EVN: Doanh nghiệp đi đầu trong công tác bình đẳng giới và phát triển quyền năng phụ nữ

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên ở Việt Nam có 5 đơn vị đạt được Chứng chỉ bình đẳng giới toàn cầu và đang triển khai nhiều mô hình, chương trình phát triển quyền năng cho phụ nữ. Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), evn.com.vn đã có cuộc trao đổi cùng Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ EVN.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về vai trò của lực lượng nữ CNVCLĐ trong sự phát triển chung của Tập đoàn? Họ sẽ đóng góp thế nào cho thương hiệu của EVN như một doanh nghiệp tiên phong trong hỗ trợ phụ nữ?

Ông Võ Quang Lâm: Lực lượng lao động nữ chỉ chiếm 20,6% tổng số lao động, nhưng được bố trí trong tất cả nhóm ngành nghề lao động của EVN, từ những việc khó khăn như đền bù giải phóng mặt bằng, thiết kế giám sát, thi công các công trình điện, quản lý dự án, các vị trí trong dây chuyền sản xuất vận hành, ca kíp vận hành, công tác kinh doanh, tài chính kế toán, tổ chức nhân sự, văn  phòng... Và cao hơn nữa là các vị trí quản lý các cấp. Dù ở vị trí nào, công việc nào, các chị cũng hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt trong các lĩnh vực kinh doanh điện năng, tài chính kế toán, tổ chức nhân sự, văn hóa doanh nghiệp, truyền thông,... là những nơi đông nữ và đã phát huy được rất hiệu quả năng lực, đóng góp của chị em cho sự phát triển của EVN.

Trong các lĩnh vực nêu trên đều có các chị là lãnh đạo cấp cao: 1 chị là Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc; 3 chị là Thành viên HĐTV (Tổng công ty Phát điện 3; Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh; Tổng công ty Điện lực miền Trung); 3 chị là Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng Tài chính kế toán (Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội); 1 chị Giám đốc Trung tâm Thông tin Điện lực; nhiều chị là trưởng ban, phó trưởng ban của Tập đoàn, là phó giám đốc các đơn vị. Công đoàn Điện lực Việt Nam cũng có 2 chị là Phó Chủ tịch và đặc biệt là nhiều vị trí kế toán trưởng, trưởng/phó ban (phòng)... Các chị là những "nữ tướng" chỉ đạo điều hành công việc rất hiệu quả và đã xây dựng được EVN có thương hiệu là doanh nghiệp đi đầu trong công tác bình đẳng giới. Hiện nay EVN là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên ở Việt Nam đã có 5 đơn vị đạt được Chứng chỉ bình đẳng giới toàn cầu.

Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có thêm được các nhà lãnh đạo nữ, tài năng nữ trong tất cả các lĩnh vực để khi nói đến EVN là mọi người biết đến một môi trường bình đẳng và công bằng.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

PV: Theo ông, điều gì đang kìm hãm các tài năng nữ hiện nay?

Ông Võ Quang Lâm: Đánh giá về những điều đang kìm hãm các tài năng nữ thì phải nói đến những thiên kiến, định kiến về giới. Điều này đang kìm hãm phát triển tài năng của người lao động nói chung, đặc biệt là các tài năng nữ. Ngoài những thiên kiến, định kiến ra, những đặc tính giới nếu phát huy hiệu quả sẽ phát huy được tài năng cả hai giới.

Tôi phải nhấn mạnh chữ hiệu quả ở đây vì nó sẽ có hai mặt của vấn đề. Ví dụ đặc tính giới của nữ là nhẹ nhàng, cẩn thận, tỉ mỷ sẽ rất tốt trong thực thi công việc nhưng nếu chúng ta cầu toàn quá sẽ không quyết đoán được công việc, mất cơ hội nắm bắt thời điểm, thời cơ của công việc. Những đặc tính nữ sẽ giúp chị em mềm dẻo, khéo léo, hài hòa xử lý công việc nhưng những đặc tính rụt rè, nhút nhát hay tư tưởng "an phận thủ thường", "phụ nữ chủ yếu là công việc gia đình" sẽ kìm hãm chị em phát triển. Bên cạnh đó, nam giới có tính quyết đoán, mạnh mẽ, chịu trách nhiệm là những đặc tính tốt nhưng nếu chúng ta sử dụng quá lên trở thành “nam tính độc hại“ như độc đoán, độc tài, gia trưởng… sẽ rất là không tốt cho cả hai giới và nó sẽ kìm hãm sự phát triển tài năng của cả hai giới.   

PV: Ở cương vị lãnh đạo, ông sẽ làm gì để thay đổi điều đó?

