Nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nghị quyết đến cuộc sống

Quá trình phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Việt Nam có xuất phát điểm từ mức rất thấp, do đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh tàn phá kéo dài và những hạn chế kéo theo trong quản lý kinh tế. Trước thời kỳ đổi mới, công nghiệp luôn được đặt lên vị trí ưu tiên trong khi nông nghiệp chỉ được coi là lĩnh vực phối hợp thứ yếu. Trong quá trình đổi mới, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn từng bước được xác lập và được coi trọng. Điều này được thể hiện đặc biệt rõ nét kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Trải qua các kỳ đại hội Đảng vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng được nhận thức sâu sắc hơn, trên cơ sở đó Đảng ta đề ra các chủ trương, định hướng đúng đắn, phù hợp với tình hình và đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.

1. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ Khoán 10 đến Nghị quyết Trung ương 7 khoá X

Mốc son khởi đầu thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước được xác định là Ðại hội VI của Ðảng (tháng 12-1986). Những bước đi đầu tiên trong cải tiến cơ chế quản lý đã cho thấy sự xuất hiện sớm hơn của tư duy mới, cách làm mới trong lĩnh vực kinh tế, trong đó có Chỉ thị 100 (tháng 10-1981) của  Ban Bí thư Trung ương Ðảng về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, về thay đổi cách chỉ đạo, tổ chức sản xuất, quản lý hợp tác xã nông nghiệp, đã đem lại niềm phấn khởi và khí thế mới ở nông thôn, giải phóng sức sản xuất cho hàng triệu nông dân.

Trên cơ sở thắng lợi của cơ chế Khoán 100 (khoán đến nhóm và người lao động), ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 - NQ/TW về Ðổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp, trong đó xác định rõ vai trò của kinh tế hộ, coi hộ gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng ruộng đất...

Tác dụng của cơ chế Khoán 10 cùng với những thành tựu về thủy lợi, cải tạo giống, thâm canh tăng năng suất ở đồng bằng Bắc Bộ và mở rộng diện tích đất canh tác ở đồng bằng sông Cửu Long đã đưa nền nông nghiệp Việt Nam sang trang sử mới. Từ chỗ thiếu ăn triền miên, đến năm 1988 vẫn còn phải nhập khẩu hơn 450.000 tấn gạo, nhưng từ năm 1989, Việt Nam vừa bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ, vừa xuất khẩu gạo mỗi năm từ 1 đến 1,5 triệu tấn và tiến dần lên tới 4 đến 4,5 triệu tấn như hiện nay...

Các văn kiện Ðại hội lần thứ VI, VII, VIII,  IX của Ðảng và nhiều chỉ thị, nghị quyết hội nghị Trung ương trong các nhiệm kỳ đều thể hiện rõ chủ trương chiến lược nhất quán đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từng bước xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển toàn diện  kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tiến đến khẳng định thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn lên sản xuất lớn là  nhiệm vụ cực kỳ quan trọng cả trong trước mắt và lâu dài 1.

Ðại hội X của Ðảng đã nhấn mạnh "Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng"; "Ðẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân". Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bẩy (khoá X) đã ban hành Nghị quyết số 26 - NQ/TW, ngày 5/8/2008 "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" theo đó xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn.

Nghị quyết Trung ương Bẩy "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" được ban hành vào lúc nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đứng trước nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cả ở trong nước và từ kinh tế thế giới dội vào. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với 45 chương trình, đề án cụ thể. Các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã quán triệt nghiêm túc Nghị quyết, đề ra nhiệm vụ trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và có chương trình hành động cụ thể để thực hiện. Nhiều chương trình, đề án, chính sách sau khi ban hành đã được triển khai và đi vào cuộc sống.

Qua 13 năm thực hiện với 3 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn” gắn với triển khai các chương trình “xây dựng nông thôn mới”; “bảo tồn và phát triển làng nghề” “đào tạo nguồn nhân lực”; “phát triển kinh tế hợp tác” “Chương trình Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”… với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, như mở chuyên trang, chuyên mục, kênh truyền hình dành riêng, tuyên truyền lưu động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…đã tạo sự chuyển biến nhất định trên thực tế, nhất là trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đáp ứng cơ bản mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết đã đề ra, đời sống vật chất, tinh thần cư dân nông thôn đã được cải thiện.

