Ông Đỗ Văn Hờn
|
PV: Ông có thể cho biết rõ hơn kết quả đưa điện về nông thôn tại Bình Phước thời gian qua?
Ông Đỗ Văn Hờn: Thực hiện Chương trình điện khí hóa nông thôn, những năm qua, PC Bình Phước đã tận dụng mọi nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế như, Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để đưa điện về khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, chủ yếu phục vụ an sinh xã hội.
Hàng năm, PC Bình Phước còn sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản để cải tạo, nâng cấp, chống quá tải hệ thống lưới điện, đảm bảo nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng mới các tuyến trục chính của trạm trung gian, lưới điện phục vụ khu công nghiệp, dịch vụ, các khu dân cư tập trung.
Tính đến ngày 31/12/2015, tổng số hộ dân có điện tại Bình Phước là hơn 240.000 hộ, đạt 98%. Trong đó, số hộ dân nông thôn có điện là gần 191.000 hộ, chiếm 97,49%, xếp thứ 19 trên 21 tỉnh/thành phía Nam.
PV: Vì sao tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng điện tại Bình Phước vẫn còn khiêm tốn như vậy, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Hờn: Đầu tư các dự án điện ở khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Phước gặp rất nhiều khó khăn do người dân sống không tập trung, dẫn đến bán kính cấp điện xa, phụ tải thấp, tổn thất và suất đầu tư cao, trung bình từ 20 – 30 triệu đồng/hộ, thậm chí một số khu vực còn lên tới 60 triệu đồng/hộ. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và PC Bình Phước rất hạn chế.
Điều 61 Luật Điện lực (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013) quy định: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho đơn vị điện lực hoạt động tại khu vực mà việc đầu tư và hoạt động điện lực không có hiệu quả kinh tế”. Song trên thực tế thời gian qua, ngân sách của Trung ương và địa phương đều rất hạn chế. Cụ thể, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013 – 2020 với tổng mức đầu tư gần 680 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2015, mới chỉ thu xếp được 15 tỷ đồng và năm 2016 là 20 tỷ đồng, quá ít so với tổng vốn đầu tư gần 680 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi, hải đảo theo đúng tinh thần Thông tư số 97/2008/TT - BTC ngày 28/10/2008 của Bộ Tài chính. Vì vậy, việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai các dự án điện nông thôn của EVNSPC nói chung và PC Bình Phước nói riêng trong thời gian qua mất nhiều thời gian và chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Để đưa điện về từng hộ dân nông thôn tại Bình Phước đòi hỏi nguồn vốn rất lớn
|
PV: Là tỉnh có nhiều diện tích trồng cây cao su, điều này có gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án điện, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Hờn: Trong quá trình thi công các công trình điện, mặc dù Công ty đã nhận được sự hỗ trợ của Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước trong khâu GPMB, nhưng việc thực hiện vẫn chưa thật sự quyết liệt.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ, Bình Phước đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH. Trước mắt, cần mở rộng hệ thống giao thông đường bộ. Điều này đòi hỏi phải di dời một số lưới điện hiện hữu. Tuy nhiên, theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010, việc di dời cột điện là rất khó thực hiện, vì yêu cầu trụ điện phải nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường bộ. Tuy nhiên, nếu nằm ngoài hành lang bảo vệ đường bộ thì trụ điện phải trồng vào đất của nhân dân hoặc vướng nhà cửa, cây cối, việc đền bù rất tốn kém và khó thực hiện.
PV: Đứng trước những khó khăn đó, PC Bình Phước có những giải pháp nào để đến năm 2020 hầu hết hộ dân nông thôn sẽ có điện?
Ông Đỗ Văn Hờn: Do nguồn vốn đầu tư của ngành Điện, EVNSPC có hạn, nên trước mắt PC Bình Phước sẽ cân đối trong tổng nguồn vốn được phân bổ hàng năm để lập kế hoạch đầu tư, ưu tiên các công trình lưới điện trung, hạ áp nông thôn ở khu vực đông dân cư, mang lại hiệu quả kinh doanh, đảm bảo được bán kính cấp điện, không gây non tải và tổn thất cho lưới điện hiện hữu. Đồng thời, Công ty còn theo dõi chặt chẽ tốc độ phát triển phụ tải, nhu cầu sử dụng điện tại các khu vực này để tham mưu cho Tổng công ty và địa phương ứng vốn với cơ chế linh hoạt đã thực hiện trước đây, đó là tỉnh ứng vốn (không tính lãi) để ngành Điện đầu tư lưới trung thế, địa phương đầu tư lưới hạ thế. Sau đó, bàn giao cho ngành Điện bán trực tiếp đến người dùng điện.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp kịp thời ứng vốn thực hiện “Dự án đầu tư cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013 – 2020”, đầu tư cấp điện cho các hộ đồng bào dân tộc, hộ nghèo, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tỉnh ủy, UBND, HĐND khuyến khích các địa phương huy động các nguồn vốn, tiếp tục đầu tư lưới điện nông thôn, bàn giao cho ngành Điện quản lý bán điện trực tiếp.
Ngoài ra, Công ty đề nghị các bộ, ngành sớm ban hành cơ chế, chính sách hướng dẫn cụ thể việc hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư cho ngành Điện theo các quy định của Thông tư số 97/2008/TT-BTC để EVNSPC, PC Bình Phước có thể tiếp cận các nguồn vốn, đầu tư dự án điện, phấn đấu cùng cả nước đến năm 2020 hầu hết hộ dân nông thôn có điện.
PV: Xin cảm ơn ông!