“Chúng tôi gay quá!”
Ông Lê Nhân Vĩnh - Nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 1
|
"Điện vừa thiếu lại vừa yếu, trong khi ngành nào, địa phương nào cũng cần điện. Cán bộ ngành, địa phương luôn thường trực tại trụ sở điện lực yêu cầu ông giám đốc điện lực ký giấy cấp điện. Nhưng khổ nỗi, ông nào cũng đòi, chỗ nào cũng đòi, ngành Điện lại là trọng điểm ném bom của máy bay Mỹ, là mục tiêu hủy diệt, biến Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Trong điều kiện khó khăn như thế, những người làm cung ứng điện có “tài thánh” cũng không thể “phù phép” ra đủ điện...". Ông Lê Nhân Vĩnh - Nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 1 đã mở đầu câu chuyện về công việc phân phối điện với chất giọng khá hài hước.
Năm 1954, miền Bắc vừa giải phóng, ngành Điện tiếp quản cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc cũ kỹ, lạc hậu, chỉ có thể gọi là cấp điện theo khả năng chứ chưa nói đến phân phối điện. Năm 1955, Cục Điện lực được thành lập, bắt đầu hình thành hệ thống cung ứng điện. Nhưng điện thương phẩm lúc đó rất thấp, năm 1958, sản lượng điện thương phẩm miền Bắc chỉ có 97 triệu kWh. Năm 1960 là 610 triệu kWh. Các ngành, các địa phương phải chia nhau từng kWh điện. Trong 610 triệu kWh điện thương phẩm, công nghiệp được phân bổ 263 triệu, phi công nghiệp 13 triệu, giao thông vận tải 5 triệu, nông nghiệp 22 triệu, ánh sáng 74 triệu. Vì vậy, mới có chuyện lạ, có lẽ chỉ xảy ra ở Việt Nam thời ấy. Lãnh đạo huyện nọ, ngành kia đến trụ sở Điện lực ăn trực nằm chờ đòi ông Giám đốc điện lực cấp thêm điện, không thì “chúng tôi gay quá”!
Từ tháng 8 năm 1965, Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh cục bộ tại Việt Nam bằng việc tiến hành leo thang chiến tranh bắn phá miền Bắc bằng không quân. Có đến 70% nguồn điện ở miền Bắc bị đánh sập bởi bom Mỹ. Lúc này, không còn điện để phân phối!
Năm 1969, Công ty Điện lực 1 ra đời, vấn đề kinh doanh điện năng tiếp tục được đặt ra. Nhưng phải đến 20 năm sau khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình bắt đầu vào hoạt động, nhu cầu điện năng mới dần được đáp ứng.
Muốn “điên đầu” vì chỗ nào cũng “gay”
Mặc dù cán bộ, công nhân ngành Điện ngày đêm hăng say lao động, tăng ca tăng kíp, nhưng với máy móc, trang thiết bị cũ, lạc hậu, lại trải qua nhiều lần bị máy bay Mỹ ném bom phá hoại, tuy đã cố gắng phục hồi, sửa chữa nhưng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu điện năng cho nền kinh tế và một phần cho sinh hoạt của nhân dân. Vì vậy, hàng quý, hoặc trước mùa mưa bão, các bộ Ngành, đơn vị liên quan đến cung ứng điện phải cùng nhau bàn bạc thống nhất việc phân chia sản lượng điện dưới sự chỉ đạo của Nhà nước. Trên cơ sở cân đối lại nguồn, yêu cầu thực tế của các bộ, ngành, Nhà nước sẽ đề xuất cơ chế phân chia và giao cho ngành Điện thực hiện.
Đưa điện về nông thôn là chủ trương lớn của EVN. Ảnh: Lam Vũ
|
Tuy có cơ chế phân chia cụ thể, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn có những sai lệch do sự cố, chất lượng điện không ổn định. Rất nhiều nhà máy sản xuất bị cắt điện 8 - 9 lần/ngày. Doanh nghiệp rất thông cảm và chia sẻ với khó khăn của ngành Điện, cùng nhau hợp tác giải quyết vấn đề. Ông Vĩnh cho rằng, sở dĩ có được điều đó là vì ngành Điện đã thực hiện phân phối điện hết sức minh bạch, nghiêm túc theo chỉ đạo của Nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, không lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn để trục lợi.
