Lính Trường Sơn lời hứa đã vẹn tròn

Để thực hiện bài viết về lính Trường Sơn trên công trường Thủy điện Sơn La, chúng tôi đã nhiều lần hẹn gặp Đại tá Đào Văn Tuấn – Giám đốc Ban điều hành dự án Thủy điện Sơn La – Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng). Tuy nhiên, vì công việc bận rộn của cả hai bên và nhất là việc di chuyển như “con thoi” nay Sơn La, mai Lai Châu rồi ngày kia lại Hà Nội của vị Giám đốc Ban điều hành nên đều lỡ hẹn. Cuối cùng, cơ duyên chợt đến, chúng tôi đã “bắt cóc” được ông sau lời hẹn vội vàng tại một quán cà phê ven đường ở Điện Biên trong khi ông dừng chân để giải lao sau hành trình dài từ Hà Nội lên Lai Châu. Hơn 1 tiếng đồng hồ của cuộc gặp thật  ngắn ngủi, nhưng đủ để chúng tôi hiểu thế nào là lính Trường Sơn - biểu tượng của những người lính thời bình trên mặt trận kinh tế.

Thời điểm “thử lửa” trên công trường

Ông bắt đầu câu chuyện: Được tham gia xây dựng công trình Thủy điện Sơn La, một dự án lớn của đất nước là một vinh dự không chỉ của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn mà còn đối với tất cả cán bộ công nhân viên tham gia xây dựng công trình. Nhiệm vụ của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tại công trình Thủy điện Sơn La không chỉ làm kinh tế, mà còn làm nhiệm vụ quốc phòng. Kinh tế chính là việc hạch toán lỗ lãi, còn quốc phòng là bảo vệ an ninh, đảm bảo an toàn cho dự án.

Hạng mục thi công của Trường Sơn trên công trường Thủy điện Sơn La là dốc nước đập tràn và hố xói - những hạng mục trọng yếu của Nhà máy. Bởi dốc nước đập tràn và hố xói có nhiệm vụ tiêu năng cho dòng chảy khi điều tiết hồ thuỷ điện, đảm bảo an toàn cho Nhà máy và đập chính.

Ông Tuấn cho biết, thời khắc gian nan nhất của Trường Sơn trên công trường Thủy điện Sơn La là thời điểm thi công hạng mục đào hố xói. Do thiết kế kỹ thuật bị chậm, nên thời gian thi công hố xói chỉ còn vỏn vẹn 4 tháng để kịp trước mùa lũ về. Trong một khoảng thời gian ngắn từ tháng 2 đến tháng 5/2008, các đơn vị thi công của Trường Sơn đã tập trung thi công không kể ngày đêm. Tuy nhiên, do đặc thù công việc thi công hố xói trên một diện tích thi công chật hẹp, phải đào sâu dưới mức nước tới 20 m, nên không thể cứ “lấy thịt đè người” mà được, lượng máy móc phương tiện có nhiều nhưng chỉ tuyển chọn những thiết bị tốt nhất để thi công. Công tác thi công lại cần sự kiên trì và cẩn trọng. Cẩn trọng bởi khoan nổ mìn đến đâu lập tức phải vận chuyển đất đá ngay đến đó, đồng thời vừa phải gia cố bê tông mái hố xói. Công tác thi công vì vậy mất nhiều thời gian, do khi nổ mìn thì máy móc thiết bị phải sơ tán hết khỏi hố đào, khi nổ mìn xong thiết bị lại khẩn trương được tập kết trở lại để vận chuyển đất đá, thi công bê tông gia cố, chống ngập. Việc tổ chức thi công trong điều kiện khó khăn đó cũng đòi hỏi công tác bảo đảm an toàn nghiêm ngặt và khoa học để công việc không chồng chéo lên nhau.

Đại tá Đào Văn Tuấn (ngoài cùng bên trái) cùng những người lính Trường Sơn đã góp phần làm nên thành công Thủy điện Sơn La  - Ảnh Vũ Lam

Ông Tuấn nhớ lại: “Trong quá trình thi công hố xói, một chuyện bất ngờ đã xảy ra, đó là một bài toán cân não nhất trong cuộc đời làm xây dựng của tôi. Hôm đó là ngày 1/5/2008, để động viên anh em trước một đợt thi công nước rút quan trọng, chúng tôi đã quyết định khao quân. Đơn vị mua 2 con bê về thả mấy ngày trước đó rồi mổ và mời các đơn vị đến giao lưu, nhưng không ngờ một sự cố bất thường đã xảy ra. Ngay sau liên hoan, vì có công chuyện, lái xe, tôi và bà xã của tôi phải quay về Hà Nội gấp. Chiếc xe đang trên đường về nhà thì phải rẽ vội vào bệnh viện Quân y 103 Hà Nội bởi những cơn đau quằn quại của bà xã. Cùng lúc là thông tin dồn dập từ Sơn La về tình trạng ngộ độc thực phẩm của 130 anh em Trường Sơn sau tiệc liên hoan. Vội vàng đưa vợ vào viện rồi ngay khi được tin bà xã không mệnh hệ gì, tôi và lái xe lại vội vã quay lên Sơn La, mọi công việc khác ở Hà Nội đều phải gác lại. Dọc đường đi cũng chẳng tâm trí nào lý giải vì sao mình lại không thấy đau bụng, không bị ngộ độc (sau này khi mọi việc trôi qua tôi mới nói đùa với anh em là dạ dày mình bằng thép, nên không độc tố nào thâm nhập được).

