Bắt đầu từ thứ Hai, thủ đô Tehran, nơi sinh sống của khoảng 9,5 triệu người, sẽ cắt điện điện hai giờ mỗi ngày. Một số tỉnh khác cũng đã bắt đầu thực hiện cắt điện từ Chủ Nhật.
Mặc dù Iran sở hữu trữ lượng dầu lớn thứ ba và khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới, quốc gia này vẫn gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ điện cho nhu cầu trong nước. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều năm đầu tư không đủ vào lưới điện và bảo trì cơ sở hạ tầng kém hiệu quả, khiến việc mất điện thường xuyên xảy ra trong mùa hè do nhu cầu sử dụng điều hòa tăng đột biến.
Tình trạng thiếu năng lượng cũng xuất phát từ lệnh cấm sử dụng dầu mazut tại ba nhà máy điện ở Arak, Isfahan và Karaj. Việc thay thế bằng khí đốt tự nhiên tại các nhà máy này đã làm tăng thêm áp lực lên nguồn cung.
Hệ thống điện xuống cấp và không được đầu tư gây ra tình trạng mất điện liên tục vào mùa hè khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến. Ảnh: Financial Times
|
Theo bà Shina Ansari, Phó Tổng thống Iran kiêm Giám đốc Tổ chức Bảo vệ Môi trường Iran, quyết định cắt giảm mazut tại các nhà máy điện là “một bước tiến quan trọng nhằm giảm thiểu nguy cơ sức khỏe từ ô nhiễm không khí.” Tuy nhiên, để duy trì chất lượng không khí, chính phủ buộc phải thực hiện thêm cắt điện luân phiên trên toàn quốc. Khi nhiệt độ giảm vào mùa đông, nguồn cung khí đốt tự nhiên của Iran không đủ để đáp ứng nhu cầu tăng cao, do đó các nhà máy điện của nước này buộc phải dựa vào mazut làm nguyên liệu đầu vào.
Các chuyên gia ước tính rằng nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí đốt tự nhiên ít nhất 260 triệu mét khối mỗi ngày trong mùa đông năm nay. Iran đang tiến hành đàm phán để tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ nước láng giềng Turkmenistan.
Cuộc khủng hoảng năng lượng của Iran trở nên nghiêm trọng hơn bởi các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Từ khi nhậm chức vào tháng 7, Tổng thống Masoud Pezeshkian đã tỏ ý sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ và các nước phương Tây để có thể nới lỏng một số lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, với việc Donald Trump vừa tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, Pezeshkian khẳng định "sẽ không có khác biệt" về mối quan hệ giữa hai nước, nhấn mạnh rằng Iran sẽ giữ lập trường cởi mở trong việc phát triển quan hệ với các quốc gia khác. Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm gia tăng áp lực lên Iran. Các lệnh trừng phạt này gây khó khăn cho Iran trong việc xây dựng nhà máy điện mới hoặc nâng cấp hệ thống lưới điện hiện có.
Chủ Nhật vừa qua, ông Ahmad Moradi, thành viên Ủy ban Năng lượng Quốc hội Iran, cho biết lưới điện quốc gia đang thiếu hụt tới 20.000MW. Ông lý giải nguyên nhân là do công suất phát điện không đủ, phần lớn các nhà máy điện ở nước này đã xuống cấp và hệ thống đường dây truyền tải cũ, kém hiệu quả.
Ngoài ra, Iran cũng gặp thách thức trong quản lý nhu cầu xăng dầu cao, nguyên nhân do xe cộ trong nước tiêu tốn nhiên liệu, chất lượng xăng không đạt chuẩn, và phương tiện giao thông công cộng còn thiếu thốn. Mặc dù Iran có giá xăng thuộc mức thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 0,02 đô la/lít, Tổng thống Pezeshkian đang cân nhắc lại tính khả thi của trợ cấp xăng dầu, làm dấy lên dự đoán về khả năng tăng giá trong năm tới.