Phát triển nhiệt điện than: Phải gắn với an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường

Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2030 nguồn nhiệt điện than chiếm khoảng 53% tổng sản lượng điện. Vậy phát triển nhiệt điện than có phải là hướng đi tất yếu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và làm thế nào, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa bảo vệ môi trường sống? Sau đây là ý kiến của một số chuyên gia.

Ông Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam:

Nhiệt điện than xử lý môi trường tốt

Nhìn vào tổng cung năng lượng, Việt Nam không còn con đường nào khác là phát triển nhiệt điện than bởi thủy điện cơ bản đã khai thác hết tiềm năng, khí, dầu có giá thành cao, nhập khẩu điện cũng bị dư luận phản đối. 

Tôi cho rằng, bất kỳ ngành sản xuất công nghiệp nào cũng gây ô nhiễm môi trường, vấn đề chúng ta phải xử lý ô nhiễm như thế nào. Trong các nhà máy công nghiệp sử dụng than, nhiệt điện than là một trong những nhà máy sử dụng công nghệ bảo vệ môi trường tốt nhất. Hiện nay, tất cả các nhà máy nhiệt điện của chúng ta đều có bộ lọc bụi tĩnh điện, khử lưu huỳnh hay NOx, SOx.

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn về tro xỉ dùng làm nền đường giao thông, làm vật liệu xây dựng. Lượng tro xỉ hiện nay nếu sử dụng làm nền đường giao thông cũng mới đáp ứng được khoảng ¼ khối lượng. Nếu làm gạch thì 20 triệu tấn tro xỉ một năm cũng chỉ sản xuất tối đa 12 tỷ viên gạch, trong khi đến năm 2030 chúng ta cần tới 40 tỷ viên. Trước nhu cầu lớn và khả năng đáp ứng thấp như vậy, có thể nói, vấn đề tro xỉ nhiệt điện than cơ bản đã được giải quyết. 

Ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: 

Phát triển nhiệt điện than là cần thiết

Vấn đề an ninh năng lượng và phát triển kinh tế đất nước gắn kết chặt chẽ với nhau. Một nền kinh tế kém phát triển sẽ rất khó bảo đảm tốt vấn đề an sinh xã hội. An ninh năng lượng với môi trường, sức khỏe có sự gắn bó mật thiết. Chúng ta không thể hy sinh bất kỳ vế nào.

Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải thống nhất là, phải bảo đảm an ninh năng lượng, còn cách thức đi như thế nào phải có lộ trình. Với khả năng của Việt Nam hiện nay, chưa thể tìm nguồn năng lượng khác thay thế nhiệt điện than. Ngoài ra, những nguồn năng lượng khác rất đắt và có những yêu cầu phức tạp về kỹ thuật khi vận hành. 

Ông Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương): 

Không thể thay thế nhiệt điện than 

Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2030 sẽ có 55.000 MW nguồn nhiệt điện than (sản lượng khoảng 372 tỉ kWh). Với đặc thù của Việt Nam, về cơ cấu nguồn, nhiệt điện than chiếm khoảng  53% tổng sản lượng điện là phù hợp. Như vậy, nhiệt điện than là vô cùng quan trọng, góp phần quan trọng trong an ninh năng lượng quốc gia.

Nhiệt điện than hiện nay đang là cốt lõi, nhưng tương lai xa vẫn đóng vai trò chủ đạo. Nhìn tổng thể về giá thành sản xuất và độ ổn định vận hành của nhiệt điện than không có loại hình năng lượng nào có thể so sánh với nhiệt điện than. 


  • 24/01/2019 09:46
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 20259