Ngồi trên xe từ Hà Nội lên Sơn La, qua thông báo của đơn vị về tình trạng của 130 anh em trên công trường, Bệnh viện Mường La chỉ có thể điều trị được 60 người, gần đó có Bệnh viện 6 (Quân khu 3 – Bộ Quốc phòng) chỉ có thể điều trị được 45 người vì thiếu giường. Tôi đã liên hệ ngay với Giám đốc Bệnh viện 6 và đề nghị cố gắng điều trị đủ 70 người, nếu thiếu giường, chúng tôi sẽ mua. Với sự chỉ đạo nhanh và kịp thời của Cục quân y (Bộ Quốc phòng) nên Bệnh viện 6 đã đáp ứng được đúng yêu cầu của tôi và đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho anh em. Gọi điện hỏi thăm, được bà xã động viên: “Anh cứ làm việc và chăm lo cho anh em, em ở đây chắc không vấn đề gì”, tôi mới yên tâm để bắt đầu một chiến dịch mới với quá nhiều thay đổi so với dự kiến ban đầu”.

Những ngày sau đó là khoảng thời gian thực sự khó khăn, để bổ sung cho lực lượng anh em lao động đang phải nằm điều trị trong viện, Trường Sơn phải huy động toàn bộ quân ở các đơn vị thi công thủy điện gần đó như Huội Quảng, Bản Chát, mượn thêm quân số và máy móc của Tổng công ty Sông Đà để làm nhiệm vụ. Cuối cùng, đúng 21 giờ ngày 30/5/2008, hố xói hoàn thành, kết thúc công việc của 4 tháng thi công cật lực trong điều kiện thi công có thể nói là rất căng thẳng và nhiều rủi ro. Anh em Trường Sơn chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm bởi chỉ vài ngày sau khi hố xói hoàn thành thì lũ về, nếu chỉ trễ hẹn chút ít, công sức sẽ đổ cả xuống sông.

Một hạng mục nữa cũng khiến cho các chiến sỹ Trường Sơn phải đổ rất nhiều mồ hôi đó là thi công bê tông dốc nước đập tràn. Do khí hậu nắng nóng, trong khi công nghệ bê tông dốc nước lại là bê tông lạnh (đảm bảo nhiệt độ bê tông luôn ở dưới 26 độ C). Để đảm bảo quy trình nghiêm ngặt cho bê tông, trong những ngày nắng nóng, Trường Sơn đã phải sử dụng mọi phương án. Trong đó phải sử dụng cả hệ thống ống bơm nước ngầm trong khối bê tông để giảm nhiệt độ cho bê tông nhằm đảm bảo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.

Sau khi đổ bê tông xong, công tác tạo mặt phẳng cho bề mặt dốc nước cũng hết sức vất vả. Tiêu chuẩn đặt ra là mặt bê tông dốc nước ko được phép chênh lệch quá 4 mm trên diện tích 2 m2. Thời kỳ cao điểm, có tới 400 - 500 nhân công cùng máy mài phơi nắng làm thủ công để đánh bóng mặt phẳng dốc nước…

Tất cả vì “màu cờ sắc áo Trường Sơn”

Vị Giám đốc Ban điều hành vẫn còn nhớ như in một kỷ niệm đáng nhớ luôn hằn sâu trong tâm trí ông: “Đó là một buổi sáng chủ nhật cuối tháng 10/2005, khi chỉ còn 1 tháng nữa là diễn ra lễ ngăn sông, khởi công dự án Thủy điện Sơn La, thì một trận lũ cuối mùa bất chợt ào về.

Nước mấp mé mặt đê quai phía thượng lưu kênh dẫn dòng. Nếu đê vỡ, không biết bao nhiêu người và máy móc đang làm việc dưới đê và mặt đê quai có thể bị nước cuốn trôi. Và ngày khởi công công trình chặn dòng đợt 1 sẽ phải lùi lại, thiệt hại không thể đếm xuể. Điều đáng nói là tại thời điểm đó, máy móc, nhân lực của các đơn vị trên công trường đã rút đi nhiều, gần như chỉ còn lại lính Trường Sơn là đang làm việc tại khu vực này. Nước lên nhanh đến nỗi, đê đắp lên đến đâu, nước lên theo đến đấy, dừng một chút nước đã mấp mé.

