Nam Mỹ: Mất điện và hạn hán đang ngày càng trầm trọng

Hiện tại, Nam Mỹ đang trải qua các đợt hạn hán lịch sử, khiến nhiều khu vực rộng lớn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng. Hạn hán tác động tiêu cực đến thủy điện, trong khi cháy rừng tiếp tục lan rộng tại khu vực Amazon.

Một nghiên cứu độc lập từ nhóm các nhà khoa học quốc tế đầu năm nay cho thấy biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây ra đợt hạn hán nghiêm trọng tại khu vực Amazon từ năm 2023. Khu vực này trải dài khắp khu vực Trung và Đông Nam Mỹ, đi qua các quốc gia như Colombia, Peru, Ecuador, Guyana, Suriname, Brazil và Bolivia.

Phần lớn Nam Mỹ đang phải đổi mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Ảnh: Financial Times

Tại Colombia, thành phố Bogotá – thường được biết đến là một trong những thủ đô có độ ẩm cao nhất thế giới với độ cao 2.640 mét so với mực nước biển – năm nay đã phải áp dụng chính sách hạn chế sử dụng nước trong bối cảnh mực nước các hồ chứa xuống thấp do hạn hán. Colombia đã ngừng xuất khẩu điện sang nước láng giềng Ecuador để bảo vệ nguồn cung trong nước.


Mực nước thấp tại nhà máy thủy điện Mazar ở Las Palmas, Ecuador. Tuần này, Ecuador dự kiến sẽ tăng thời gian cắt điện từ 8 giờ lên 14 giờ một ngày do tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong vòng sáu thập kỷ. Ảnh: Financial Times

Ecuador, quốc gia phụ thuộc gần 80% nguồn cung năng lượng vào thủy điện, đang đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong sáu thập kỷ. Hạn hán khiến Ecuador phải áp dụng phân phối điện theo lịch trình nghiêm ngặt. Tại thủ đô Quito, người dân đã chịu cảnh mất điện hàng ngày kéo dài đến 8 giờ, và có thể lên đến 14 giờ mỗi ngày trong những tuần tiếp theo. Để giải quyết bài toán thiếu điện, Ecuador đã ký hợp đồng với công ty Karpowership của Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng một nhà máy điện nổi công suất 100MW. Tuy nhiên, nhà máy này chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thiếu hụt điện của cả nước, ước tính khoảng 1.000MW.

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Ecuador, do các hồ chứa nước cạn kiệt, được dự báo sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 1 năm 2025 và có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm sau, khi Tổng thống Daniel Noboa dự kiến sẽ tái tranh cử. Đầu tháng này, ông Noboa đã thông báo thay thế tạm thời Bộ trưởng Năng lượng Antonio Goncalves bằng Inés Manzano, người hiện cũng đang quản lý danh mục đầu tư về môi trường.

Theo Cristian Paliz Acosta, nhà dự báo thời tiết tại, cơ quan khí tượng quốc gia Ecuador (INAMHI), tình trạng hạn hán bất thường này là do sự tăng cường của luồng hoàn lưu Walker trên vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương. Luồng hoàn lưu Walker xảy ra khi không khí ấm, ẩm bốc lên ở phía Tây Thái Bình Dương trong khi không khí lạnh, khô hạ xuống ở phía Đông. Sự tăng cường này làm hạn chế lượng mưa tại Nam Mỹ và làm chậm sự xuất hiện của các hình thái thời tiết khác thường xảy ra vào thời điểm này trong năm.

Kết quả là trong 30 ngày qua, một số khu vực ở Mỹ Latinh như Venezuela, Ecuador, vùng Amazon và Brazil chỉ nhận được lượng mưa từ 10% đến 50% so với mức trung bình.

Nhiều khu vực của rừng Amazon ở Brazil đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Mực nước trên các sông chính, bao gồm cả các nhánh của sông Amazon, đã xuống thấp kỷ lục. Tại thành phố cảng Manaus, mực nước đầu tháng 11 đã chạm mức thấp nhất kể từ dữ liệu được ghi chép vào năm 1902. Hoạt động vận tải đường sông bị đình trệ, khiến nhiều ngôi làng xa xôi bị cô lập và thiếu nguồn cung cấp thiết yếu.

Lượng mưa thấp hơn mức trung bình kéo dài suốt mùa mưa năm nay cũng đã khiến số lượng các vụ cháy rừng tăng cao. Theo Hiệp hội Bảo vệ Môi trường Liên Mỹ (AIDA), các vụ cháy đã thiêu rụi 10 triệu ha rừng tại Bolivia và 7 triệu ha rừng tại Brazil, gây ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều vùng trong tháng 9.

Cũng trong tháng trước, chính phủ Peru đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày tại các tỉnh thuộc vùng Amazon giáp với Ecuador và Brazil – những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất do cháy rừng.

Clair Barnes, nhà nghiên cứu tại Viện Grantham, nhận định trong báo cáo gần đây về cháy rừng tại Amazon và vùng đất ngập nước Pantanal: “Nhiệt độ cao kéo dài, lượng mưa thấp đã biến những hệ sinh thái quý giá này trở nên dễ bắt lửa.”


  • 11/11/2024 02:30
  • Nguyệt Hà (Theo Financial Times)
  • 267