Theo đó, Bộ Trưởng cho biết đã giao cho các đơn vị thuộc Bộ và EVN rà soát, đánh giá nhu cầu phụ tải để lập kế hoạch đầu tư nâng cấp lưới điện phục vụ sản xuất công nghiệp và cân đối nguồn vốn cho chương trình cấp điện nông thôn của tỉnh Thái Nguyên, trong đó tập trung đầu tư hệ thống trạm biến áp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bản tỉnh.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tích cực vận động, tìm kiếm nguồn lực, nhất là nguồn vốn ODA cho chương trình cấp điện nông thôn trong cả nước, trong đó, ưu tiên nguồn vốn cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng sâu, xa, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. “Trên cơ sở các cam kết tài trợ của các đối tác, Bộ Công Thương đang xem xét, điều chỉnh và cân đối nguồn vốn để cấp cho các địa phương thực hiện chương trình quan trọng này” – Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Sở Công Thương Thái Nguyên làm việc với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) để xem xét cụ thể việc điều chỉnh về quy mô, hạn mức đầu tư các dự án cấp điện nông thôn trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để cân đối nguồn vốn.
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cho biết, trong những năm gần đây, cùng với kết quả thu hút đầu tư rất khả quan vào lĩnh vực công nghiệp, số lượng các doanh nghiệp công nghiệp, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất công nghiệp tăng nhanh.
Tuy nhiên, hệ thống truyền tải điện, các trạm biến áp… hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, tỉnh mong muốn Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ địa phương để đáp ứng yêu cầu điện cho sản xuất, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp mới như Yên Bình, Điềm Thuỵ và Sông Công 2.