Tới nay, giải pháp này đã được áp dụng thống nhất tại tất cả các đơn vị của EVN trong hoạt động mua bán điện; nhằm quản lý các hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) và các hồ sơ dịch vụ điện theo hình thức điện tử qua website Chăm sóc khách hàng (CSKH)/ứng dụng CSKH Mobile App/ Zalo Page.
Giải pháp cung cấp khả năng lưu trữ, xử lý các giao dịch điện tử và hợp đồng, hồ sơ giấy tờ điện tử theo mô hình tập trung, đảm bảo hiệu năng, độ an toàn an ninh và bảo mật cung cấp các chức năng trên nền tảng công nghệ ứng dụng di động, hoạt động trên môi trường Internet để cho phép vận hành, khai thác, sử dụng phần mềm mọi lúc, mọi nơi; cho phép tích hợp linh hoạt và không phụ thuộc vào nền tảng công nghệ.
Năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo phát triển giải pháp này, trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước về giao dịch điện tử, xu hướng áp dụng các giao dịch điện tử trong các mặt của đời sống với nền tảng của Internet và việc tiếp tục cải cách công tác cung cấp dịch vụ theo hướng “Điện lực đến với Khách hàng”.
Từ cuối năm 2019, EVN cũng đã triển khai kết nối và cung cấp 100% các dịch vụ điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Việc triển khai dịch vụ điện theo phương thức điện tử kết hợp Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp cho mọi thông tin và dịch vụ điện đều minh bạch, rõ ràng, có cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên.
Hướng dẫn thực hiện ký hợp đồng điện tử cho dịch vụ cấp điện mới trên Cổng Dịch vụ Công quốc gia
|
Số hóa hồ sơ, “ảo hóa” giao tiếp với khách hàng
Với phương thức giao dịch điện tử, từ dịch vụ cấp điện mới đến các dịch vụ thay đổi trong quá trình thực hiện HĐMBĐ như nâng công suất, thay đổi định mức số hộ, thay đổi mục đích sử dụng điện, treo tháo công tơ điện định kỳ… được thực hiện trên nền tảng công nghệ số.
Tất cả các công đoạn đều được thực hiện trên môi trường Internet. Khách hàng sử dụng các thiết bị kết nối Internet để cung cấp hồ sơ, nhận thông tin, xác thực. Việc ký các hồ sơ điện tử được thực hiện theo phương thức mật khẩu một lần (OTP) hoặc chữ ký điện tử (CA) đối với doanh nghiệp.
Nhờ đẩy mạnh việc cung ứng các dịch vụ điện trực tuyến, trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đạt 81,96%. Kể từ tháng 2/2020 khi dịch COVID-19 chưa bùng phát đến tháng 4/2020, yêu cầu cung cấp các dịch vụ điện tiếp nhận qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia tăng 8,2 lần, tỷ lệ giao dịch trực tuyến qua Internet cũng tăng 4,5 lần.
“EVN là một trong số rất ít các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, đã số hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Qua đó, tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là chi phí phát sinh đối với khách hàng; nâng cao được hiệu quả trong việc cung cấp điện, sử dụng điện cũng như phục vụ nền kinh tế” – ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trương ương nhận định.
Hiện nay, EVN đang cung cấp điện trực tiếp qua điện lưới quốc gia hoặc các nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ như điện mặt trời, điện gió, với tổng số trên 28 triệu khách hàng trên cả nước. Bình quân mỗi năm, EVN tiếp nhận và xử lý thông tin đối với trên 1 triệu khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ điện năng. Việc đẩy mạnh xây dựng, triển khai giải pháp thực hiện hợp đồng điện tử và phương thức điện tử trong cung cấp dịch vụ điện là bước tiến phù hợp nhằm đa dạng hoá hình thức giao tiếp với khách hàng, hỗ trợ rút ngắn quá trình cung cấp dịch vụ, nâng cao năng suất lao động, tối ưu chi phí, thuận tiện trong quản lý, giám sát việc triển khai giải quyết yêu cầu khách hàng, qua đó đảm bảo việc thực thi và cung cấp dịch vụ đúng như các cam kết của Tập đoàn.
Giải pháp phần mềm Cung cấp Dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử là sản phẩm thứ 9 của EVNICT giành được danh hiệu Sao Khuê. Trước đó, các sản phẩm: Phần mềm thu thập và đo đếm dữ liệu (EVNHES); Hệ phần mềm quản lý khách hàng dùng điện (CMIS); Phần mềm viễn thông công cộng (T3S); Phần mềm thị trường điện; Phần mềm hệ thống quản lý hóa đơn điện tử và Hệ thống thông tin quản lý kỹ thuật lưới điện; Hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật nhà máy điện; Phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS) cũng đã từng đạt danh hiệu Sao Khuê trong những năm qua.
|