Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 có sự tham dự của trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó khoảng 300 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến với nhiều đại sứ quán các nước như: Pháp, Úc, Isrel, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Séc, Thái Lan, Đan Mạch...
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, trong suốt 20 năm gần đây, tăng trưởng điện quốc gia của Việt Nam luôn ở mức hai con số (trung bình tăng trưởng 10,7%/năm cho đến năm 2019). Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, từ một quốc gia xuất khẩu ròng về năng lượng, Việt Nam đã chuyển sang phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp từ năm 2015 và sắp tới sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng cho phát điện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại diễn đàn
|
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, những căng thẳng chính trị thời gian gần đây đã đẩy giá năng lượng trên toàn cầu tăng cao và gây áp lực lạm phát rất lớn đến nhiều nền kinh tế. Nhiều quốc gia đã phải áp dụng các biện pháp tiết giảm trong tiêu dùng năng lượng. Trong khi đó, Việt Nam lại sử dụng chưa hiệu quả các nguồn năng lượng. Điều này đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới.
“Làm thế nào để chúng ta sử dụng năng lượng ít hơn? Làm thế nào để hệ số tăng trưởng điện trên GDP giảm xuống còn dưới 1 so với hiện nay là 1,41? Làm thế nào để cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế giảm xuống nữa để sánh vai với các nước đang phát triển?... Đây là một chủ đề lớn và chúng tôi rất mong muốn tiếp cận được công nghệ mới của thế giới, hơn nữa là tìm ra con đường để ứng dụng công nghệ này trong Việt Nam”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ.
Còn Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và mục tiêu đạt phát thải ròng theo cam kết của Chính phủ tại COP26, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris.
Các tham luận tại diễn đàn đều khẳng định, Việt Nam đã coi trọng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ rất sớm. Cụ thể, từ năm 2003, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả đã được xem là những nội dung quan trọng trong chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam. Nhiều Nghị định, Thông tư quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được ban hành; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đã được ban hành năm 2010 và có hiệu lực từ đầu năm 2011. Trong đó, xác định việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khuyến khích sử dụng phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng và thực hiện lộ trình áp dụng nhãn năng lượng để từng bước loại bỏ phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp… Việt Nam cũng đã có cả Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, việc tiết kiệm năng lượng vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Tại diễn đàn, các đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia tư vấn chiến lược, cộng đồng nhà khoa học trong và ngoài nước cũng đã thảo luận và chia sẻ chính sách, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích trong các chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26; giới thiệu các xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, diễn đàn cũng đã đưa ra bức tranh tổng quan về nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới; tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong nước và quốc tế..., đề xuất các giải pháp xây dựng hoàn thiện chính sách ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển năng lượng bền vững…