Làm thế nào để khơi dậy tiềm năng sáng tạo của người lao động?

Bên lề Hội nghị Biểu dương lao động giỏi, lao động sáng tạo của Tập đoàn điện lực  Việt Nam giai đoạn 2007 - 2012, những tâm tư, nguyện vọng của một số đại biểu xung quanh chủ đề “Làm thế nào để khơi dậy tiềm năng sáng tạo của người lao động?”

Ông Lê Minh Ba - Chủ tịch Công đoàn EVN SPC: Vai trò của chuyên môn và công đoàn trong phong trào thi đua

Tại Tổng công ty Điện lực miền Nam(EVN SPC), lãnh đạo chuyên môn và công đoàn đã tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động phát huy khả năng sáng tạo, trong đó đã chỉ đạo đưa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” trở thành phong trào hiệu quả nhất, đồng thời duy trì phong trào này thường xuyên, liên tục. Từ đó khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần lao động sáng tạo và truyền thống đoàn kết của CNVCLĐ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của Tổng công ty.

Tại Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc đều thành lập Hội đồng xét duyệt sáng kiến, tạo môi trường thuận lợi cho người lao động nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo, biến những ý tưởng đó thành những đề tài khoa học, hoặc sáng kiến có giá trị thực tiễn cao, lấy việc tham gia phong trào làm căn cứ xét duyệt các danh hiệu thi đua, đồng thời tiến hành sơ, tổng kết và khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. 5 năm qua, toàn EVN SPC có 1.192 đề tài, sáng kiến với tổng giá trị làm lợi trên 37 tỷ đồng, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 92 Bằng lao động sáng tạo.

Trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào thi đua lao động sáng tạo và tăng cường thực hiện các giải pháp gắn phong trào thi đua với quyền lợi vật chất, tạo động lực để duy trì phong trào .

Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1: Trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị

Ở Công ty Truyền tải điện 1, công tác thi đua, khen thưởng luôn được Ban Lãnh đạo quan tâm. Công ty đã chọn những khâu còn yếu, còn tồn tại trong sản xuất để phát động các phong trào thi đua. Đơn cử như khâu hoàn công mạch nhị thứ tại các trạm biến áp, hoàn công sơ đồ tiếp địa các tuyến đường dây,… Các phong trào này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức đoàn thể và tập thể người lao động.

Một trong những kinh nghiệm của Công ty Truyền tải điện 1 là Lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo các phòng ban chức năng mà nòng cốt là phòng Tổ chức - Cán bộ và Lao động, xây dựng một số quy chế động viên và khuyến khích CNLĐ nỗ lực thi đua học tập để không ngừng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn giỏi, tay nghề cao, có bản lĩnh chính trị để từng bước góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “trí thức hóa đội ngũ lao động” trong Công ty. Theo tôi, đây chính là nền tảng của phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.

Công ty cũng tổ chức sơ, tổng kết các  phong trào thi đua thường xuyên và đột xuất, chọn ra các điển hình tiên tiến, khen thưởng và nhân rộng các điển hình trong Công ty. Mặc dù mấy năm gần đây, quỹ khen thưởng của Công ty không nhiều, nhưng lãnh đạo Công ty vẫn cố gắng cân đối các nguồn để dành chi phí khen thưởng cho cán bộ, công nhân viên có thành tích xuất sắc ở các đơn vị trực thuộc.

Ông Trần Minh Dương - Phó giám đốc kỹ thuật sản xuất, Chủ tịch Công đoàn Công ty Lưới điện cao thế miền Nam:  Công bằng và công tâm

Dù là sáng kiến kỹ thuật lớn hay nhỏ, đã được đưa vào áp dụng hay chưa được công nhận, dù người đề xuất là kỹ sư hay công nhân đều xứng đáng được tôn trọng và khuyến khích. Cần tránh cách nhìn thiếu thiện chí, khi đồng nghiệp đã thực hiện xong một sáng kiến thì lại cho rằng quá dễ, quá đơn giản. Thực tế, nếu đồng nghiệp không đề xuất và thực hiện thì điều đơn giản đó chẳng bao giờ được đưa ra, áp dụng thành công và mang lại hiệu quả chung cho đơn vị. 

Bên cạnh đó, việc xét duyệt sáng kiến phải thực sự công tâm, công bằng và có hình thức động viên khen thưởng kịp thời. Thực tế đã xảy ra trường hợp sáng kiến đã được áp dụng, mang  lại hiệu quả thiết thực, nhưng khi đưa ra Hội đồng xét duyệt sáng kiến thì không nhận được sự đồng thuận cao vì chủ đề tài không quen diễn thuyết trước đám đông hoặc bị áp lực phải trả lời nhiều câu hỏi của thành viên Hội đồng. Đây chính là nguyên nhân khiến họ nản chí. Tôi cho rằng, công đoàn các cấp cần phối hợp với chuyên môn đồng cấp thành lập Ban hỗ trợ sáng kiến để giúp người có ý tưởng hoàn thiện ý tưởng và đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Ban hỗ trợ sáng kiến có nhiệm vụ giúp tác giả làm các thủ tục cần thiết, thậm chí viết báo cáo thành tích cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất để tác giả trình bày sáng kiến trước Hội đồng.

Ngoài ra, mỗi một người lao động trong chúng ta cần phải  đặt câu hỏi là, tại sao họ làm được mà mình chưa làm được?

 


  • 02/07/2012 11:10
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3549


Gửi nhận xét