Đổi mới hoạt động tổ chức Đảng trong doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết

Ngày 13/6, tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội thảo chuyên đề “Đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp”.

Hội thảo có nhiều chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự

Tham dự Hội thảo có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp (DN) Trung ương Trần Hữu Bình, đại biểu các tổ chức Đảng trong các DN Trung ương, TP.Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học.

Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy tham dự Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn khẳng định, trước yêu cầu phát triển, các doanh nghiệp đã và đang đổi mới mạnh mẽ mô hình hoạt động. Điều đó tác động mạnh đến công tác tổ chức, hoạt động của tổ chức Đảng trong DN.

Hội thảo chuyên đề "Đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp" có ý nghĩa thiết thực, nhất là khi Hội nghị Trung ương 5 khoá XII vừa kết thúc, ban hành 3 Nghị quyết quan trọng về kinh tế. Đây là dịp để Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội và Ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đánh giá đúng tình hình công tác xây dựng Đảng trong các DN, qua đó tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương những giải pháp cần thiết để đổi mới hoạt động của tổ chức Đảng trong DN ngày càng hiệu quả.

Để giải quyết những bất cập về mô hình tổ chức, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Trần Hữu Bình: "Chúng tôi sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến tham luận tại Hội thảo. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nghiên cứu, xây dựng báo cáo, kiến nghị với Trung ương về các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng trong DN".

Tại Hội thảo, ông Vũ Đức Bảo - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho rằng mô hình tổ chức Đảng trong DN còn nhiều bất cập, đang tồn tại nhiều mô hình tổ chức khác nhau như Đảng bộ cơ quan, Đảng bộ cơ quan mở rộng, Đảng bộ công ty mẹ, Đảng bộ công ty mẹ mở rộng, Đảng bộ toàn doanh nghiệp. 

Nhiều doanh nghiệp thành viên có cùng cấp bộ đảng với tập đoàn kinh tế, tổng công ty; còn có cấp ủy trong doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% không theo kịp tình hình, chậm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo nên không hiệu quả, vai trò lãnh đạo có phần suy giảm.

Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý và phân công công tác cho đảng viên gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo cấp ủy trong doanh nghiệp đa số là lãnh đạo doanh nghiệp, do kiêm nhiệm nhiều việc nên có lúc, có nơi, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng lẫn với công tác chuyên môn...

Những hạn chế trên đây đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh không cao. Hiệu lực quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước vẫn còn bất cập.

Cũng tại Hội thảo, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy EVN Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng: Muốn nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp cần tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân định rõ phạm vi lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền; xác định rõ vị thế của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp và phân định rõ trách nhiệm của Đảng, trách nhiệm của chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các nhiệm vụ.

“Đổi mới phương thức xây dựng các nghị quyết, chương trình đảm bảo tính rõ ràng, cụ thể, khả thi và có hiệu quả, các nội dung đưa ra phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và phải là kim chỉ nam cho hoạt động thực tiễn. Đồng thời, cán bộ phải luôn đổi mới cách nghĩ, cách làm để thích nghi với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ mới; phát huy vai trò tổ chức Đảng, đảng viên, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước vận mệnh của doanh nghiệp và người lao động”, ông Nguyễn Hữu Tuấn nhấn mạnh.

Từ góc độ chuyên gia, PGS. TS Phan Hữu Tích, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ Ban Tổ chức Trung ương chỉ ra rằng, cần thiết phải có định hướng về mô hình tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN sao cho thống nhất, không để quá nhiều mô hình như hiện nay. Nhưng dù theo mô hình nào, vai trò, vị trí, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng trong DN phụ thuộc chủ yếu vào năng lực, trình độ và tâm huyết của người đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt của tổ chức Đảng đó.