Ðiện mặt trời trên hồ thủy lợi Dầu Tiếng.
|
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, tiềm năng điện mặt trời từ các hồ thủy lợi tại Việt Nam đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo thống kê, với khoảng 7.000 hồ hiện có và diện tích mặt nước lên tới hàng triệu km2, những công trình này đặc biệt thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất điện mặt trời. Ước tính, nếu khai thác triệt để diện tích mặt nước hiện có, công suất điện mặt trời có thể lên tới 15.000MW.
Tại Việt Nam, dự án điện mặt trời sử dụng vùng đất bán ngập của hồ chứa Dầu Tiếng công suất 420MWp và dự án điện mặt trời nổi trên hồ Ða Mi công suất 47,5MWp là những dự án điện mặt trời đầu tiên khai thác diện tích đất và vùng mặt nước của hồ chứa để phát điện thương mại. Các dự án này có thuận lợi lớn trong khâu đền bù, tổ chức xây dựng và đều đã phát điện thương mại lên lưới điện quốc gia một cách an toàn.
Ðại diện doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp năng lượng trên mặt nước, ông Ðàm Quang Vũ, Chủ tịch HÐQT Công ty CP năng lượng Quang Vũ cho biết, pin mặt trời trên mặt nước hiện có nhiều công nghệ tiên tiến, có khả năng hạn chế sự bay hơi cũng như bảo tồn môi trường nước bằng cách giảm lượng bức xạ mặt trời tại vùng hồ chứa.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, để đảm bảo việc triển khai hiệu quả điện mặt trời trên các hồ chứa thủy lợi, cần có những nghiên cứu, tính toán cụ thể đối với những hồ chứa đủ điều kiện triển khai, đồng thời có các tiêu chí, quy định cụ thể về đảm bảo môi trường, hiệu quả cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp khi vận hành và khai thác các hồ chứa…
Cần có những khuyến cáo mang tính định hướng cho các đơn vị, địa phương đang trực tiếp quản lý các hồ chứa thủy lợi, khuyến cáo về loại hồ nào dứt khoát không được làm điện mặt trời, loại hồ nào thì được phép và được phép đến đâu, cách thức làm ra sao, các quy định thế nào... Ðây là những vấn đề rất mới, lần đầu tiên ở Việt Nam, nhưng Bộ NN&PTNT đang nỗ lực ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể để phát triển điện mặt trời tại hồ thủy lợi trong năm nay.