Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân

Với 367 ý kiến góp ý vào Dự thảo 2 Luật Điện lực sửa đổi, Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để hoàn thiện trình Bộ Tư pháp thẩm định.

Chiều 12/4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến về nội dung Dự thảo 2 Luật Điện lực (sửa đổi).

Hội nghị với sự tham dự của thành viên Ban soạn thảo gồm: Ông Lê Sỹ Bảy - Phó Tổng thanh tra Chính phủ, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số bộ ngành cơ quan thuộc Chính phủ; một số hiệp hội, đại diện doanh nghiệp: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV); một số Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương. Cuộc họp lần này nhằm tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đối với Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Có 367 ý kiến góp ý được tổng hợp

Trước đó, ngày 28 tháng 3 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức có liên quan về việc xin ý kiến đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Ngày 29/3/2024, Dự thảo 2 Luật Điện lực (sửa đổi) được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi trong thời hạn 60 ngày theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về nội dung Dự thảo 2 Luật Điện lực (sửa đổi).

Theo đó, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi 139 cơ quan, tổ chức bao gồm: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành, các đơn vị điện lực và các hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực điện lực để đề nghị có ý kiến.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Trưởng ban soạn thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nhấn mạnh: Để đảm bảo chất lượng của Dự án luật, đặc biệt là những nội dung mới như phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; phát triển loại hình mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn (hướng đến sử dụng năng lượng xanh, sạch); đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trên cơ sở kết quả cuộc họp, Ban soạn thảo lần thứ nhất, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị Ban soạn thảo Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) lần thứ hai để tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý Dự án luật.

Tại cuộc họp, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập đã báo cáo vắn tắt các công việc đã triển khai theo kết luận tại cuộc họp lần thứ nhất và giới thiệu tổng quan về Dự thảo 2 của luật.

Theo kế hoạch, Ban soạn thảo sẽ tổ chức 5 hội nghị, trong đó đã có 2 hội nghị được triển khai vào ngày 15/3/2024 và ngày 12/4/2024. 3 hội nghị tiếp theo sẽ được triển khai trong thời gian tới với các nội dung gồm: Họp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo 2 để hoàn thiện Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự kiến từ ngày 27/5-31/5/2024; họp tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ dự kiến từ ngày 17/6-21/6/2024; họp tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ: Dự kiến trong tháng 7 sau khi đã có ý kiến của Chính phủ theo thông báo của Văn phòng Chính phủ.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị.

Về hoạt động của Tổ biên tập, cụ thể Tổ biên tập được chia thành 3 nhóm để thực hiện thảo luận, tham mưu cho Ban soạn thảo trong các bước soạn thảo chính gồm: Nhóm quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực và năng lượng tái tạo; Nhóm an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện; Nhóm về giá điện, thị trường điện, vận hành hệ thống điện và cấp phép.

Liên quan đến tiếp nhận, tổng hợp ý kiến thành biên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đối với Dự thảo 1, ông Trần Việt Hòa cho biết: Triển khai kết luận của Bộ trưởng tại cuộc họp Ban soạn thảo lần thứ nhất (ngày 15/3/2024) về việc đề nghị các thành viên Ban soạn thảo góp ý cho Dự thảo 1 Luật Điện lực (sửa đổi) với thời hạn gửi ý kiến góp ý chậm nhất ngày 20/3/2024, theo đó Cục Điều tiết điện lực đã nhận được 19 văn bản góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) gửi về.

Tổng số ý kiến góp ý được tổng hợp là 367 ý kiến, trong đó góp ý chung về Luật Điện lực (sửa đổi) là 8 ý kiến, góp ý về các điều, khoản Dự thảo 1 là 359 ý kiến.

Kết quả, trong số 367 ý kiến được tổng hợp, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã thực hiện tiếp thu và hiệu chỉnh 218 ý kiến với nội dung tiếp thu chủ yếu liên quan đến các quy định chung cụ thể như: Quy định liên quan đến đầu tư phát triển điện lực, phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, giấy phép hoạt động điện lực, một số quy định về mua bán điện và các quy định liên quan đến an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện và quy định liên quan đến quản lý nhà nước, điều khoản chuyển tiếp.

Đề nghị giữ nguyên như Dự thảo hoặc có phản hồi làm rõ đối với 138 ý kiến chủ yếu về: Lập, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực; kinh phí cho công tác quy hoạch, đất sử dụng cho dự án điện lực; đối tượng được cấp phép cho hoạt động điện lực và phạm vi giấy phép về thời hạn cấp, sửa đổi bổ sung giấy phép; mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ; nguyên tắc vận hành hệ thống điện, quy định hệ thống điện truyền tải – phân phối, tiết kiệm trong phát điện; bảo đảm chất lượng điện năng.

Còn 11 ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đang tiếp tục nghiên cứu để có hướng tiếp thu, giải trình.

Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn đóng góp ý kiến vào dự thảo luật

Cùng với đó, thành viên đại diện các Tổ biên tập đã báo cáo vắn tắt về nội dung tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) về các chuyên đề: Quy hoạch đầu tư phát triển điện lực và chuyên đề Điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Cấp phép hoạt động điện lực; Thị trường điện, mua bán điện và giá điện; Vận hành hệ thống điện; An toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Tại cuộc họp, các chuyên gia, thành viên Ban soạn thảo đã cho ý kiến góp ý và Dự thảo 2 của Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó tập trung vào 6 nội dung: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; cơ chế DPPA; giá điện; các vấn đề hợp đồng mua bán điện, cấp giấy phép hoạt động điện lực; về an toàn điện, an toàn đập hồ chứa thủy điện.

