Những ân tình trong dòng điện Đa Nhim

Nửa thế kỷ qua đi với biết bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, có thể thấy kỹ sư Trịnh Phi Anh - Nguyên Giám đốc Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) vẫn giữ được một tình yêu tha thiết với Đa Nhim.

Người từ chế độ cũ…

Nhà máy Thủy điện Đa Nhim được khởi công xây dựng trên địa bàn hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng vào năm 1961, với tài nguyên nước dồi dào nhưng hiểm trở về địa hình. Sau bao công sức xây dựng và lắp đặt thiết bị, ngày 15/1/1964, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim chính thức được đưa vào vận hành 2 tổ máy đầu tiên và đến cuối năm đó, Nhà máy đã hoàn thành với 4 tổ máy có tổng công suất 160 MW, trở thành nhà máy thủy điện lớn đầu tiên trên hệ thống sông Đồng Nai.

Trước ngày giải phóng, trong chiến tranh, Nhà máy bị tàn phá nặng nề. Đường ống thủy áp số 2 bị vỡ 112 m, phải thay thế bằng những đoạn ống dày 10 mm, mỗi đoạn nặng trung bình gần 3 tấn; trục máy phát bị nứt, các tổ máy bị tê liệt, không thể phát điện được. Dưới sự chỉ đạo của Công ty Điện lực 2, đội sửa chữa đường dây 230 kV được thành lập với nhiều cán bộ kỹ thuật có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm từ miền Bắc vào chi viện, sửa chữa, phục hồi thiết bị.

Kỹ sư Trịnh Phi Anh khi ấy mới bước vào làm việc tại Nhà máy, nhưng ý chí sắt son, quyết gắn bó với Nhà máy của ông chưa bao giờ bị dao động trước trào lưu di tản ra nước ngoài, theo “xu thế” của thanh niên Sài Gòn lúc bấy giờ. Ông đã cùng đồng nghiệp hai miền Bắc, Nam khẩn trương bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng phương án sửa chữa đến trực tiếp tham gia mọi công việc trên công trường.

Đội sửa chữa đang phục hồi đường ống thủy áp số 2 bị đánh vỡ năm 1975. Ảnh tư liệu

Ông nhớ khi ấy, chất xám của Nhà máy tập trung vào 12 kỹ sư và 17 trung cấp kỹ thuật, là những người mê thủy điện, sẵn sàng từ bỏ Sài Gòn hoa lệ tìm về nơi rừng núi âm u, phát triển nguồn năng lượng quý giá cho miền Nam. Nhưng trong lòng mọi người vẫn nặng trĩu những tâm tư, lo lắng, bất an vì  phần lớn trong số họ đều là sĩ quan biệt phái của chế độ cũ. Đang lúc khí thế lao động bừng bừng trên công trường thì có lệnh của Chính quyền Quân quản, tập trung các sĩ quan binh lính ngụy quyền đi học tập cải tạo. Khối lượng công việc rất lớn còn dang dở, khó khăn lại thêm chất chồng, nhưng tình yêu nghề, yêu dòng điện đã xóa nhòa những soi mói ác ý, những hiềm khích, nghi  kỵ, những khoảng cách, định kiến về người cũ, người mới...

Ông Vũ Hiền - Đặc phái viên từ miền Bắc vào giữ cương vị Chính ủy Nhà máy khi ấy đã gõ cửa các cấp lãnh đạo với những lời tâm huyết: “Miền Nam đang cần điện như cơ thể cần máu, mà Đa Nhim đóng vai trò chiến lược trong hệ thống điện phía Nam. Đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên của Đa Nhim hiểu từng vị trí, từng thiết bị của Nhà máy, hơn nữa quân hàm của họ chỉ là hình thức chứ họ đâu có cầm súng bắn phá cách mạng bao giờ. Nếu họ đi học tập cải tạo trong lúc này sẽ là một trở ngại lớn cho công cuộc khôi phục Nhà máy”. Có lẽ ngay từ thời gian đầu sau giải phóng ở Đa Nhim, quan điểm “không bắn vào quá khứ” đã phát huy tác dụng. Các kỹ sư cách mạng đầu tiên lãnh đạo Đa Nhim đã che chắn cho đội ngũ trí thức tại chỗ tránh được “cơn sóng lớn” của thời cuộc. Một chương trình cải tạo học tập được tổ chức ngay tại Nhà máy, mang lại niềm vui vô bờ bến cho những người nơi đây.

