Dù chuẩn bị kỹ, vẫn chưa thể yên tâm...

Dù đã có sự chuẩn bị chu đáo trước mùa mưa lũ năm nay, nhưng Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) vẫn canh cánh nỗi lo về an toàn vùng hạ du.

 

Phối hợp chặt chẽ với địa phương

Ngay từ đầu mùa mưa lũ năm 2018, Công ty đã tiến hành kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) và Tiểu ban khu vực Đa Nhim – Sông Pha, Hàm Thuận – Đa Mi cũng như Ban QLDA mở rộng NMTĐ Đa Nhim, trong đó có những thành viên là người địa phương và các đơn vị liên quan. Kế hoạch, phương án PCTT&TKCN đã được phê duyệt và tổ chức thực hiện theo đúng quy định, trong đó, DHD đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối và giảm nhẹ ảnh hưởng thiên tai cho hạ du.

Đáng chú ý, để dự báo chính xác lượng mưa nhằm tính toán lưu lượng nước về hồ chứa thủy điện trên lưu vực hồ Đơn Dương (cấp nước cho NMTĐ Đa Nhim), Công ty đã lắp đặt 8 trạm đo mưa, riêng hạ du hồ có 4 trạm cảnh báo xả lũ. Đối với hồ Hàm Thuận, trên lưu vực hồ có 6 trạm đo mưa, phía hạ du có 3 trạm cảnh báo xả lũ. Ngoài các trạm đo mưa trên lưu vực hồ và cảnh báo lũ phía hạ du, dọc theo tuyến sông Đa Nhim và La Ngà cũng lắp đặt các cột tiêu báo lũ, các bảng chỉ dẫn tránh lũ, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn khi có lũ trên sông, cũng như trường hợp có sự cố xảy ra tại công trình đầu mối hồ, đập.

Ông Đỗ Minh Lộc – Phó Tổng giám đốc DHD cho biết: Công ty đặc biệt chú trọng việc phối hợp với chính quyền địa phương trong vận hành xả lũ. Hàng năm, trước, trong và sau mùa mưa bão, các bên đều phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, tuần tra… khu vực hạ du hồ chứa. Trong quá trình điều tiết lũ hồ chứa, lãnh đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN Công ty và địa phương đều trực tiếp chỉ đạo và luôn theo dõi sâu sát tại Trung tâm điều hành các đập. Ngoài ra, các kênh cung cấp thông tin về khu vực hồ chứa và hạ du luôn phải đảm bảo thông suốt, liên tục và kịp thời. 

Công nhân Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi kiểm tra thiết bị tại đập tràn Đơn Dương

Canh cánh nỗi lo

Theo ông Đỗ Minh Lộc, hiện nay tình trạng canh tác, sinh sống trong lòng sông, ven sông, bãi bồi và vùng có nguy cơ bị ngập khi có lũ xảy ra của người dân dọc theo sông Đa Nhim và sông La Ngà rất phổ biến. Điều này gây mất an toàn cho công tác vận hành hồ chứa, cũng như gây không ít khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc kiểm soát, tổ chức di dời và đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi có lũ trên sông.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, do sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và chất lượng rừng trên thượng nguồn các hồ chứa ngày càng giảm sút, nên tình hình mưa lũ trên lưu vực các hồ chứa ngày càng phức tạp, không theo quy luật và khó dự báo gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành xả lũ. Vì vậy, để vận hành hiệu quả công trình cũng như giảm thiểu thiệt hại cho hạ du, DHD đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành quy định về hành lang thoát lũ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được đồng ý. 

Ông Lộc phân tích: Việc có quy định cụ thể hành lang thoát lũ tự nhiên của sông suối trước tiên sẽ đảm bảo an toàn cho người dân sống dọc hạ lưu. Căn cứ vào quy định, địa phương sẽ dễ dàng hơn trong công tác kiểm tra, kiểm soát, cảnh báo, di dời, hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi lũ về, đồng thời góp phần như nâng cao ý thức, trách nhiệm, quyền lợi của người dân trong việc phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Mặt khác, quy định về hành lang thoát lũ cũng là cơ sở pháp lý để địa phương thực hiện các chế tài xử phạt trong các trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang, gây mất an toàn cho chính người dân cũng như xác định trách nhiệm, quyền hạn của doanh nghiệp trong việc vận hành xả lũ hồ chứa. 

Đối với doanh nghiệp, khi có các quy định cụ thể về hành lang thoát lũ tự nhiên của các sông phía hạ lưu đập, doanh nghiệp sẽ chủ động điều tiết hồ chứa và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối. Đồng thời, đây cũng là căn cứ tính toán mức xả nước phù hợp, không làm ảnh hưởng đến hạ du, đồng thời tăng tính hiệu quả trong việc cắt, giảm lũ hồ chứa. 


  • 21/07/2018 02:44
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 14762