Dự hội nghị có Phó Cục trưởng – Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Trịnh Văn Thuận; đại diện Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương; lãnh đạo, CBCNV các đơn vị khối điện lực, truyền tải trong Tập đoàn tham gia hội nghị từ các điểm cầu trực tuyến.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải chủ trì hội nghị.
Không ngừng nâng cao độ tin cậy cung cấp điện
Trưởng ban Kỹ thuật Sản xuất EVN Lê Việt Hùng cho biết, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị thực hiện Đề án giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2021-2025; thường xuyên theo dõi, quản lý công tác giảm tổn thất điện năng qua các cuộc giao ban tuần, tháng, kịp thời chỉ đạo các đơn vị kiểm tra xử lý các bất thường.
Kết quả, năm 2023, tổn thất điện năng lưới điện phân phối đã được cả 5 tổng công ty (TCT) điện lực thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giao. Trong toàn Tập đoàn, tổn thất điện năng cả năm 2023 của toàn EVN là 6,05%, giảm 0,10% so với kế hoạch năm và giảm 0,20% so với năm 2022.
Việc tự động lưới điện cũng đã được Tập đoàn quan tâm đẩy mạnh. Năm 2023, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã hoàn thành chuyển 9 TBA 220kV sang hình thức không người trực. Như vậy đến nay, toàn Tập đoàn đã có 99,6% trạm biến áp 220-110kV không người trực.
Đối với khối phân phối, Tập đoàn đánh giá, EVNHCMC, EVNCPC là hai đơn vị thực hiện tốt công tác tự động hoá lưới điện.
Trong thời gian qua, các đơn vị trong toàn Tập đoàn cũng đã nỗ lực nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Nhiều đơn vị có kết quả thực hiện tốt, tại EVNNPC, EVNCPC, EVNHANOI, suất sự cố trên lưới điện năm 2023 đã giảm sâu. Trong đó, đáng chú ý, việc áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo tình trạng vận hành (CBM) được coi là một trong những giải pháp trọng tâm giúp các đơn vị ngăn ngừa sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải chủ trì hội nghị
|
Hiệu quả từ ứng dụng phương pháp CBM
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Trịnh Văn Thuận đánh giá cao EVN đã không ngừng ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý vận hành lưới điện. Trong đó, CBM đã mang lại hiệu quả lớn; góp phần giúp giảm số sự cố trên lưới điện, giảm chi phí bảo dưỡng;…
Thực hiện sửa chữa bảo dưỡng theo CBM giúp đơn vị đánh giá được tình trạng vận hành của thiết bị một cách khoa học, phát hiện các khiếm khuyết để kịp thời có phương án xử lý phù hợp, góp phần ngăn ngừa sự cố, kéo dài tuổi thọ thiết bị, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, từ năm 2019 EVN đã triển khai dự án tư vấn về CBM và đến giai đoạn 2020 – 2021, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty ban hành các hướng dẫn chi tiết để áp dụng vào toàn bộ lưới điện phân phối và truyền tải.
Thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh áp dụng sửa chữa bảo dưỡng theo phương pháp CBM, trong đó chú trọng vào việc rà soát, nâng cao chất lượng đánh giá tình trạng thiết bị; yêu cầu các đơn vị tiếp tục đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho CBNV.
Tập đoàn cũng kiến nghị Bộ Công Thương cho phép các đơn vị của EVN áp dụng công tác sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến (RCM/CBM) được điều chỉnh chu kỳ thí nghiệm/kiểm định các thiết bị phù hợp với tình trạng thiết bị hệ thống điện.