6 nội dung lớn tiếp tục triển khai

Theo đó, 6 nội dung lớn đã được Ban soạn thảo thống nhất và tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, về Quy hoạch phát triển điện lực: Bổ sung mới về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực nhằm quy định cụ thể việc lập, trình phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực và quy định Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để làm cơ sở triển khai thực hiện quy hoạch được duyệt.

Đầu tư xây dựng dự án điện lực, cần bổ sung quy định: Đánh giá sự phù hợp với quy hoạch; quy định điều chỉnh bổ sung dự án chưa có trong quy hoạch thì phải thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển điện lực theo Luật Quy hoạch. Hoặc kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực và trừ các trường hợp không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch như các dự án sản xuất điện sử dụng nguồn nhiệt dư từ dây chuyền sản xuất sản phẩm, nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện cho mục đích tiêu thụ tại chỗ. Đồng thời, không bán điện và không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, các dự án lưới điện hạ áp.

Hội nghị lấy ý kiến về nội dung Dự thảo 2 Luật Điện lực (sửa đổi)

Đầu tư xây dựng các dự án điện khẩn cấp: Bổ sung mới các quy định đầu tư xây dựng dự án điện khẩn cấp nhằm giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh cung cấp điện (đưa ra tiêu chí dự án điện khẩn cấp; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục và cơ chế đặc thù để thực hiện dự án điện khẩn cấp).

Về lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện, lưới điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Đây là nội dung quy định mới nhằm cụ thể hóa các đối tượng, trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu và không qua đấu thầu trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật về đầu tư, PPP, đấu thầu và bổ sung một số trường hợp đặc thù (khẩn cấp, an ninh quốc phòng, thay thế chủ đầu tư dự án điện)”.

Về xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ: Đây là nội dung quy định mới xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ nhằm quy định chế tài ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư khi thực hiện chậm trễ các dự án đầu tư xây dựng công trình điện; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, trung ương để quản lý tiến độ các dự án điện; đưa ra biện pháp xử lý các dự án điện chậm tiến độ, đề xuất thu hồi dự án theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai. Đây là những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Điện lực.

Thứ hai, về nội dung về phát triển điện năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Đây là nội dung được bổ sung mới nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Theo đó, về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới: Đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện; có chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo theo nhu cầu phụ tải và trên cơ sở khai thác, tận dụng điều kiện tự nhiên trong từng vùng, khu vực, trên đất liền, trên biển và hải đảo nhằm khai tác tài nguyên bền vững, hợp lý. Trên cơ sở mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo từng thời kỳ trong quy hoạch phát triển điện lực, Chính phủ quyết định cụ thể chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.

Phát triển điện năng lượng tái tạo: Khuyến khích việc đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo kết hợp với lưu trữ điện. Dự án năng lượng tái tạo đầu tư mới, mở rộng, cải tạo được phép kết hợp các loại nguồn điện năng lượng tái tạo để tăng sản lượng phát điện nhưng công suất phát điện vào hệ thống điện quốc gia không vượt quá công suất được phê duyệt trong giai đoạn quy hoạch. Ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại các vùng đất khô cằn hoặc khó phát triển nông nghiệp theo đánh giá của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điện năng lượng tái tạo tự sử dụng, tự sản tự tiêu: Quy định về dự án điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu có công suất thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hoặc kế hoạch triển khai quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được xác định là phù hợp theo quy định. Dự án điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu có liên kết với hệ thống điện quốc gia, được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) vào hệ thống điện quốc gia.

Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia thì nhà nước ghi nhận sản lượng điện đó với giá không đồng. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm ổn định hệ thống điện. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự thủ tục phát triển, hạch toán sản lượng điện dư của dự án điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu.

Phát triển điện gió ngoài khơi: Quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi; quy định vấn đề chuyển nhượng của chủ đầu tư.

Thứ ba, về cơ chế DPPA, Dự thảo Luật quy định chi tiết về Hợp đồng kỳ hạn: Là một dạng hợp đồng trong hình thức mua bán thông qua hợp đồng giữa bên bán điện và bên mua điện trong thị trường điện cạnh tranh; bổ sung quy định về mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện (Điều 47 Dự thảo 2) để đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước (tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị và Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê quyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050). Theo đó, quy định các trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện bao gồm: Mua bán điện thông qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp; Mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.

Thứ tư, về giá điện, trong đó liên quan chính sách giá điện, dự thảo Luật bổ sung nội dung giá điện cần đảm bảo phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện của đơn vị điện lực và được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực; có cơ chế giá điện phù hợp trong việc nhập khẩu điện với nước ngoài.

Sửa đổi các nội dung về: Thẩm quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá (bán lẻ điện), theo đó Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá thay vì Thủ tướng Chính phủ như hiện hành; sửa đổi làm rõ việc Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện bình quân và khung giá bán buôn điện bình quân. Các hướng dẫn của Bộ Công Thương về các loại giá điện/khung giá điện sẽ phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực...

Về giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo: Sửa đổi quy định (so với quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật hiện hành) theo hướng Thủ tướng Chính phủ quy định giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia, phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

 


  • 12/04/2024 10:25
  • Bài Thu Hường - Ảnh Thanh Huyền
  • 7821