Ông Vĩnh nhớ lại một kỷ niệm hồi còn làm Giám đốc Công ty Điện lực 1. Hôm ấy, ông vừa đến cơ quan thì gặp một chị khoảng ngoài 40 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, ôm chiếc túi trước ngực, miệng liên tục nhai trầu, co ro trong gió lạnh. Ông không nhớ tên người phụ nữ, chỉ biết chị là chủ tịch một huyện thuộc tỉnh Hải Hưng. Thấy ông Vĩnh, chị vội chạy theo, nằng nặc xin ông ký giấy cấp thêm điện cho huyện vì tình hình úng ngập “gay” quá rồi. Ông Vĩnh lúc bấy giờ muốn “điên đầu”, chỗ nào cũng “gay”, đã thống nhất chia điện trong cuộc họp rồi, chỉ được cấp điện đến chừng đó, “chị về lo mà điều hành chứ ngồi đây cũng không có điện được” – ông nói. Chị chủ tịch huyện nét mặt căng thẳng: “Trạm bơm của Hải Hưng lớn lắm, một là tôi ngồi chết ở đây, còn không thì đồng chí ký giấy cấp điện cho tôi để tôi về”. Trời rét, áo mỏng, chị ta ngồi suốt từ sáng đến chiều, chỉ ăn trầu. Ông Vĩnh đành phải triệu tập cán bộ chủ chốt Công ty họp gấp và cuối cùng quyết định cấp điện cho huyện của chị từ 10h đêm đến 4h sáng. Họp xong, đích thân ông Vĩnh mời chị ăn cơm với anh em tại nhà ăn của cơ quan nhưng chị lại bảo: “Thôi tôi no rồi. Tôi chỉ cần có điện, không cần ăn. Tôi phải về chỉ đạo chống úng”. Ông Vĩnh nói vui: "Ấn tượng về sự quyết liệt, căng thẳng của chị Chủ tịch huyện ngày ấy khiến nhiều năm sau tôi vẫn còn thấy sợ mỗi khi gặp ai… ăn trầu".
Điện đã thiếu cho sản xuất và sinh hoạt của dân, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ, lạc hậu, chất lượng điện kém, điện áp thấp, lại còn xảy ra tình trạng ăn cắp điện, gây tổn thất điện năng lên tới 60%. Kinh khủng nhất phải kể đến thành phố Hải Phòng, có đêm bị mất 1.500 công tơ. Vì vậy, muốn có đủ điện để phân phối, ngoài việc tăng cường sản xuất còn phải tập trung giảm tổn thất điện năng. Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã trực tiếp chỉ đạo ngành Điện trong thời gian ngắn nhất phải giảm ngay tổn thất.
Ông Vĩnh quyết định phải đưa toàn bộ công tơ treo trong nhà dân ra ngoài. Địa phương chọn làm thí điểm là thành phố Hải Phòng. Tổng kinh phí đưa công tơ ra ngoài tại Hải Phòng dự tính là 23 tỷ đồng. Con số này ngay lập tức vấp phải sự phản đối, nhiều ý kiến cho rằng ngành Điện đang “ném tiền qua cửa sổ”. Đối mặt với những thách thức lớn, nhưng cán bộ ngành Điện vẫn quyết tâm thực hiện trong thời gian 2 - 3 tháng, tập trung mọi lực lượng để giải quyết đưa công tơ ra ngoài. Chỉ sau 6 tháng, tổn thất từ 60% rút xuống còn 21% và liên tục giảm dần. Một loạt các tỉnh ở miền Bắc cũng tiếp nối Hải Phòng, đồng loạt triển khai đưa công tơ ra ngoài.
Và đến ngày hôm nay, những khó khăn thử thách đối với những người ngành Điện “làm dâu trăm họ” vẫn chưa bao giờ dừng lại, khi nhu cầu sử dụng điện an toàn, liên tục, chất lượng cao, dịch vụ hoàn hảo vẫn ngày càng tăng lên.