Xu hướng tất yếu
ĐMTMN là nguồn điện sạch có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất khi truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện có sẵn, tận dụng được nguồn năng lượng vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải. Do đó, sử dụng ĐMTMN vừa giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, chủ động được một phần điện năng cho sản xuất, vừa gia tăng lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.
Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ - TTg ban hành ngày 15/5/2023 cũng nhấn mạnh: Cần tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh. Thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền,…Về nguồn ĐMTMN, Quy hoạch điện VIII cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 phấn đấu có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu; nguồn ĐMTMN tự sản, tự tiêu, không phát lên lưới được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Võ Tân Thành cho biết: Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các doanh nghiệp phải dành ưu tiên cho đầu tư phát triển ĐMTMN bởi nó không chỉ giúp doanh nghiệp tiết giảm đáng kể chi phí sản xuất, giảm phát thải carbon mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu, từ đó gia tăng lợi nhuận .
Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI, những chuyển biến gần đây tại các thị trường lớn vô hình trung đã tạo áp lực không nhỏ buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải có sự thay đổi cần thiết để thích nghi. Đơn cử Liên minh châu Âu (EU) đang tập trung đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Thỏa thuận Xanh châu Âu, theo đó các sản phẩm như dệt may, điện tử, công nghệ thông tin, nông sản, thực phẩm xuất sang EU phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về hiệu quả năng lượng, giảm phát thải, chất thải và sử dụng nguyên liệu tái chế. “Xu hướng dịch chuyển sản xuất theo hướng “xanh hóa” tại châu Âu nói riêng - các thị trường lớn toàn cầu nói chung sẽ tạo thêm cơ hội cho Việt Nam trong hành trình đi tới nền kinh tế xanh, hiện thực hóa cam kết không phát thải vào năm 2050. Đối với các doanh nghiệp, việc đầu tư lắp đặt ĐMTMN sẽ là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt sở hữu chứng chỉ xanh, được cộng điểm ưu tiên khi xuất khẩu vào các thị trường khổng lồ; đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng trên toàn cầu” - ông Thành nhấn mạnh.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Quan trọng và cấp thiết là vậy nhưng ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư, lắp đặt hệ thống ĐMTMN do chưa có quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể để triển khai thực hiện. Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu được đề nghị điều chỉnh mới đây cho thấy quy trình thực hiện còn tồn tại rất nhiều thủ tục hành chính và một số điểm chưa rõ ràng, nhất quán. Cụ thể, đối với các cơ quan, tổ chức, hộ dân lắp đặt ĐMTMN tự sản, tự tiêu cần phải hoàn thành các thủ tục như xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy,… theo quy định pháp luật hiện hành. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, hộ dân lắp đặt ĐMTMN vẫn phải thực hiện các thủ tục hành chính khác (giấy phép về chủ trương đầu tư, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, giấy chứng nhận bảo vệ môi trường,...) tại Sở Công Thương của tỉnh khi nộp hồ sơ xin đăng ký, gây tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí.
Có thể thấy, việc thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện các thỏa thuận xanh của EU đã và đang tạo ra những thay đổi rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp là Chính phủ sẽ sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong hoạt động sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Để tháo gỡ vướng mắc trong công tác đầu tư, lắp đặt, các doanh nghiệp cũng đề xuất các bộ, ban ngành liên quan sớm xây dựng ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các bộ phận cấu thành nên hệ thống ĐMTMN; đồng thời chú trọng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, sớm hoàn thiện bộ khung pháp lý hoàn chỉnh về các thủ tục liên quan (thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy,…). Từ đó, thu hút nhiều hơn các nguồn lực đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.
Đối với khó khăn về nguồn vốn phục vụ chuyển đổi xanh, ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam bày tỏ mong muốn Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước sớm thành lập quỹ hỗ trợ nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp để đầu tư ĐMTMN. “Một nhà máy, thậm chí là một khu công nghiệp sẽ rất khó chuyển đổi xanh nếu như không có sự chung tay của Nhà nước, của chính quyền địa phương thông qua các chính sách hỗ trợ được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả” - ông Long khẳng định
Cùng với nỗi lo về vốn, việc Bộ Công Thương giới hạn công suất nguồn ĐMTMN nối lưới là 2.600MW theo Quy hoạch điện VIII cũng khiến các doanh nghiệp lo lắng sẽ bị giới hạn room công suất lắp đặt. Do vậy, các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ xem xét nới room công suất lắp đặt điện mặt trời trong Quy hoạch hoặc bỏ hạn ngạch phân bổ theo các tỉnh, thành, qua đó tạo điều kiện khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, người dân đầu tư lắp đặt ĐMTMN để phục vụ sản xuất, kinh doanh và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Link gốc