Bảo đảm điện đi trước một bước
Tính đến 2/9/2016, đất nước đã độc lập 71 năm, nhưng ngành Điện chỉ mới chính thức tiếp quản hệ thống điện từ sau khi giải phóng Thủ đô năm 1954. Vào thời điểm đó, tổng công suất nguồn điện mới đạt 31,5MW, hệ thống lưới điện còn ít ỏi, lạc hậu. Điện chỉ có ở một số thành phố công nghiệp và khu đô thị lớn, còn hầu như người dân không biết đến ánh sáng điện là gì.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến nay, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam là trên 38.800MW và có dự phòng trên 20%. Dự kiến đến cuối năm 2016, con số này sẽ đạt khoảng 42.300 MW; hệ thống lưới điện quốc gia đã phủ rộng, dài cả đất nước và có kết nối lưới điện một số nước láng giềng với trên 6.000 km đường dây 500 kV, 30.000 km đường dây từ 110 – 220 kV, hơn 430.000 km lưới phân phối từ 0,4 – 35 kV và hàng trăm nghìn trạm biến áp các loại. Như vậy, chỉ sau hơn 60 năm, từ một hệ thống điện nhỏ bé, lạc hậu và manh mún, hệ thống điện Việt Nam đã đứng thứ 30 thế giới và thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Trong những năm qua, EVN luôn đáp ứng đủ điện cho đất nước - Ảnh Minh Nguyên
|
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, chỉ tính riêng trong 3 năm (từ 2013-2015), tổng sản lượng điện EVN cung ứng lên hệ thống điện quốc gia là 430,7 tỷ kWh, tăng trưởng bình quân 10,67%/năm. Cũng trong thời gian này, EVN đã đầu tư 338.378 tỷ đồng cho phát triển nguồn điện và lưới điện với việc hoàn thành đưa vào phát điện 18 tổ máy thuộc 11 dự án với tổng công suất 6.434MW; hoàn thành 591 công trình lưới điện 110 - 500kV với tổng chiều dài đường dây khoảng 8.000 km và tổng dung lượng trạm biến áp tăng thêm là khoảng 30.500MVA.
Đặc biệt, ngoài việc cấp điện cho công nghiệp, đô thị, trong những năm qua, EVN cũng đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn; thực hiện thành công chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X, cũng như cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, tính đến nay, cả nước có 100% số huyện, xã có điện lưới và điện tại chỗ; hơn 98,76% số hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia.
Có thể nói, với sự nỗ lực đầu tư, EVN đã bảo đảm “điện đi trước một bước”, làm thay đổi diện mạo đất nước, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đời sống nhân dân.
Thắp sáng niềm tin
Theo ông Thành, bên cạnh việc cung cấp đủ điện, trong những năm qua, EVN cũng đã không ngừng nâng cao chất lượng kinh doanh, dịch vụ khách hàng. Nếu trước đây, các đơn vị thuộc EVN chỉ thực hiện các chỉ tiêu chính về kinh doanh điện năng như: Sản lượng điện thương phẩm, tỷ lệ tổn thất điện năng, giá bán bình quân, tỷ lệ thu tiền điện, thì hiện nay, EVN đã có thêm 14 chỉ tiêu liên quan đến chất lượng dịch vụ khách hàng. Qua đó cho thấy, ngành Điện đã có những bước chuyển lớn từ tư duy đến hành động; từ “độc quyền” và cơ chế xin - cho sang cơ chế thị trường với phương châm “khách hàng là thượng đế”.
Điều đó được thể hiện qua những kết quả cụ thể. Đơn cử như thời gian thực hiện cấp điện (chỉ số tiếp cận điện năng) năm 2015 chỉ còn 8,77 ngày, giảm khoảng 29 ngày so với năm 2013. Thời gian và tần suất mất điện đã giảm đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng thời gian khách hàng mất điện bình quân là 806 phút, giảm 18% so với cùng kỳ 2015; tần suất mất điện thoáng qua và kéo dài giảm từ 12,5% - 23%, được đánh giá đang tiệm cận với top 4 khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng công nghệ mới và công nghệ thông tin trong kinh doanh, dịch vụ khách hàng được triển khai với các tiện ích, tính năng mới như đọc chỉ số công tơ, hóa đơn điện tử, nộp tiền điện...
Song song với các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, Tập đoàn EVN còn thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, từ thiện, thông qua hàng loạt chương trình như chương trình 30a; phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa; hỗ trợ các quỹ vì người nghèo... với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Có thể nói, những thành quả mà EVN đã và đang làm được có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điện đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài; thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông - lâm - ngư nghiệp; dịch vụ du lịch, thương mại phát triển. Điện cũng giúp người dân ở vùng nông thôn, miền núi hải đảo tiếp nhận thông tin, nâng cao dân trí; học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo. Quan trọng hơn, ngành Điện đã góp phần tạo dựng, duy trì niềm tin của nhân dân, đồng bào các dân tộc cả nước vào đường lối của Đảng và Nhà nước.
Theo Báo Công Thương
Share