Ông Võ Quang Lâm:  Với vai trò là lãnh đạo EVN và Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) EVN, tôi nghĩ nên tăng cường đào tạo nhận thức về giới, lồng ghép giới vào các công việc sản xuất kinh doanh của Tập đoàn; xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ cơ hội phát triển cho người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng, để xây dựng EVN có môi trường làm việc bình đẳng, công bằng, đa dạng và bao trùm. 

PV: Hiện nay, EVN có hơn 13 % phụ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, ông hình dung trong một vài năm nữa tỷ lệ đó sẽ thay đổi thế nào? 

Ông Võ Quang Lâm: Để đạt được tỷ lệ 13% phụ nữ đảm nhiệm trong các vị trí quản lý và lãnh đạo, EVN đã phải phấn đấu một chặng đường khá dài và vất vả từ năm 2008 (khi tỷ lệ này là 6,8%). Nếu như theo các xu hướng bình đẳng giới của thời đại và các chính sách phát triển về lãnh đạo và sự nghiệp của lao động nói chung, đặc biệt đối với lao động nữ, tôi hy vọng trong 3 – 5 năm tới EVN có thể đạt tỷ lệ từ 13-15%. 

 

PV: Để đạt được mục tiêu trên, xin ông chia sẻ đôi chút về những sáng kiến hiện tại của EVN để hỗ trợ phụ nữ phát triển kỹ năng lãnh đạo và sự nghiệp?

Ông Võ Quang Lâm: EVN đã ban hành tài liệu Văn hoá doanh nghiệp và tài liệu về Lộ trình phát triển nghề nghiệp và đánh giá năng lực, cùng nhiều chính sách khác nhằm xây dựng một môi trường bình đẳng, công bằng, minh bạch để người lao động phát triển kỹ năng lãnh đạo và sự nghiệp.

Trong tài liệu cũng nêu rất rõ về tỷ lệ đào tạo 70/20/10 trong đó 20% là loại hình đào tạo hướng dẫn, cố vấn, kèm cặp… Dù chỉ có 20% nhưng sẽ là phần rất hiệu quả, nó sẽ định hướng 70% cá nhân tự học. Đối với loại hình này ở EVN đã thực hiện trước đây rồi (năm 2017 đã được giới thiệu của World Bank trong chương trình kỹ năng lãnh đạo nữ) nhưng chưa được phát triển thành nền tảng văn hóa học của EVN một cách chính thống do thiếu những chính sách phát triển bền vững và một số đặc tính của người Á đông (như ngại chia sẻ ý kiến trao đổi cởi mở).

Thời gian tới, EVN sẽ đưa chương trình Mentoring (chương trình cố vấn) hỗ trợ phụ nữ phát triển kỹ năng lãnh đạo và sự nghiệp vào triển khai với 2 lý do: Thứ nhất, do đặc tính giới, lao động nữ có nhiều thiệt thòi trong phát triển sự nghiệp (do dành thời gian sinh con, nuôi con và chăm sóc gia đình) so với nam giới, nên sử dụng loại hình đào tạo này sẽ hỗ trợ chị em một các hiệu quả nhất (về thời gian và không gian thực hiện. Thứ hai, như đã nêu trên, chị em đóng góp vai trò nhất định trong công tác truyền thông và xây dựng văn hóa, trên cơ sở đó sẽ lan tỏa, tạo đựng nền tảng văn hóa học hiệu quả nhất.  

PV: Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ông có chia sẻ gì với lực lượng lao động nữ trong toàn Tập đoàn?

Ông Võ Quang Lâm: Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động đoàn thể, nữ CBCNV còn là những người mẹ tảo tần, những người vợ đảm đang, những người vun vén dựng xây, "giữ lửa" cho tổ ấm gia đình. Nhiều chị em đã luôn xứng đáng danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Năng động, sáng tạo”; có vai trò quan trọng, làm rạng rỡ hơn giá trị văn hóa của ngành Điện lực Việt Nam. Tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và thành tích của toàn thể chị em.

Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, thay mặt cho lãnh đạo Tập đoàn, xin gửi lời chúc mừng, chúc sức khỏe, chúc toàn thể chị em trong EVN ngày càng tươi vui, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Tôi rất mong chị em sẽ tiếp tục phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn nữa, cùng đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.  

- Số lượng nữ CNVCLĐ trong EVN:

20.661 người, chiếm tỷ lệ 20,62% so với tổng số lao động.

70% lao động nữ thuộc lĩnh vực kinh doanh phân phối điện.

Về trình độ: 

  • Trên đại học: 1.685 người; 
  • Đại học 12.568 người;
  • Cao đẳng, công nhân: 6.408 người


  • 19/10/2024 12:55
  • Thanh Huyền (thực hiện)
  • 3691