Ảnh minh họa
|
Tại buổi làm việc với Bộ GTVT ngày 4/3, ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: EVN giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) quản lý hạ tầng điện (đường dây và trạm biến áp) cấp điện áp từ 220kV trở lên. Trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam có 77 điểm giao chéo với các đường dây truyền tải điện.
Đối với hạ tầng điện có cấp điện áp từ 110kV trở xuống, EVN đã phân cấp cho các tổng công ty điện lực khu vực. Trong đó, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) có 56 điểm giao chéo, trong đó có 18 điểm giao chéo các đường dây 110kV, các điểm giao chéo còn lại là lưới điện trung, hạ thế trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Đối với Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) có 18 điểm giao chéo với lưới điện trung, hạ thế trên địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.
Đối với Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) có 157 điểm giao chéo, trong đó có 08 điểm giao chéo lưới 110kV, còn lại là giao chéo với lưới điện trung, hạ thế trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Vĩnh Long, Tiền Giang và Đồng Nai.
Đến nay hầu hết các địa phương đang trong quá trình lựa chọn tư vấn thiết kế khảo sát, lập hồ sơ thiết kế cải tạo, di chuyển. Một số địa phương kịp thời đã có văn bản đề nghị phía quản lý điện xem xét hồ sơ thiết kế thoả thuận di chuyển tại các giao chéo.
Các tổng công ty thuộc EVN có liên quan ( EVNNPT, EVNNPC, EVNCPC và EVNSPC) đã thực hiện thoả thuận nhiều hồ sơ phương án cải tạo, di chuyển trên địa bàn nhiều tỉnh, điển hình là tại 03 điểm giao chéo đường dây 220kV qua huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận; đường dây 220kV qua huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa và đang xem xét 03 bộ hồ sơ thoả thuận phương án cải tạo, di chuyển tại các giao chéo các đường dây 220kV qua huyện Yên Định và Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa; đường dây 220kV qua huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận.
“Để công tác phối hợp được thuận lợi, EVN đề nghị các ban QLDA giao thông và chính quyền địa phương liên hệ với các đầu mối trực thuộc EVN đã được ủy quyền tại từng khu vực để sớm thống nhất giải pháp thực hiện. Về phía EVN sẽ chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ, để đẩy nhanh công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đường điện, đảm bảo tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam”, ông Phạm Hồng Phương cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, công tác giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của địa phương làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc di dời hạ tầng kỹ thuật đường điện thủ tục rất phức tạp nên nhiều tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thủ tục, quy trình.
Hiện nay, một số tỉnh còn lúng túng, chưa chủ động trong việc triển khai di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường điện, đặc biệt là hệ thống đường điện 500kV và 220kV. Do đó, cần có sự chỉ đạo phối hợp của nhiều cơ quan đơn vị, nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ GTVT và các địa phương.
Thống nhất ý kiến của lãnh đạo EVN, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo: Nguyên tắc khi thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đường điện phải tuân thủ đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ và các tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành Điện. Đối với các vị trí đường điện cao thế khi thực hiện di dời phải nằm ngoài hành lang an toàn giao thông đường bộ. Các ban QLDA của Bộ GTVT phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị thuộc EVN để xử lý nhanh nhất, để phục vụ thi công đường cao tốc Bắc – Nam.
Ngân Hà
Share