Từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn
Thời gian qua, công tác pháp chế tại Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ngày càng lớn mạnh, năng lực, trình độ được chuẩn hóa, chất lượng công tác tham mưu ngày càng được nâng cao, hiệu quả hơn; công tác pháp chế tại các đơn vị ngày càng nền nếp, bài bản, có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn.
Tọa đàm “Đổi mới, chuyên nghiệp hóa, xây dựng cơ chế hỗ trợ, chia sẻ nguồn lực, nhân lực công tác pháp chế trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” ngày 7/11/2024.
|
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An, đứng trước sự vận động không ngừng của xã hội, hệ thống pháp luật phải điều chỉnh thường xuyên, không ngừng thay đổi để hoàn thiện thể chế, các mối quan hệ pháp luật ngày càng đa dạng và phức tạp, việc đổi mới, chuyên nghiệp hóa công tác pháp chế trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, chú trọng đẩy mạnh công tác tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật là cần thiết để đảm bảo nâng cao hơn nữa chất lượng, đóng góp tốt hơn, hiệu quả hơn cho các hoạt động của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế đã có hiệu lực thi hành từ ngày 02/7/2024. So với Nghị định 55, Nghị định 56 đã mở rộng, bổ sung thêm phạm vi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế tại doanh nghiệp nhà nước đối với các lĩnh vực về thực thi pháp luật, soạn thảo mẫu hợp đồng, công tác có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quyết định của doanh nghiệp, công tác tham gia giải quyết các vụ việc dân sự, thương mại và thay đổi, bổ sung nội hàm công việc đối với lĩnh vực về xây dựng điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp và công tác xem xét khía cạnh pháp lý của các hợp đồng, thỏa thuận, công tác đánh giá việc thực thi pháp luật.
Đặc biệt, trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế tại EVN và các đơn vị thành viên cũng đặt ra những thách thức như: khối lượng hồ sơ, tài liệu thuộc lĩnh vực chuyên môn khác cần nghiên cứu để làm cơ sở cung cấp ý kiến tư vấn pháp luật lớn; phải tham gia thẩm định, có ý kiến về mặt pháp lý đối với các Hợp đồng, Thỏa thuận có thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài; một số hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng; chưa tận dụng được tối đa đội ngũ cán bộ pháp chế có trình độ chuyên môn cao vào các hoạt động chung của Tập đoàn…
Trước những yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, lãnh đạo các cấp, cán bộ làm công tác pháp chế trong EVN đã tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để đảm bảo huy động tối đa nguồn lực, đổi mới, chuyên nghiệp hóa trong mọi mặt công tác pháp chế trong toàn Tập đoàn.
Trong đó, EVN chú trọng nâng cao chất lượng và hình thức tư vấn pháp luật, có ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo hợp đồng, thỏa thuận; đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; xác định công tác tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời cần cũng tập trung rà soát, kịp thời báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được EVN chú trọng để đảm bảo sự chuyên nghiệp, giải quyết các bài toán trong công tác phổ biến, tuyên truyền, giao dục pháp luật cũng như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác pháp chế giữa các đơn vị.
Đổi mới, chuyên nghiệp hóa, đi đôi với các cơ chế chia sẻ nguồn lực
EVN đang nghiên cứu đề xuất cơ chế chia sẻ nguồn lực, nhân lực trong công tác pháp chế. Đơn cử, nhiều đơn vị trong Tập đoàn có kinh nghiệm, hệ thống dữ liệu thực tế nhiều (như EVNGENCO3, EVNSPC, EVNCPC,...) có thể chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị khác trong Tập đoàn; hay các đơn vị thành viên của EVN trải dài trên cả nước nên khi tham gia tố tụng hoặc giải quyết công việc khác, nếu có sự hỗ trợ của bộ phận pháp chế đơn vị địa phương sẽ đạt hiệu quả tốt hơn. Hoặc, trong công tác góp ý các văn bản quy phạm pháp luật, khi có cơ chế hỗ trợ, chia sẻ, các đơn vị sẽ có cơ hội trao đổi, tham mưu để đạt sự đồng thuận cao, cùng chung tiếng nói trong cùng một lĩnh vực. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng có thể chia sẻ, sử dụng chung các tài nguyên khác như các bài tuyên truyền, vận động, các sản phẩm công nghệ thông tin, các video clip tuyên truyền phổ biến pháp luật,… Việc chia sẻ tài nguyên, thông tin cần đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin, các quy định về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả.
EVN đang nỗ lực triển khai Đề án nâng cao năng lực, tổ chức hoạt động pháp chế trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
|
Tại Tọa đàm “Đổi mới, chuyên nghiệp hóa, xây dựng cơ chế hỗ trợ, chia sẻ nguồn lực, nhân lực công tác pháp chế trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” nhằm hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2024, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, đây là dịp quan trọng để nhắc nhở tất cả cán bộ, công nhân viên trong EVN về nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật, từ đó góp phần tạo nên một môi trường làm việc an toàn, hiệu quả, chuyên nghiệp, đưa EVN từng bước phát triển hiệu quả, bền vững.
Tổng giám đốc EVN cũng yêu cầu trong thời gian tới, Ban Pháp chế nói riêng và đội ngũ cán bộ pháp chế trong toàn Tập đoàn nói chung cần tiếp tục chú trọng, quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa công tác pháp điển hóa; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các quy chế quản lý nội bộ trong toàn EVN; tiếp tục đề xuất các giải pháp chi tiết nhằm đổi mới, chuyên nghiệp hóa từng hoạt động trong công tác pháp chế; xây dựng Chỉ thị về đổi mới, chuyên nghiệp hóa công tác pháp chế trong toàn Tập đoàn nhằm quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc đảm bảo các điều kiện, nguồn lực cho công tác pháp chế.
Tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao ý thức thượng tôn pháp luật là một trong các yếu tố quan trọng để Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Các hoạt động, đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của mỗi cá nhân, tạo nền tảng, điều kiện vững chắc cho mọi hoạt động của Tập đoàn, đặc biệt trong bối cảnh EVN và các đơn vị phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách.
Một số kết quả trong công tác pháp chế tại Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam:
- Xây dựng Cổng thông tin pháp chế
- Đưa vào sử dụng năm 2013
- Kênh thông tin chính thống tập hợp và trao đổi kiến thức, thông tin, kinh nghiệm về thực hiện công tác pháp chế nói chung, tuyên truyền các văn bản, quy phạm pháp luật nói riêng.
- Đến tháng 10/2024 có gần 4.300.000 lượt truy cập
- Xây dựng trang pháp điển quy chế Quản lý nội bộ
- Đưa vào sử dụng năm 2021
- Đăng tải, tra cứu, tìm kiếm tất cả các quy chế quản lý nội bộ (QCQLNB) của EVN và 9 tổng công ty. Cập nhật kịp thời các QCQLNB khi có sửa đổi, bổ sung thay thế.
- Đến 10/2024 có gần 40.000 lượt truy cập tìm kiếm, sử dụng.
- Liên kết đến trang Luatvietnam để tra cứu các văn bản pháp luật liên quan đến các quy định được đề cập, dẫn chiếu trong các QCQLNB.
- Hàng năm, tổ chức trên 2.000 lần tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, QCQLNB và các chuyên đề khác thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
- Xây dựng thư viện điện tử, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật cho người lao động, tập huấn kỹ năng tư vấn pháp luật.
- Về cải cách hành chính, từ ngày 01/01/2019, EVN đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử (EVNPortal) để gửi, nhận báo cáo từ các đơn vị nhằm số hóa và đơn giản hóa chế độ báo cáo định kỳ.
|