Đưa khoa học công nghệ vào truyền tải điện

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT). Do vậy, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ với các thiết bị thông minh là hướng đi bền vững sẽ giúp doanh nghiệp này nâng cao hiệu năng, giảm tổn thất điện trong quá trình truyền tải.

Giảm hơn 1.000 lao động nhờ điều khiển từ xa

Theo đánh giá của Ban lãnh đạo EVNNPT, với việc phát triển của công nghệ điện toán đám mây, công nghệ cảm biến, các thiết bị được kết nối với nhau thông qua internet,… sẽ giúp đạt hiệu quả hơn trong vận hành và quản lý tài sản nhờ khả năng giám sát, cảnh báo và điều khiển, đồng thời giúp nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí trong vận hành.

Hiện nay, EVNNPT đang triển khai kế hoạch chuyển các trạm biến áp 220 kV sang thực hiện thao tác điều khiển từ xa từ các trung tâm điều độ. Đến nay đã thực hiện chuyển 9 trạm biến áp 220 kV sang thao tác xa. Dự kiến đến năm 2020, EVNNPT sẽ chuyển 60% trạm biến áp điều khiển từ xa vận hành theo tiêu chí trạm không người trực.

Cũng theo kế hoạch đến năm 2020, EVNNPT sẽ chuyển 162 trạm biến áp 220 kV thành trạm biến áp không người trực với số lao động sử dụng là 680 người cho các trung tâm vận hành và đội thao tác, thay vì 1.782 người như trước. Như vậy, đơn vị sẽ tiết kiệm được số lao động là 1.102 người.

Cùng với các trung tâm điều khiển, vận hành từ xa, hiện nay, EVNNPT cũng thực hiện đẩy mạnh kiểm tra định kỳ đường dây truyền tải bằng các máy bay không người lái. Theo EVNNPT, máy bay không người lái (UAV) có thể ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý vận hành, đặc biệt kiểm tra thiết bị đang mang điện, đối với khu vực đi lại khó khăn, các vị trí hiểm trở, giúp giảm thời gian kiểm tra và nâng cao năng suất, hiệu quả của người lao động.

Ban Kỹ thuật EVNNPT cho hay, việc áp dụng máy bay không người lái sẽ chỉ cần 3 người/đội đường dây (vận hành thiết bị bay kiểm tra thiết bị và hành lang) thay vì phải huy động toàn bộ đội đường dây kiểm tra (hiện nay mỗi đội trung bình có 25 người quản lý khoảng 200 km đường dây). Dự kiến, trong năm 2018, EVNNPT sẽ có đánh giá chi tiết về tiết kiệm chi phí, nhân lực trước khi áp dụng rộng rãi công nghệ này.

Giảm tổn thất điện năng với vật liệu mới

Bên cạnh việc chủ động đưa khoa học công nghệ vào việc quản lý, vận hành đường dây, để giải quyết khó khăn trong đáp ứng nhu cầu truyền tải điện khi phụ tải tăng nhanh tại các khu công nghiệp, các tòa nhà, EVNNPT cũng đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng đưa các vật liệu mới vào dây dẫn nhằm giảm tổn thất điện năng ở mức thấp nhất, đảm bảo chất lượng điện.

Theo EVNNPT, với đặc thù tại các khu vực thành thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, việc giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các công trình đường dây mới là rất khó khăn, chi phí cao. Do vậy, từ nhiều năm nay, EVNNPT đã có nghiên cứu và ứng dụng dây dẫn siêu nhiệt, thay thế dây dẫn nhôm lõi thép tại một số đường dây 220 kV đang vận hành để tăng khả năng mang tải của đường dây như: Tuyến Thường Tín - Mai Động; Hòa Bình - Xuân Mai; Nho Quan - Ninh Bình, Phả Lại – Phố Nối, Phả Lại - Hải Dương. Ngoài ra, Tổng công ty cũng đang tiến hành thử nghiệm dây dẫn tổn thất thấp trong dự án thay dây dẫn đường dây 220 kV Trị An – Bình Hòa, dự kiến quý 1/2018 sẽ đưa vào vận hành.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng điện áp, phục hồi điện áp nhanh nhất có thể sau mỗi sự cố, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng đã nghiên cứu và lắp đặt các thiết bị bù công suất phản kháng tại một số nút 40 MVAr tại Trạm 220 kV Việt Trì, 40 MVAr tại Trạm 220 kV Thái Nguyên. Giai đoạn 2017-2020, EVNNPT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tính toán để lắp đặt tại các nút khác trên lưới.

Hiện nay các công nghệ trong ngành Điện nói chung và công nghệ đang áp dụng tại EVNNPT là các công nghệ tiên tiến trên thế giới như các hệ thống giám sát điều khiển các TBA, hệ thống SCADA-EMS, hệ thống giám sát dầu online, các thiết bị thí nghiệm thế hệ mới,... Điều này giúp EVNNPT có thể bắt kịp được với sự thay đổi công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, thách thức đối với EVNNPT là chuẩn hóa được thiết bị, kết nối các hệ thống đã được trang bị, các phần mềm công nghệ hiện hữu thành một hệ thống thống nhất để khai thác hiệu quả, tiết kiệm nhân lực, chi phí.

Đại diện lãnh đạo EVNNPT cho hay, trong thời gian tới, nội dung quan trọng nhất Tổng công ty sẽ thực hiện là từng bước tích hợp các hệ thống phần mềm đã triển khai như: hệ thống thông tin địa lý, các trung tâm điều khiển từ xa,... vào một hệ thống thống nhất và từng bước tổ chức kho dữ liệu dùng chung. Việc này sẽ giúp Tổng công ty nâng cao hiệu quả sản xuất, cung ứng điện chất lượng hơn. 


  • 04/01/2018 10:33
  • Theo TTXVN
  • 13203