16h ngày 23/5/1976 trở thành dấu mốc son lịch sử quan trọng của Nhà máy khi công trình khôi phục đường ống thuỷ áp số 2 hoàn thành, dòng điện Đa Nhim lại về với Thành phố mang tên Bác và những vùng lân cận. Đến tận bây giờ, Kỹ sư Trịnh Phi Anh cũng như những người làm thủy điện Đa Nhim vẫn luôn tự hào vì Nhà máy được khôi phục lại sau chiến tranh bằng chính nguồn nội lực của người Việt Nam.

Những câu chuyện ân tình…

Những con người ở Thủy điện Đa Nhim không chỉ làm tròn nhiệm vụ giữ cho dòng điện luôn tỏa sáng mà còn gắn bó với thiên nhiên, với đồng nghiệp trong việc cùng tham gia trồng trọt, chăn nuôi trên từng tấc đất, bổ sung nguồn lương thực, thực phẩm hằng ngày của chính gia đình  mình. Trở lại ký ức của những ngày tăng gia sản xuất khó khăn nhưng đầy ắp tình người, ông Trịnh Phi Anh chia sẻ: “Một thời gian dài ở Đa Nhim, chợ búa không có, mọi người phải canh tác trên từng mảnh ruộng, gieo hai vụ lúa, trồng thêm những cánh đồng mía. Trước Nhà máy có sân phơi lúa, trong Nhà máy có cửa hàng lương thực, thực phẩm cho anh em. Những con người ngày đêm làm bạn với máy móc, khi đội nón lá, bước chân xuống ruộng, mới thấu hiểu sự cơ cực của người nông dân”.

Trên mảnh đất tưởng chừng không có sức sống vì khô hạn, lúa đã tốt tươi, mía đã ngút ngàn. Giá trị lúc ấy không thể tính được bằng tiền, mà bằng tình người, khi anh em Nhà máy chia đều cho nhau từng cân gạo, cân đường. Sức mạnh đoàn kết ở Thủy điện Đa Nhim không chỉ tạo ra dòng điện cho đất nước mà còn tưới mát cho tâm hồn con người trên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Từ những nỗ lực phi thường của tập thể những người lao động sáng tạo, sau khi thay xong trục máy 1 và máy 3, lần đầu tiên Đa Nhim phát điện đủ công suất thiết kế 160 MW vào ngày 18/09/1977 và từ đó giữ vai trò là nguồn điện chủ lực ở phía nam cho đến khi Nhà máy Thủy điện Trị An hoàn thành hòa vào lưới điện quốc gia năm 1988.

Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Ảnh: Ngọc Hà

Viết bài ca qua hai thế hệ

Nhắc đến những năm tháng ở Đa Nhim, ông Trịnh Phi Anh còn nguyên cảm xúc bồi hồi, ông kể: Như một cơ duyên trời định, mặc dù năm 1985 tôi được điều về Ban Chuẩn bị sản xuất Nhà máy Thủy điện Trị An và sau đó được đề bạt làm Phó giám đốc Nhà máy, nhưng đến năm 2001 tôi lại có may mắn trở lại với Đa Nhim – nơi bắt đầu cuộc đời người làm điện của tôi. Vào thời điểm đó, Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 cụm Nhà máy Thủy điện Đa Nhim – Sông Pha và Hàm Thuận – Đa Mi không chỉ có 1 Nhà máy Đa Nhim như trước, mà đã thêm Nhà máy Sông Pha, Hàm Thuận, Đa Mi, với tổng công suất đặt các nhà máy lên tới 642,5 MW, địa bàn hoạt động rộng hơn, đội ngũ CBCNV đông hơn và quy mô hoạt động lớn hơn nhiều.

Trở lại "mái nhà" năm xưa, nơi những năm tháng đầu đời đầy ắp kỷ niệm không thể nào quên, càng giúp ông thấu hiểu từ nguyên lý vận hành thiết bị, tới tâm tư, nguyện vọng của những người thợ trên mảnh đất này. Ông hiểu được rằng, ẩn sau sự tràn trề năng lượng của dòng điện Đa Nhim chuyển đi khắp nơi không chỉ là sự bề thế vững chãi của hệ thống kỹ thuật máy móc hay dòng nước cuồn cuộn mà là bóng dáng của đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề, những "bàn tay vàng"  đã góp công xây dựng lên hình ảnh một Công ty bề thế ngày hôm nay. Với vai trò Giám đốc Công ty, ông đã đề ra chủ trương phát huy nguồn nhân lực hiện có là chính, thông qua các hình thức đào tạo dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, từ lớp học kỹ thuật ngắn ngày đến đào tạo tại chỗ, nâng cao trình độ sau đại học tại nhiều cơ sở đào tạo chuyên ngành trong và ngoài nước.

