Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN |
PV: Ông có thể cho biết Việt Nam và Lào đã có sự hợp tác như thế nào về lĩnh vực năng lượng, nhất là hoạt động mua - bán điện giữa Việt Nam và Lào? Những kết quả nổi bật đạt được trong thời gian qua?
Ông Ngô Sơn Hải: Theo Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã được ký kết ngày 5/10/2016, tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam tối thiểu đến năm 2025 là 3.000MW và đến năm 2030 là 5.000MW. Trong thời gian qua, EVN đã làm việc với chủ đầu tư các dự án điện tại Lào và đã ký 18 hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 2.180MW (bao gồm các hình thức dự án thủy điện, điện gió).
Hiện tại, EVN cũng đang phối hợp với chủ đầu tư các dự án điện tại Lào, để trình Bộ Công Thương, sau đó Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương tăng thêm nguồn điện nhập khẩu từ Lào để đáp ứng nhu cầu của hệ thống điện Việt Nam trong thời gian tới, theo định hướng của Chính phủ hai nước.
Bên cạnh việc mua điện từ các nhà máy điện tại Lào, EVN cũng đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện trung, hạ áp để cấp điện, bán điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương dọc biên giới Việt Nam - Lào của nước CHDCND Lào. Việc cung cấp điện luôn được EVN duy trì ổn định, an toàn, đảm bảo chất lượng.
PV: Xin ông cho biết việc hợp tác, mua, bán điện có ý nghĩa như thế nào đối với 2 nước Việt Nam và Lào?
Ông Ngô Sơn Hải: Việc hợp tác năng lượng giữa Việt Nam – Lào xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của hai nước. Trong khi phía Lào có tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt thủy điện, nhưng nhu cầu phụ tải của Lào thấp, do vậy chủ đầu tư các dự án điện tại Lào mong muốn bán điện về Việt Nam. Về phía Việt Nam, EVN đánh giá việc nhập khẩu điện Lào trong các năm tới là một trong những giải pháp hiệu quả hỗ trợ đảm bảo an ninh cung cấp điện, đặc biệt các nguồn điện nhập khẩu từ Lào trực tiếp về khu vực miền Bắc góp phần giảm sản lượng thiếu hụt nội miền của miền Bắc.
Việc phát triển lĩnh vực năng lượng không chỉ là động lực cho việc phát triển kinh tế của hai nước mà còn đóng vai trò thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Lào bền chặt.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành (đứng bên trái) kí kết biên bản hợp tác dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith, tháng 8/2021. Ảnh: TTXVN |
PV: Xin ông có thể cho biết kế hoạch, lộ trình hợp tác về năng lượng, nhất là hoạt động mua - bán điện giữa Lào và Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Ngô Sơn Hải: Hiện tại EVN chưa tham gia đầu tư các dự án nguồn điện mới tại Lào mà chỉ đầu tư các công trình lưới điện trên lãnh thổ Việt Nam để phục vụ nhập khẩu điện và giải tỏa công suất cho các dự án điện nhập khẩu từ Lào.
Để việc nhập khẩu điện từ Lào được hiệu quả về kinh tế và kỹ thuật, trong thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ để làm việc với các cơ quan Chính phủ Lào xem xét quy hoạch tổng thể cho việc nhập khẩu điện từ Lào cho từng giai đoạn theo lộ trình đã được hai Chính phủ Việt Nam – Lào thống nhất.
PV: Mới đây đoàn công tác của Cục Quản lý an toàn công nghiệp năng lượng (DESM) thuộc Bộ Năng lượng và Mỏ (Lào) đã đến Việt Nam tham quan, học tập kinh nghiệm và mong muốn Việt Nam hỗ trợ đào tạo trong vận hành thủy điện, an toàn đập, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du..., ông nghĩ sao về đề xuất này?
Ông Ngô Sơn Hải: Việc xây dựng, nghiệm thu và đưa vào vận hành các nhà máy thủy điện cần có các quy trình, quy định chặt chẽ, không những đảm bảo nhà máy vận hành an toàn, ổn định, tin cậy, mà còn phải đảm bảo đời sống dân sinh ở khu vực dự án, an toàn môi trường và nhiều yếu tố khác.
Với những kinh nghiệm mà EVN và các đơn vị của EVN cũng như các công ty tư vấn điện, các công ty thủy điện có được trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án nhà máy thủy điện, EVN rất sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với Cục Quản lý an toàn công nghiệp năng lượng (DESM), các cơ quan Chính phủ Lào, các doanh nghiệp đầu tư các dự án điện tại Lào để góp phần nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ công nhân viên, hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng và tăng cường các biện pháp đảm bảo việc vận hành nhà máy được an toàn, ổn định, tin cậy. Qua đó cũng góp phần vào việc hoàn thiện quy trình phối hợp vận hành các nhà máy thuỷ điện và lưới điện liên kết xuyên quốc gia Việt Nam – Lào.
Đường dây 220kV Xekaman 1- Pleiku 2 truyền tải điện từ Lào về Việt Nam |
PV: Xin ông cho biết đâu là những thách thức trong hợp tác năng lượng Việt Nam – Lào? Để thực hiện hợp tác được hiệu quả, EVN có đề xuất kiến nghị gì?
Ông Ngô Sơn Hải: Việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam – Lào sẽ phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách và định hướng phát triển của Chính phủ hai nước. EVN cũng đã có kiến nghị với Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành khung giá nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam giai đoạn sau 2025 đối với tất cả loại hình nguồn điện, làm cơ sở để các nhà đầu tư các dự án điện tại Lào đầu tư dự án và bán điện cho EVN. EVN kính đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan bên Lào để có định hướng về phát triển lưới điện kết nối 2 nước nhằm tăng cường trao đổi điện năng giữa 2 quốc gia.
PV: Xin cảm ơn ông!