Khuôn khổ pháp lý đã sẵn sàng cho phát triển điện hạt nhân

13:55, 25/01/2016

Việt Nam là nước đi sau về lĩnh vực năng lượng hạt nhân, vì vậy để tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân, Việt Nam đã xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử, tạo hành lang pháp lý phát triển điện hạt nhân an ninh, an toàn và hiệu quả.

Ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Luật Năng lượng Nguyên tử được Quốc hội thông qua vào ngày 3/6/2008 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 07/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng Nguyên tử, đặc biệt Nghị định 70/2010/NĐ-CP ngày 22/06/2010 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng Nguyên tử về nhà máy điện hạt nhân. Nghị định 107/2013/NĐ-CP ngày 20/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 580/2010/QĐ-TTg ngày 4/5/2010 thành lập Ban chỉ đạo nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Quyết định 906/QĐ-TTg ngày 17/06/2010 phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030; Quyết định 957/2010/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 và các quy hoạch chi tiết…

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng) - Ảnh Huyền Thương

Trên cơ sở hệ thống văn bản pháp luật được ban hành, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 13/2009/TT-BKHCN hướng dẫn đánh giá sơ bộ về an toàn hạt nhân đối với địa điểm nhà máy điện hạt nhân trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư; Thông tư 23/2010/TT-BKHCN hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ; Thông tư 27/2010/TT-BKHCN hướng dẫn về đo lường bức xạ, hạt nhân và xây dựng, quản lý mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường; Thông tư 28/2011/TT-BKHCN Quy định về yêu cầu an toàn hạt nhân đối với địa điểm nhà máy điện hạt nhân; Thông tư số 38/2011-BKHCN quy định yêu cầu về đảm bảo an ninh vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân; Thông tư 24/2012/TT-BKHCN hướng dẫn lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp cơ sở và cấp tỉnh; Thông tư số 30/2012/TT-BKHCN Quy định về yêu cầu an toàn hạt nhân đối với thiết kế nhà máy điện hạt nhân; Thông tư số 20/2013/TT-BKHCN quy định trình tự lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân…

Theo Tiến sĩ Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ): Từ sau sự cố Fukushima tại Nhật Bản năm 2011, Việt Nam đã chú trọng ban hành nhiều văn bản đảm bảo an ninh, an toàn trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải giải quyết về mặt quy phạm pháp lý an toàn hạt nhân liên quan đến nhà máy điện hạt nhân.

Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân yêu cầu chủ đầu tư phải đủ năng lực để quản lý, đảm bảo an toàn cho nhà máy và cơ quan quản lý phải thực hiện tốt chức năng giám sát. Hiện luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng, hiệu quả cho cơ quan quản lý với chức năng thanh, kiểm tra tính an toàn của nhà máy, hay việc cấp phép chưa đảm bảo nguyên tắc độc lập trong vấn đề quản lý an toàn theo thông lệ quốc tế.

Việt Nam đang nghiên cứu sửa đổi Luật Năng lượng Nguyên tử và nghiên cứu mô hình quản lý giám sát về điện hạt nhân, đảm bảo các quyết định không bị chi phối để nếu nhà máy không đảm bảo an toàn sẽ không được vận hành. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, một hệ thống văn bản pháp quy như vậy cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong chương trình điện hạt nhân, đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả.

Tham gia các điều ước quốc tế

Phát triển điện hạt nhân là một lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm nên các quốc gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân nói chung và Việt Nam nói riêng phải tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến an toàn, an ninh và bảo vệ thực thể hạt nhân. Hơn nữa, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng khuyến nghị các quốc gia khi triển khai chương trình điện hạt nhân nên tham gia đầy đủ vào các điều ước quốc tế tong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Hiện Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế như: Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân 1982; Công ước về thông báo sớm khi có tai nạn hạt nhân 1987; Công ước về trợ giúp trong trường hợp sự cố hạt nhân hoặc tai nạn phóng xạ 1987; Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện; Hiệp ước thanh sát ký giữa quốc gia và IAEA về việc áp dụng thanh sát theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân 1989; Hiệp định về quyền ưu đãi và miễn trừ đối với IAEA 1967; Hiệp định sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy định về trợ giúp kỹ thuật của IAEA 1983; Công ước an toàn hạt nhân 2010; Công ước chung về quản lý an toàn nhiên liệu đã qua sử dụng và an toàn quản lý chất thải phóng xạ 2013.

Đây là các điều ước quốc tế hết sức quan trọng và cơ bản khi Việt Nam thực hiện phát triển điện hạt nhân. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay Việt Nam cần chủ động trong việc triển khai thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, thành lập các cơ quan chuyên trách đủ mạnh để tổ chức thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các cam kết mà Việt Nam là thành viên.

