Sức khỏe tâm thần nhân viên, đừng xem nhẹ

15:25, 04/01/2024

Một cá nhân hạnh phúc sẽ là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp tăng năng suất làm việc hiệu quả.

Theo một điều tra gần đây, 42% người lao động tại Việt Nam thường xuyên gặp căng thẳng, 22% công nhân cho biết cuộc sống cá nhân và gia đình là nguyên nhân chính gây căng thẳng tại nơi làm việc. Chỉ có 15% người sử dụng lao động trong nước ưu tiên phúc lợi của người lao động.

Mô hình cũ của doanh nghiệp truyền thống luôn tối ưu hóa nguồn lực, còn nhân viên thì tìm cách để trở thành nhân sự xuất sắc nhất công ty. Mô hình này không mang đến hạnh phúc cho nhân viên và sự bền vững cho doanh nghiệp. Nó mang đến doanh thu, lợi nhuận, mức lương cao nhưng không giải quyết được các vấn đề về sức khoẻ tầm thần.

Ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần đến từ đâu?

Tại phiên thảo luận về chủ đề chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho người lao động do Đại sứ quán Vương quốc Bỉ và Beluxcham phối hợp với Doanh nghiệp Xã hội Tâm Nhung tổ chức, TS. Steven Phạm cho biết, chúng ta đang sống trong thời đại VUCA (Volatility - Biến động, Uncertainty - Không chắc chắn, Complexity - Phức tạp, Ambiguity - Mơ hồ). Tại các doanh nghiệp, nhân viên phải chạy doanh số KPI đối mặt với tình hình kinh tế “đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu” trong 5 người thì đã có 3 người là gặp vấn đề về áp lực doanh thu. Yếu tố về môi trường cũng tác động vào sức khoẻ tâm thần của con người. Ông Steven ví dụ, học tập và làm việc ở TP.HCM là môi trường cạnh tranh rất khốc liệt.

Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022 về vấn đề sức khoẻ tâm thần tại nơi làm việc, Trên toàn cầu, mỗi năm có khoảng 12 tỷ ngày làm việc bị thất thoát do trầm cảm và lo lắng, gây thiệt hại 1.000 tỷ USD mỗi năm về năng suất lao động.

Theo Deloitte (2023) nghiên cứu sức khoẻ tâm thần và người sử dụng lao động, đưa ra ba nguồn cơn ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần tại nơi làm việc. Thứ nhất, có thể đến từ “Stress” khi cấp trên đưa ra những yêu cầu và áp lực không tương xứng với khả năng của nhân viên. Thứ hai là “Presenteeism” - là thuật ngữ chỉ hành vi ở lại làm việc lâu hơn bình thường hoặc đi làm dù không đủ khỏe nhằm chứng tỏ sự hiện diện và cống hiến, vô hình trung trở thành áp lực cho không ít nhân viên văn phòng.Thư ba, đến từ “Absence”, thường vắng mặt mà không có thông báo trước, gây khó khăn cho đồng nghiệp khi phải gánh luôn phần việc của nhân viên vắng mặt và tạo ra sự không chắc chắn trong quá trình phân công công việc. Tỷ lệ hoặc hiện tượng này cao thể hiện sức khỏe không tốt của doanh nghiệp và nhân viên.

Sức khoẻ tâm thần người trẻ cũng cần được quan tâm vì đây là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến lực lượng lao động. Chính vì những vấn đề không được bày tỏ và lắng nghe, các em mang cảm xúc đó về nhà và trút lên gia đình. Những cảm xúc tiêu cực của con cái tác động lên cha mẹ, cha mẹ lại lây lan vấn đề đó đến môi trường doanh nghiệp.

Bà Lesley Miller - Phó đại diện UNICEF Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc cũng cho biết, mỗi năm ước tính mất khoảng 390 tỷ USD để giải quyết vấn đề về sức khoẻ tâm thần ở người trẻ. Những vấn đề sức khỏe tâm thần trong vòng đời của con người bắt đầu nhiều nhất từ độ tuổi 14. Nếu đầu tư giải quyết vấn đề sức khoẻ tâm thần cho giới trẻ có thể phòng ngừa một cách hiệu quả và xây dựng trạng thái sức khoẻ tâm thần của cả một thế hệ tương lai.