Dốc nước đập tràn - hạng mục thi công của Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Ảnh Hà Bắc

Toàn công trường hướng về những người chỉ huy của đơn vị mình và chỉ huy toàn công trường. Khi đó, đồng chí Thái Phụng Nê – Phái viên Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Kim Tới – Giám đốc Ban điều hành tổng thầu Sông Đà rất lo lắng vì nước lên quá nhanh, đe dọa tính mạng của anh em công nhân đang thi công đắp đê. Đã có người đề nghị tôi và anh em Trường Sơn đang ở trên đê quai thượng lưu di chuyển sang vị trí khác an toàn hơn.

Nhưng với ý chí của người lính, tôi chỉ có một tâm niệm duy nhất không thể lui bước trong lúc cam go này. Lúc đó tôi đứng ở chỗ nguy hiểm nhất là giữa đập để trấn an anh em, các ô tô cứ xe vào rồi lại xe ra để làm nhiệm vụ. Lòng quyết tâm cao độ của lính Trường Sơn đã “thổi” thêm niềm tin và sức mạnh để anh em thi công của cả các đơn vị khác ở lại cứu công trình, không để nước tràn đê”.

Trong thời điểm gam go ấy, lại sảy ra một chuyện hy hữu, đó là đang thi công thì chiếc xe cẩu bị đứt xích nằm chắn ngang lối đi. Nhiều anh em thi công rất hoang mang chưa biết xử lý thế nào. Trong tình cảnh đó, ông Tuấn đã buộc phải đề nghị dùng một chiếc cẩu khác hất chiếc cẩu bị hỏng sang một bên để thay thế. Suốt 1 ngày chiến đấu cam go với thủy thần, cuối cùng trời cũng thấu lòng người, 11 giờ tối, công trình vượt lũ an toàn trong gang tấc.

Trong câu chuyện, Đại tá Đào Văn Tuấn vẫn còn nhớ như in hình ảnh ngày mà những người lính Trường Sơn mới tập kết lên công trường Thủy điện Sơn La vào năm 2004, việc đảm bảo ổn định đời sống cho anh em công nhân rất vất vả do điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, trước hết là nguồn nước. Toàn bộ anh em trên công trường của Trường Sơn khi đó phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt chính là nguồn nước mó (nước từ trong khe núi chảy ra với nồng độ vôi rất cao). Nếu dùng nguồn nước này trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Bên cạnh đó, các điều kiện tiếp cận thông tin, y tế, văn hoá giải trí cũng còn rất khó khăn. Hay như thời điểm tháng 10/2005, hạng mục hố móng do Trường Sơn đảm trách thi công  chưa được phê duyệt thiết kế kỹ thuật (do công tác đào đá đang phải chỉnh sửa). Điều đó là lý do ảnh hưởng đến việc thanh quyết toán. Nguồn vốn ngưng đọng khiến Trường Sơn gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị nguyên vật liệu phục vụ cho công tác thi công. Trong khi, đời sống của anh em công nhân đều quy vào “bài toán” tiến độ và dồn lên vai lãnh đạo Tổng công ty. Trong bối cảnh đó, Trường Sơn đã phải huy động mọi nguồn nội lực để vẫn đảm bảo đời sống của công nhân, đồng thời tích cực phối hợp với Chủ đầu tư để thanh quyết toán cho các hạng mục đã triển khai… Tuy nhiên, theo Đại tá Đào Văn Tuấn, khó khăn là vậy nhưng xuất phát từ vị trí và tầm quan trọng của hạng mục công trình này đối với dự án Thủy điện Sơn La nên “lính Trường Sơn” trên công trường Thủy điện Sơn La đều nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình là phải nỗ lực đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công, đặc biệt là các thông số về kỹ thuật phải đạt độ chính xác tuyệt đối. Và thực sự là bằng “màu cờ sắc áo”, lấy kỷ luật cao để phục vụ, Trường Sơn đã khẳng định năng lực, bản lĩnh và lòng quyết tâm của người lính Trường Sơn trên công trường thế kỷ này.

Trước khi chia tay, Đại tá Đào Văn Tuấn đã bắt tay tôi thật chặt và vui mừng chia sẻ là ông và các đồng đội đang tiếp tục hành trình cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà thầu thi công khác chinh phục dòng sông Đà trên công trường Thủy điện Lai Châu - một trong các dự án thủy điện công suất lớn nhất còn lại của Việt Nam trên dòng chính sông Đà. Cái bắt tay có lẽ tiếp tục là một lời hứa hẹn. Tôi tin, lời hứa hẹn đó sẽ trở thành hiện thực. Bởi để có được thành tích như ngày hôm nay, lính Trường Sơn đã vượt qua rất nhiều những khó khăn và thách thức cả trong chiến tranh và trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế đất nước. Minh chứng cụ thể nhất chính là các anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên công trường Nhà máy Thủy điện Sơn La.


  • 04/01/2013 12:48
  • Theo sách Thủy điện Sơn La: Trọn vẹn niềm tin
  • 2859


Gửi nhận xét