Ông Phạm Gia Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Hiện nay hệ thống các văn bản pháp luật về năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực điện hạt nhân rất đa dạng, không chỉ là các văn bản quy phạm quy định trực tiếp các hoạt động năng lượng nguyên tử, mà còn cả các văn bản quy phạm quy định chuyên ngành thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau có liên quan.

Không chỉ pháp luật trong nước quy định về năng lượng nguyên tử mà cả các điều ước quốc tế về năng lượng nguyên tử, Việt Nam cũng cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tham gia các điều ước quốc tế khác như: Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và quy định bổ sung; Công ước viên về trách nhiệm dân sự đền bù thiệt hại hạt nhân; Nghị định thư chung liên quan đến áp dụng Công ước viên và Công ước Paris; Công ước về đền bù bổ sung đối với thiệt hại hạt nhân…

Tuy nhiên, khi xem xét tham gia điều ước quốc tế phải cân nhắc các yếu tố như: Bảo vệ chủ quyền, uy tín quốc gia, bí mật Nhà nước, nhân lực, tài chính, cũng như những ràng buộc sau khi tham gia điều ước quốc tế.

Hệ thống văn bản pháp quy của Việt Nam đã tương đối đầy đủ để phát triển điện hạt nhân - Ảnh Minh Ngọc

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật

Kể từ khi Luật Năng lượng nguyên tử ra đời và được thực thi, Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực trong nhận thức của các ngành, các cấp, các cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và người dân về vai trò của ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tầm quan trọng của chương trình điện hạt nhân nhằm hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật chuyên ngành điều chỉnh các quan hệ xã hội về năng lượng nguyên tử, đặc biệt là về lò phản ứng hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân.

Tuy vậy, để hệ thống pháp luật đảm bảo an toàn, an ninh, hướng tới xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân ở nước ta trong thời gian tới cũng như đảm bảo mục tiêu chung đến năm 2020 là từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp công nghệ hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, thì cần sửa đổi, bổ sung một số điểm bất cập của Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm về năng lượng nguyên tử nhằm hoàn thành cơ bản hệ thống pháp luật về ứng dụng năng lượng nguyên tử trong chương trình điện hạt nhân; từng bước hoàn thiện tổ chức, cơ sở vật chất kỹ thuật và năng lực chuyên môn của các cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử trong chương trình phát triển điện hạt nhân như: Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm đối với nhà máy điện hạt nhân; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về hỗ trợ khắc phục thiệt hại hạt nhân; về phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia; cơ chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; các Thông tư tiêu chuẩn kỹ thuật hướng dẫn thẩm định cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân…

Luật Năng lượng nguyên tử cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp và có liên quan về năng lượng nguyên tử đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động năng lượng nguyên tử trong cả nước, để thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử và phát triển điện hạt nhân.
 


Theo TTXVN

Share

Thủy điện Tuyên Quang: Vận hành an toàn, sản xuất hiệu quả, đóng góp ngân sách 306 tỷ đồng

Thủy điện Tuyên Quang: Vận hành an toàn, sản xuất hiệu quả, đóng góp ngân sách 306 tỷ đồng

Năm 2024, Công ty Thủy điện Tuyên Quang đã quản lý vận hành Nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang an toàn, ổn định và hiệu quả, đáp ứng các chỉ tiêu về kinh tế kỹ thuật.


Cập nhật tình hình lấy nước đợt 1 cho gieo cấy vụ Đông Xuân đến 15h ngày 16/1

Cập nhật tình hình lấy nước đợt 1 cho gieo cấy vụ Đông Xuân đến 15h ngày 16/1

Đến 15h ngày 16/1, theo báo cáo nhanh của Cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về tình hình lấy nước đợt 1 phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2024-2025, tổng diện tích có nước là 181.446 ha/488.615 ha, đạt 37,1% diện tích gieo cấy theo kế hoạch.


Phòng máy tính cho em: Lan tỏa giá trị nhân văn

Phòng máy tính cho em: Lan tỏa giá trị nhân văn

Mỗi chiếc máy vi tính để bàn được hỗ trợ lắp đặt ở những trường học còn khó khăn về cơ sở vật chất sẽ là điều kiện tốt cho thầy cô giáo và các em học sinh được tiếp cận và mở rộng tri thức, thực hiện ước mơ của mình.


Ký kết thỏa thuận thực hiện dự án "Thúc đẩy chuyển dịch ngành năng lượng tại Việt Nam"

Ký kết thỏa thuận thực hiện dự án "Thúc đẩy chuyển dịch ngành năng lượng tại Việt Nam"

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Cục Điều tiết Điện lực (ERAV), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA) thuộc Bộ Công Thương, cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), đã chính thức ký kết Thỏa thuận thực hiện dự án "Thúc đẩy chuyển dịch ngành năng lượng tại Việt Nam" (TEV).


EVNSPC tặng quà Tết cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Đồng Tháp

EVNSPC tặng quà Tết cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Đồng Tháp

Sáng 16/1, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) trao tặng 60 suất quà Tết cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.