Góc nhìn khác về nhiệt điện than

Tạp chí Điện lực xin giới thiệu cùng độc giả bài viết của PGS. TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam. Bài viết là ý kiến phản hồi của tác giả về một số thông tin trái chiều liên quan đến nhiệt điện than đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc mạng xã hội.

Mới đây, một tổ chức ở Việt Nam đã công bố thông tin “Theo nghiên cứu của Trường Đại học Havard (Mỹ), những năm gần đây, Việt Nam có khoảng 17.500 người chết vì nhiệt điện than (NĐT)…” Những dòng thông tin trên đã làm rúng động dư luận và chúng tôi kiên quyết phản đối thông tin này. Vì sao?

Nếu nghiên cứu của Havard là đúng, tại sao họ không cảnh báo ngay cho người dân nước Mỹ, vì tỷ lệ NĐT của Mỹ gấp 185 lần Việt Nam. Ngoài ra, còn nhiều nước có tỷ trọng NĐT chiếm áp đảo so với các nguồn năng lượng khác và cao hơn Việt Nam rất nhiều, như: Trung Quốc là 79%, Đức 44,5%, Ôxtrâyla 68%. Trình độ nhận thức của người dân các nước này cũng khá cao và với hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, nếu NĐT gây chết nhiều người như vậy, tại sao họ không kiện các NMNĐ than? Ngược lại, NĐT của những nước này vẫn phát triển và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn điện.

Đáng lo ngại hơn, có những thông tin cho rằng, trong tro xỉ thải ra từ NĐT có quá nhiều hạt bụi cỡ hạt <2,5μm (PM 2,5) là những hạt bụi rất khó lắng đọng, dễ dàng bị động vật hít vào, đọng lại trong phổi gây ung thư. Tôi khẳng định rằng, thông tin NTĐ thải nhiều bụi <2,5μm ra môi trường là không chính xác. Các NMNĐ than công suất từ nhỏ đến lớn đều sử dụng hệ thống lọc bụi tĩnh điện. Theo đó, các hạt bụi có kích thước càng nhỏ, càng gần với kích thước phân tử thì càng có lực hút tĩnh điện lớn, khi dòng khói chứa bụi đi qua hệ thống lọc bụi tĩnh điện, trước tiên, những hạt bụi nhỏ nhất sẽ bị giữ lại tại các bản cực. Mặt khác, ống khói tại các NMNĐ than đều cao hơn hoặc bằng 200 m, các hạt bụi này (tỷ lệ rất nhỏ), nếu không bị giữ lại ở thiết bị lọc bụi tĩnh điện, cũng sẽ bay đi rất xa sau khi ra khỏi ống khói. 

Kỹ sư vận hành Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1

Cần lưu ý rằng, các hoạt động khác trên mặt đất như, giao thông, xây dựng… đều có thể tạo ra các loại bụi kích cỡ <2,5μm.

Đáng buồn, có bài báo giật tít “4 NMNĐ trên một đoạn sông”, trong đó có đoạn “Nhiệt độ nước làm mát trên 40 độ C sẽ hủy diệt hết các loại thủy sinh, phá hủy nền kinh tế và văn hóa sông nước hàng nghìn năm của cư dân Nam Bộ”. Trích đoạn này quả là quá “đao to, búa lớn” làm cho người dân hiểu không đúng về bản chất NĐT. Thực tế, nước làm mát ở nhiệt độ trên 40 độ C là hoàn toàn không đúng và người viết không hiểu gì nguyên lý hoạt động của nhiệt điện. Bởi vì, nhiệt dung riêng (thường gọi là tỷ nhiệt) của nước là cao nhất (nhiệt dung riêng của nước =1, còn của các chất khác khoảng 0,3), nghĩa là cùng một lượng nhiệt cung cấp, nhiệt của nước tăng chậm nhất so với các loại vật chất khác. 

Theo số liệu về khí tượng thủy văn, nhiệt độ nước cao nhất tại các sông lớn của Việt Nam không vượt quá 28 độ C. Sự tăng nhiệt sau khi làm mát là khoảng 7-8 độ C, nghĩa là nhiệt độ nước làm mát thải ra, tối đa cũng chỉ vào khoảng 35-36 độ C. Thực tế hàng nghìn NMNĐ trên thế giới, không thấy ở đâu nói NMNĐ hủy diệt thủy sinh của các dòng sông. Ý kiến này chỉ là sự suy diễn vô căn cứ, thiếu tính xây dựng và tính khoa học.

Thời gian qua, dư luận xã hội đã hiểu không đúng về bản chất nhiệt điện than, dẫn đến việc phản đối đầu tư xây dựng NĐT vì dư luận cho rằng, ngoài thiệt hại kinh tế, người dân còn sự lo lắng về tình trạng sức khỏe do ô nhiễm bởi NĐT. Thực tế đã chứng minh, hoàn toàn không phải như vậy!

Những thông tin không chính xác còn đã tạo ra tiền lệ xấu, ủng hộ việc không chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam, cũng như các quy hoạch phát triển các ngành nghề khác, đều được hoạch định trong giai đoạn 10 - 15 năm, tầm nhìn từ 30 đến 50 năm, do tập thể các nhà khoa học đầu ngành tham gia, tốn nhiều công sức khảo sát và tính toán và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nghĩa là quy hoạch là một văn bản pháp lý, mọi đối tượng đều phải nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã từ chối thực hiện và Quy hoạch đã bị phá vỡ, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh năng lượng, đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, mỗi năm Việt Nam phải xây dựng tương đương 4 nhà máy công suất 1.200 MW. Nếu tình trạng trên vẫn tiếp diễn như hiện nay, các NMNĐ mới không thể khởi công xây dựng, nguy cơ thiếu điện là không thể tránh khỏi. 

Tôi cho rằng, việc dư luận xã hội lo sợ, phản đối; các tỉnh không đồng ý xây dựng nhà máy NĐT tại địa phương mình có nguyên nhân sâu xa là chưa hiểu đầy đủ về NĐT, chỉ suy diễn theo hiện tượng NMNĐ than đốt hàng triệu tấn than, thải ra cả triệu tấn tro xỉ và đã thổi phồng quá mức về các tác hại của NĐT. Qua bài viết này, tôi mong rằng, mỗi người chúng ta cần có ý thức thượng tôn pháp luật; có nhãn quan khoa học và tiếp cận khách quan khi nhận xét, đánh giá những vấn đề liên quan đến khoa học. 


  • 09/08/2019 08:40
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 8875