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ HLATLĐ chưa cao; hành vi tự ý cơi nới, xây dựng các công trình, khai thác cây cao trong hành lang nhưng không phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn. Một số địa phương, nhiều trường hợp cố tình vi phạm đã gây thiệt mạng về người.
Bên cạnh đó, khi phát hiện tình trạng vi phạm ATHLLĐ, một số địa phương chưa phối hợp chặt chẽ với ngành Điện trong công tác xử lý, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, khó khăn trong công tác duy trì vận hành điện an toàn, liên tục. Cùng với đó, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, các ngành kinh tế phát triển mạnh đã khiến phụ tải tại các địa phương tăng trưởng mạnh, các tuyến đường dây chủ yếu đi qua các khu dân cư, gây không ít khó khăn cho công tác bảo vệ HLATLĐ.
Nhân viên điện lực Vĩnh Phúc tuyên truyền các hộ dân không vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
|
Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Điện với chính quyền, người dân
Nhằm giải quyết những tồn tại vi phạm HLATLĐ, đảm bảo an toàn cho người và tài sản ngành Điện, thời gian qua, PC Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các đơn vị điện lực trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra hệ thống lưới điện do đơn vị quản lý vận hành, nhanh chóng phát hiện và xử lý các hư hỏng, khiếm khuyết có nguy cơ gây sự cố lưới điện; tổ chức các đợt ra quân phát quang hành lang tuyến.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ HLATLĐ cho mọi tầng lớp nhân dân; vận động cá nhân, tổ chức không trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn với đường dây điện, trạm điện; không tự do trèo lên trạm điện, đường dây điện để bắt chim, thả diều; không xây dựng cải tạo nhà ở, công trình trong khu vực HLATLĐ cao áp, vi phạm khoảng cách an toàn của lưới điện...
Kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng xử phạt các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Mặc dù Nghị định số 134 ban hành năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã quy định rõ mức phạt tiền trong lĩnh vực điện lực tối đa lên tới 50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức, thậm chí bị xử lý hình sự đối với những hành vi vi phạm có tính chất và mức độ nghiêm trọng; song, để hạn chế, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm, vấn đề then chốt là sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý, vận hành lưới điện với chính quyền, người dân.
Bảo đảm HLATLĐ không chỉ là nhiệm vụ quan trọng riêng của ngành Điện mà còn là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của các địa phương và mỗi người dân, góp phần vận hành lưới điện an toàn, liên tục, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và đóng góp tích cực cho sự phát triển KT- XH.
Các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc phối hợp với ngành điện xử lý dứt điểm các vụ vi phạm, giảm thiểu tối đa các tai nạn đáng tiếc.
Link gốc