Nghiên cứu tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho thấy 40% áp lực của công nhân viên đến từ vấn đề gia đình, đến từ con cái và gặp vấn đề trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Để xây dựng một môi trường làm việc hạnh phúc

Mỗi doanh nghiệp nên dựa vào tình hình thực tế để xây dựng văn hoá riêng, ví dụ như Unilever lập nên chương trình “Thắp sáng” nhằm theo dõi sức khoẻ tâm thần của nhân viên trong công ty và nắm bắt nhu cầu của nguồn nhân lực điều chỉnh cho phù hợp, từ đó giữ chân người tài.

Theo báo cáo của một tổ chức nhân sự quốc tế thì 70-80% nhân viên nghỉ việc xuất phát từ các mối quan hệ đồng nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp muốn xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc, thúc đẩy sự phát triển bền vững thì phải đi từ sự yêu thương, sự quan tâm lẫn nhau. Xây dựng văn hoá cởi mở để nhân viên có thể thổ lộ những vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần, tạo nền tảng để công ty thành công, nhân viên hạnh phúc.

Văn hóa của doanh nghiệp và văn hoá của mỗi cá nhân cần có sự giao thoa. Điểm này được xây dựng từ nhận thức về bản thân, quản lý bản thân, nhận thức xã hội, quản lý các mối quan hệ và bao gồm 12 thành tố khác cấu thành nên trí tuệ cảm xúc. Đối với mỗi một cá nhân muốn vượt qua những vấn đề về sức khoẻ tâm thần sẽ bắt đầu từ chỗ nhận diện cảm xúc của mình, đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu.

Khảo sát sức khoẻ tâm lý làm việc ở Mỹ năm 2023 về việc nhân viên cần hỗ trợ gì của công ty đối với vấn đề sức khỏe tinh thần, cho thấy, 44% chia sẻ cần giờ làm việc linh hoạt, 34% mong muốn có văn hóa tôn trọng giờ nghỉ của nhân viên, 33% yêu cầu được làm việc từ xa và đảm bảo sẽ hoàn thành công việc của công ty dù ở bất kỳ nơi nào, 31% chỉ muốn làm việc 4 ngày trong tuần để đảm bảo sức khỏe tâm thần.

Với bà Nguyễn Thị Mỹ Vân - Giám đốc Nhân sự Công ty Merk Healthcare Vietnam, mọi thứ đều bắt nguồn từ “Self”, chính bản thân mỗi người sẽ quyết định có hạnh phúc trong cuộc sống và công việc hay không. Và mỗi khi công ty đưa ra chính sách đều phải quan tâm đến nhân viên, rằng họ có thích hay không, phải làm sao để nhân viên thấu hiểu. Đồng thời phải tổ chức workshop, team building để nhân viên cảm thấy hữu ích, muốn gắn bó và muốn cống hiến cho công ty.

Theo nhà tâm lý học - TS. Bùi Hồng Quân, để xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc thì chủ doanh nghiệp cần đầu tư vào phúc lợi đối với người lao động. Khi đầu tư một đồng cho sức khoẻ tâm thần sẽ đem lại lợi ích 5 đồng. Khi bỏ tiền đầu tư giúp người lao động hạnh phúc hơn thì bản thân doanh nghiệp cũng sẽ tăng được lợi nhuận. Vì khi sức khoẻ tinh thần của nhân viên thoải mái, họ sẽ làm việc một cách hiệu quả và sáng tạo.

Tiêu chuẩn ESG với ba trụ cột: môi trường, xã hội và quản trị không còn là phong trào mà hiện nay được xem như chìa khoá phát triển trong mọi lĩnh vực. Một trong các khía cạnh này là Social (xã hội), sức khoẻ tâm thần của lực lượng lao động cũng là vấn đề xã hội doanh nghiệp cần chú trọng trong tầm nhìn phát triển dài hạn. Chú trọng đến Mental Health - sức khoẻ tâm thần giúp doanh nghiệp trở nên khác biệt so với những doanh nghiệp khác, cũng là một trong những yếu tố giúp giữ chân nhân tài.

Link gốc


Theo doanhnhansaigon.vn

Share