Với những nỗ lực bền bỉ của tập thể CBCNV, Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi ( DHD) hôm nay đã khoác lên mình một tấm áo mới, tấm áo của sự phát triển, phồn vinh. Riêng Thủy điện Đa Nhim với 50 năm lịch sử, đã cung cấp 38 tỷ kWh cho đất nước.

Trở lại Đa Nhim khi đã bước qua tuổi nghỉ hưu, ông thấy tự hào và mãn nguyện khi đi trong khu cư xá dành cho CBCNV một khuôn viên xanh lý tưởng, dọc theo những khu nhà khang trang là thảm cỏ xanh và hàng cây tỏa bóng mát.

Từ nguồn nước thiên nhiên quý giá nơi miền sơn cước này, điện đã, đang và vẫn sẽ liên tục được làm ra từ những mặn mòi của giọt mồ hôi người thợ Đa Nhim năm xưa và DHD hôm nay. Nước từ Đa Nhim vẫn tiếp tục chảy về đồng bằng cho người dân có được những vụ mùa tươi tốt. Những thế hệ lãnh đạo, kỹ sư lành nghề từ DHD sẽ trưởng thành và tỏa đi khắp các nhà máy thủy điện từ Bắc chí Nam. Câu chuyện về nửa thế kỷ hào hùng sẽ được các thế hệ nhắc đến trong mỗi dịp gặp nhau, để những thế hệ con cháu sau này sẽ biết, sẽ nhớ về mảnh đất đã khơi dòng điện sáng, dòng tình cảm chân thành giữa con người với con người, không phân biệt chế độ, giai cấp, cháy hết mình vì đồng đội thân yêu.

Nhà máy Thủy điện Đa Nhim:

- Là một trong những công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng ở nước ta.

- Thuộc nấc thang trên cùng, khai thác tiềm năng thủy điện to lớn của hệ thống sông Đồng Nai.

- Nằm giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.

- Khởi công tháng 02/1962; chính thức phát điện tổ máy số 1 và 2 ngày 15/01/1964; hoàn thành toàn bộ công trình tháng 12/1964.

- Tổng công suất lắp đặt: 160 MW, gồm 4 tổ máy.

- Sản lượng điện theo thiết kế: 980 triệu kWh/năm.

- Năm 2005, được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động.

- Năm 2014, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ký với Chính phủ Việt Nam Hiệp định vốn vay với tổng mức đạt 7,515 tỉ Yên (tương đương hơn 73 triệu USD) cho “Dự án nâng cấp Nhà máy Thủy điện Đa Nhim”. Mục tiêu của Dự án là tăng công suất phát  điện, đặc biệt trong giờ cao điểm của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim bằng việc lắp đặt thêm tổ máy phát điện. Dự án Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng có công suất thiết kế 80 MW gồm 2 tổ máy với điện lượng bình quân/năm khoảng 99 triệu kWh. Dự kiến, công trình mở rộng sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng từ tháng 8/2016. 

* Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, trước đây là Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, được thành lập vào ngày 21/5/2001 trên cơ sở sáp nhập 2 cụm Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Sông Pha và Hàm Thuận - Đa Mi. Công ty đang quản lý vận hành 4 nhà máy thủy điện: Đa Nhim, Sông Pha, Hàm Thuận và Đa Mi gồm 13 tổ máy, với tổng công suất lắp đặt là 642,5 MW, điện lượng bình quân hằng năm khoảng 2,6 tỷ kWh.

Từ 1/10/2011, Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi được chuyển đổi từ công ty 100% vốn Nhà nước sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ là 4.248 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu 99,93%.

* Ngoài nguồn điện hoà vào hệ thống điện quốc gia, nguồn nước từ Thủy điện Đa Nhim sau khi chạy máy còn cung cấp hơn 550 triệu mét khối nước mỗi năm phục vụ tưới cho hơn 20.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận, là địa phương có lượng mưa trung bình hằng năm thấp nhất Việt Nam.

 


  • 25/12/2014 04:40
  • Nguồn: Ấn phẩm Điện lực VN - 60 năm: Thắp sáng niềm tin
  • 7324


Gửi nhận xét