2. “Chính sách tam nông” hiệu quả và hy vọng

Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” mà cả các nhà nghiên cứu và người dân thường gọi với cái tên ngắn gọn là “Chính sách tam nông” đã đi vào cuộc sống. Mặc dù còn nhiều vấn đề trăn trở gợi nên nhiều suy tư và hy vọng, tuy nhiên, cần khẳng định rằng kết quả thực hiện Nghị quyết đã rõ, những mục tiêu, định hướng, yêu cầu trong Nghị quyết được chứng minh qua kết quả thực hiện các lĩnh vực trong “Chính sách tam nông”.

- Về sản xuất nông nghiệp: Sau khi Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” được ban hành, mức đầu tư cho nông nghiệp tăng rõ rệt theo từng năm. Bên cạnh đó hằng năm Nhà nước còn bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, dịch bệnh…  Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn được ưu tiên, năm sau cao hơn năm trước. Nhìn lại 13 năm (2008 - 2021) thực hiện Nghị quyết, cơ cấu vốn đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn trong tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ của cả nước không ngừng tăng cao. Ngoài ra, hàng năm Nhà nước còn dành một khoản đáng kể để hỗ trợ khắc phục thiên tai, dịch bệnh; thực hiện chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp, cung cấp tín dụng ưu đãi, thực hiện các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn …Công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất có bước chuyển biến mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam, nổi bật là ứng dụng khoa học công nghệ trong tạo giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao như: cây ăn quả, cây công nghiệp (cà phê, điều, cao su).

Trong những năm qua, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng nông nghiệp nước ta vẫn tăng trưởng với tốc độ khá cao góp phần quan trọng giảm nhẹ tác động của suy giảm kinh tế ở nước ta. Cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch tích cực. Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn nên đã giảm được lao động nông nghiệp để chuyển sang các ngành phi nông nghiệp và dịch vụ ngay trên địa bàn nông thôn theo phương châm: “ly nông bất ly hương”.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2020 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020 đã đạt được những thành tích nổi bật như: (i) Tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 2,65%, gần bằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước; (ii) Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 41 tỷ USD, trong điều kiện khó khăn do thiên tai khốc liệt và đại dịch COVID-19 gây ra.

- Về xây dựng nông thôn mới:

Xây dựng nông thôn mới được tích cực triển khai, đã trở thành phong trào rộng khắp cả nước. Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia với 11 nội dung và 19 tiêu chí; thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia và bộ máy quản lý, điều hành Chương trình từ Trung ương đến địa phương; đã ưu tiên dành vốn ngân sách và ban hành nhiều cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực của xã hội vào thực hiện. Đồng thời triển khai cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”, phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được nâng cấp và phát triển đồng bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển, nhất là về thủy lợi, giao thông, điện, thông tin truyền thông, hạ tầng y tế, giáo dục, thương mại, nước sinh hoạt, văn hóa thể thao. Ngoài ra, nhiều địa phương đã có các giải pháp huy động vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, tạo cơ chế để người dân góp tiền, hiến đất và lao động trực tiếp để đầu tư xây dựng cầu đường, trường học, nhà ở…nhờ đó đã huy động thêm được nguồn lực vào quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hạ tầng giao thông nông thôn trong từ khi Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” ra đời đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư và đạt được kết quả rất quan trọng, đã có mạng lưới giao thông với các phương thức vận tải được phân bổ tương đối hợp lý trên khắp mọi miền đất nước, tạo ra sự liên hoàn từ quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã, đường thôn, bản. Việc đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy, phát triển sản xuất, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, trao đổi hàng hoá, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn.

Lưới điện trung và hạ áp tại các địa bàn nông thôn ngày càng được mở rộng mạng lưới cung cấp điện đến các huyện, xã thuộc các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Hệ thống chợ nông thôn từng bước đựơc quy hoạch hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua, bán của người dân. Trụ sở làm việc, nhà văn hoá xã, thôn, sân vận động, công viên…đã từng bước được đầu tư xây dựng khang trang góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới.

Hệ thống y tế nông thôn cũng được quan tâm đầu tư mở rộng và nâng cấp về chất lượng. hệ thống trường, lớp học ở địa bàn nông thôn ngày càng phát triển. Cùng với sự phát triển của hệ thống trường cấp xã, các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo phát triển, mở rộng đến cấp thôn.

Về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn từng bước được cải thiện. Mạng lưới thông tin văn hoá, thể thao và truyền thông nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh việc xây dựng các nhà văn hoá xã, hệ thống nhà văn hoá thôn, khu thể thao đã hình thành và phát triển nhanh tạo diện mạo cho một nông thôn mới với đời sống văn hoá phong phú, đa dạng nhưng vẫn giữ được bản sắc của mỗi vùng miền, thôn, xóm.

Việc phát triển nghề truyền thống và làng nghề thời gian qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ở nông thôn, giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X.

Với nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, đến cuối năm 2020: (i) Trên 62% số xã trong cả nước đã đạt chuẩn nông thôn mới; (ii) 12 tỉnh, thành có toàn bộ số xã đạt chuẩn.

- Về nâng cao đời sống dân cư nông thôn:

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thu nhập của người dân tiếp tục được tăng lên. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm, chất lượng nguồn nhân lực nông thôn ngày càng được nâng cao thông qua việc triển khai các chương trình quốc gia như: Triển khai chính sách tín dụng lãi suất thấp cho hộ cận nghèo; nâng mức hỗ trợ mệnh giá bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo lên 100%; Chương trình Quốc gia 135; Nghị quyết 30A…; Thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, theo đó,  tổng kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách nhà nước dự kiến là 25.980 tỷ đồng, gồm:

- Kinh phí dạy nghề lao động nông thôn: 24.694 tỷ đồng;

- Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã: 1.286 tỷ đồng.

Qua quá trình thực hiện Đề án, về cơ bản đã đạt được mục tiêu mà đề án đề ra: Bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng trên 100.000 lượt cán bộ, công chức xã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được hoàn thiện. Hộ nông dân vẫn là chủ lực, kinh tế trang trại phát triển nhanh, hiệu quả; kinh tế hợp tác có đổi mới, phát triển đa dạng. Sản xuất gắn kết hơn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hệ thống chính trị nông thôn được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn cơ bản được bảo đảm.

Việc thực hiện thành công Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg cùng với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 của Chính phủ và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015-2020 đã thực sự khẳng định thành công chủ trương lớn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung  ương 7.

3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam chung tay cùng cả nước đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Đảng uỷ Tập đoàn và cấp ủy các cấp xác định Nghị quyết về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” là Nghị quyết hết sức quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công  nhân viên trong toàn ngành về vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, Đảng uỷ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành kế hoạch số 05-KH/ĐU ngày 17/10/2008 về việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng nông thôn mới tới các cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng trực thuộc với những hình thức đa dạng, phong phú.  Phát động các phong trào thi đua, như “ Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với việc thực hiện Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện các phong trào “ Đưa điện về nông thôn” “ Đưa ánh sáng về nông thôn” ”Chung tay cùng cả nước Vì người nghèo”...tại các cấp uỷ đảng và tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên.

Sau 13 năm triển khai Nghị quyết Trung ương Bẩy về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” Đảng bộ Tập đoàn đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra. Cụ thể:

- Góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, góp phần xây dựng và phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại:

Soi trứng (Ảnh: Đoàn Ngọc Ấn)

Đưa điện về bản ở Hà Giang (Ảnh: Trần Minh Thành)

Công nhân Điện lực Trường Sa – CTĐL Ninh Thuận bảo trì thiết bị trên Nhà giàn DK1 (Ảnh: Trần Duy Tình)

Thắp điện tăng năng suất cây Thanh Long (Ảnh: Lò Văn Hợp)

Điện với nghề nuôi tôm (Ảnh: Nguyễn Xuân Tư)

Năm 2011, là năm đầu tiên EVN thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để xử lý linh hoạt về giá bán điện đối với những vùng khó khăn, hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, gia đình chính sách,..... thường xuyên sử dụng điện dưới 50kWh/tháng. Đảng uỷ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực niêm yết thông tin  tại tất cả các điểm giao dịch với khách hàng, công bố trên trang Web, báo, đài truyền hình, đài phát thanh tại địa phương (đến cấp xã, phường) về thủ tục, địa điểm và thời hạn tiếp nhận đăng ký mua điện theo mức giá áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp. Các Tổng công ty Điện lực đã thực hiện nhiều biện pháp để tổ chức đăng ký và quản lý tốt trong quá trình thực hiện đối với các hộ có mức sử dụng thường xuyên dưới 50kWh/tháng góp phần một mặt đảm bảo thực hiện đúng chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Chương trình thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới (2009-2011) theo chỉ đạo của Ban Bí thư, căn cứ nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và của Bộ Công Thương tại văn bản số 5301/BCT-CNĐP ngày 09 tháng 6 năm 2009 hướng dẫn thực hiện (tiêu chí số 4 - trong bộ tiêu chí Quốc gia yêu cầu: “Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn (chỉ tiêu chung phải đạt 98%)”) đối với các xã thí điểm xây dựng nông thôn mới, EVN đã hướng dẫn và chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực/Công ty Điện lực nghiêm túc tổ chức thực hiện. Kết quả, hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện tại các xã đã được các Tổng Công ty Điện lực/Công ty Điện lực đầu tư nâng cấp, cải tạo theo các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành.

Tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2011 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu: “(i) Đến năm 2015: 20% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới; (ii) Đến năm 2020: 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới”. Tiếp tục thực hiện phát triển điện nông thôn đáp ứng theo tiêu chuẩn nông thôn mới: căn cứ nội dung quy hoạch hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, ... EVN đã ưu tiên bố trí nguồn vốn Ngân sách, ODA, nguồn vốn vay ưu đãi trong nước, xây dựng hệ thống cung cấp điện cho phù hợp, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu, có chất lượng, đồng thời tránh lãng phí nguồn điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

 Tham gia đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với việc phát triển các đô thị và thị trấn, thị tứ. Hầu hết các xã có hệ thống lưới điện quốc gia; hệ thống tưới tiêu, xả nước phục vụ đổ ải cho các vụ mùa luôn được Tập đoàn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện đều đặn, thường xuyên. Hàng năm, Tập đoàn lập kế hoạch xả nước phục vụ nông nghiệp với tổng mức xả hàng nghìn m3 nước, đã góp phần vào sự phát triển sản xuất nông nghiệp. Hàng năm EVN đã bố trí hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư và hoàn trả vốn cho lưới điện nông thôn.

Công tác đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi tiếp tục được chú trọng, đặc biệt tạikhu vực chưa có điện. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, năm 2020, các đơn vị đã chủ động thu xếp các nguồn vốn (vốn vay thương mại, vốn tự có) với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng để cấp điệncho gần 14.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai,Quảng Ninh, Thái Nguyên, Kon Tum, Bạc Liêu... EVN cũng phối hợp với UBND tỉnh đã hoàn thành dự án Cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho xã đảo Nhơn Châu (Bình Định), dự án Cấp điện bằng cáp ngầm cho đảoTrần (Quảng Ninh); hoàn thành về cơ bản công tác đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống cấp điện tại huyện đảo Trường Sa,nhà giàn DK1 giai đoạn 2 và 3, đáp ứng nhu cầu điện phục vụ đời sống của cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên huyện đảo; triển khai đầu tư dự án Cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Quảng Ninh). Tính đến cuối năm 2020, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụngđiện đạt 99,54%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,30%.

- Góp sức cùng toàn xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn.

Thắp sáng ước mơ (Ảnh: Đỗ Tuấn Ngọc)

Lớp học vi tính vùng biên giới (Ảnh: Ngô Huy Tịnh)

Song song việc đầu tư cải tạo phát triển đưa điện về nông thôn, để nâng cao chất lượng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cư dân nông thôn, người dân nông thôn được hưởng đúng giá điện theo quy định của Chính phủ, từ năm 2000, EVN tổ chức thực hiện Chương trình tiếp nhận và hoàn trả vốn lưới điện trung áp nông thôn trên phạm vi cả nước. EVN đã tiếp nhận gần 30.000 công trình, tổng cộng số tiền EVN đã hoàn trả cho các địa phương gần 800 tỷ đồng. Thực hiện chương trình này EVN đã được tặng Cờ thi đua của Chính phủ và Bộ Công nghiệp.

Theo đó là chương trình tiếp nhận lưới điện trung áp thủy nông quốc doanh và tiếp nhận hệ thống điện của các nông, lâm trường: EVN đã tiếp nhận 12.000 km đường dây trung áp và 2.000 trạm biến áp, với 65.200 hộ của các nông, lâm trường; với tổng giá trị còn lại của tài sản bàn giao là 120 tỷ đồng.

Tập đoàn thực hiện công tác an sinh xã hội và Nghị quyết 30a của Chính phủ thông qua các hoạt động cụ thể như: Thực hiện các dự án cấp điện cho các hộ vùng sâu, xa  tại các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Điện Biên, Sơn La…là 335,9 tỷ đồng; ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” (Trà Vinh, Hà Giang….): 110 tỷ đồng; công tác nhân đạo, từ thiện xã hội khác (thiên tai, lũ lụt...): 1.233 lần/ 63,750 tỷ đồng; xây dựng nhà mái ấm công đoàn: 81 nhà/ 3,730 tỷ đồng; hỗ trợ cán bộ, CNVC, người lao động có hoàn cảnh khó khăn: 105.698 người/ 51,734 tỷ đồng. Hỗ trợ 03 huyện nghèo (Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ) tỉnh Lai Châu theo Nghị quyết 30a của Chính phủ với tổng số kinh phí đã hỗ trợ: 107,268 tỷ đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh, tặng quà, ủng hộ quần áo, chăn màn, tủ sách, đồ dùng học tập cho học sinh các huyện nghèo trị giá 0,728 tỷ đồng. Với những hoạt động thiết thực, bước đầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã góp phần làm thay đổi “bức tranh” về hạ tầng cơ sở, nhà ở, đời sống người dân ở nông thôn…, tạo được sức bật cho các huyện nghèo; tạo điều kiện cho nhân dân cải thiện một phần điều kiện sản xuất, cơ sở hạ tầng được cải tạo, xây dựng tốt hơn, do đó làm thay đổi bộ mặt của các huyện còn khó khăn, thiếu thốn; tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng, Chính phủ. Đồng thời thể hiện được tình thương yêu, đồng cảm, tương thân, tương ái mang đậm tính nhân văn, tính dân tộc sâu sắc, nâng cao được trình độ dân trí cho nhân dân. Qua đó nhân dân được “an cư” để “lập nghiệp”, sức khỏe của người dân được chăm sóc tốt hơn, tạo điều kiện cho nhân dân bám đất, bám làng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống, góp phần cho nhân dân phòng chống các tệ nạn, giữ vững được trật tự xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia, nhất là vùng các dân tộc thiểu số và biên giới.

Tóm lại: Nghị quyết “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” ra đời trên cơ sở nhìn lại hơn 20 năm thực hiện đường đối đổi mới của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực trạng vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ năm 2000 đến nay, Đảng ta nhận thấy quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối và các nghị quyết của Đảng đã phản ánh rõ tiến trình liên tục phát triển và hoàn thiện của Ðảng, Nhà nước và toàn xã hội cả về tư duy, nhận thức, cơ chế, chính sách và các giải pháp đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Quá trình đó cũng góp phần khẳng định rằng: Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nông dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó chính nông dân là lực lượng hùng hậu nhất đi theo Ðảng, đóng góp vô cùng to lớn về tinh thần và sức lực, tính mạng và của cải, vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Trên cơ sở những kết quả đạt được từ việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khoá X, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục đưa ra những quan điểm chỉ đạo đối với vấn đề nông  nghiệp, nông dân, nông thôn, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là: Có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp và Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030: Phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ... Với tinh thần đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tổ chức thực hiện để Nghị quyết Trung ương Bẩy về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước./.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã nhấn mạnh vai trò hàng đầu của nông nghiệp trong việc đáp ứng những yêu cầu cấp bách về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu sản xuất, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Phấn đấu đưa nông nghiệp trở thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá Xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII chỉ rõ: “Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện nền kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội”.

Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng tiếp tục phát triển nội dung công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nhằm từng bước nâng cao đời sống nông dân. Theo đó, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn lên sản xuất lớn là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng cả trước mắt và về lâu dài. Gắn công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn với thực hiện dân chủ hoá, tạo sự phân công lao động mới, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng, trước yêu cầu phải rút ngắn thời gian tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đã tiếp tục bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn mới. Nghị quyết chỉ rõ: Chú trọng điện khí hoá nông thôn, phát triển mạnh công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu, cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghiệp gia công và dịch vụ; liên kêt nông – công nghiệp - dịch vụ trên từng địa bàn trong cả nước.

    


  • 08/11/2021 08:26
  • Ban Truyền thông Tập đoàn Điện lực Việt Nam
  • 23171