Tại Văn bản số 8502/BNN-TCTL ngày 13/11/2019, Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh, thành phố có hồ thuỷ lợi khi quyết định chủ trương đầu tư đối dự án điện mặt trời nổi chỉ thực hiện ở vùng bán ngập của hồ chứa và công nghệ sử dụng không được ảnh hưởng đến chất lượng nước và an toàn công trình.
Các dự án điện mặt trời ở khu vực này cũng không được sử dụng ắc quy và các thiết bị có khả năng gây ô nhiễm trong khu vực lòng hồ; không gây cản trở cho việc vận hành công trình; không có hoạt động san lấp, tôn nền khu vực lòng hồ làm thay đổi quy mô, nhiệm vụ công trình.
Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện mặt trời trong phạm vi bảo vệ hồ chứa thuỷ lợi phải lưu ý vấn đề đảm bảo an toàn công trình và chất lượng nước hồ. Đặc biệt, với các hồ chứa có nhiệm vụ cấp nước cho sinh hoạt, hồ sơ khảo sát nghiên cứu cần đánh giá tác động của việc che phủ mặt nước, tỷ lệ diện tích che phủ của tấm pin mặt trời so với diện tích mặt hồ.
Trên thực tế, sau khi các dự án điện mặt trời trên đất có sự đổ bộ đầu tư quá lớn, đã có những nhà đầu tư chuyển hướng sang làm các dự án điện mặt trời trên các hồ thuỷ điện, hồ thuỷ lợi.
Đáng chú ý nhất trong số này là dự án điện mặt trời trên hồ Dầu Tiếng của Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan). Dự án có quy mô 420MW, tổng mức đầu tư là 91.000 tỷ đồng tại vùng bán ngập của hồ Dầu Tiếng đã vận hành trước thời điểm 30/6/2019.
Vào tháng 9/2019, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 8 dự án điện mặt trời trên hồ thủy điện Trị An vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2025. Tổng công suất của các dự án này dự kiến gần 5.400MWp trên diện tích hơn 7.100ha thuộc địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất.