Phát triển năng lượng tái tạo và thái độ của một số quốc gia

Những trận động đất, sóng thần, bão lụt… trên thế giới liên tiếp xảy ra trong năm 2012, đặc biệt là hơn 130 đám cháy đã hoành hành tại bang New South Wales (Úc) đầu năm 2013, buộc lãnh đạo các quốc gia trên thế giới phải hối thúc phát triển mạnh mẽ hơn nữa các nguồn năng lượng tái tạo, thay thế dần nhiên liệu hóa thạch.

(Ảnh minh họa)

Theo ông Thomas Kerr - người chủ trì cuộc họp về biến đổi khí hậu tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEFS) diễn ra cuối tháng 1/2013 tại Davos – Thụy Sĩ, việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Chỉ tính riêng trong năm 2011, khoảng 257 tỷ USD đã được đổ vào các dự án năng lượng tái tạo trên thế giới.

Tuy nhiên, “với mức đầu tư này là chưa đủ, việc khai thác nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu vẫn còn cao hơn nhiều so với năng lượng tái tạo”, ông Thomas Kerr khẳng định. Trung bình mỗi năm, biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại cho gần 400.000 người, chiếm 1,2 nghìn tỷ đô la Mỹ chi phí của thế giới và 1,6% GDP/năm của toàn cầu.

Vì vậy, nếu không có thêm các hành động quyết liệt hơn nữa, các nhà khoa học dự đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 4 độ nữa vào cuối thế kỷ này, dẫn đến một loạt các tác động tàn phá, bao gồm sóng thần, bão nhiệt đới, dự trữ lương thực giảm và sự gia tăng mực nước biển gây ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người. Đến năm 2030, chi phí xử lý biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí sẽ tăng lên đến 3,2% GDP toàn cầu.

Nhận ra những nguy cơ đó, lãnh đạo một số quốc gia trên thế giới đã chia sẻ quan điểm và trách nhiệm của quốc gia mình trong việc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hóa thạch.

Tổng thống Mỹ - Barack Obama: Mỹ sẽ là nước tiên phong trong việc phát triển nguồn năng lượng bền vững

Một số người vẫn chối bỏ phán quyết mạnh mẽ của giới khoa học, song không ai có thể tránh hậu quả thảm khốc của hỏa hoạn, hạn hán và những cơn bão mạnh. Con đường tới những nguồn năng lượng bền vững sẽ dài và đôi khi khó khăn, nhưng nước Mỹ không thể kháng cự quá trình chuyển tiếp đó. Mỹ sẽ là nước tiên phong trên con đường phát triển nguồn năng lượng bền vững và chống biển đối khí hậu.

Tổng thống Pháp - Francois Hollande: Thay đổi nguồn năng lượng là trách nhiệm của toàn thế giới

Sự thất bại của các dự án phát triển năng lượng tái tạo sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với năng lượng hóa thạch và đẩy giá mặt hàng này lên cao, đồng thời cũng làm gia tăng những nguy cơ từ hiện tượng ấm nóng toàn cầu. Vì vậy, mục tiêu trong năm 2013, mức đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo cần được đẩy lên 300 tỷ USD và thành lập quỹ chung cho phát triển năng lượng tái sinh. Đây là nhiệm vụ chung của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới.

Tổng thống Argentina - Christina Fernandez de Kirchner: Không thể cào bằng đóng góp của tất cả các quốc gia cho quỹ phát triển năng lượng tái sinh

Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chia sẻ trách nhiệm đóng góp cho quỹ phát triển năng lượng tái sinh, nhưng không dựa trên cơ sở “cào bằng”. Nhóm đóng góp chính phải là các nước có nền kinh tế phát triển, do lượng khí thải từ sử dụng năng lượng của những nước này cao hơn nhiều so các nước nghèo, đồng thời các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe chỉ chịu trách nhiệm 5% cho lượng khí thải độc hại.

37 quốc gia đã cung cấp thông tin cho việc xây dựng tấm bản đồ đầu tiên trên thế giới về tiềm năng năng lượng tái tạo. Đây sẽ là công cụ hỗ trợ hữu ích trong những nỗ lực của quốc tế nhằm tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo vào năm 2030, chiếm khoảng 30% năng lượng toàn cầu - ông Adnan Amin – Giám đốc Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế IRENA

 

 


  • 13/03/2013 08:04
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 3209


Gửi nhận xét