TP.HCM: Khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch

TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, biện pháp khuyến khích đầu tư, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để góp phần giảm khí thải nhà kính, thực hiện tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Trung bình hàng năm TP.HCM tiêu thụ khoảng 22 tỷ kWh điện năng, chiếm khoảng 15% so với cả nước. Trong bối cảnh thực hiện định hướng phát triển thành phố thông minh cần phải bao gồm khả năng giải quyết các thách thức về môi trường, trong đó giải pháp đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng.

Đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy, tổng công suất năng lượng tái tạo trên địa bàn tính đến thời điểm hiện nay là 35,4 MW, so với nhu cầu phụ tải lớn nhất toàn thành phố là 3.575 MW. Ngoài ra, Thành phố không có nhiều diện tích đất cũng như địa hình phù hợp để phát triển các công trình sản xuất điện quy mô lớn như thủy điện hay nhiệt điện, điện hạt nhân. Mô hình điện gió cũng không thích hợp với TP.HCM do cần nhiều diện tích và lắp đặt phức tạp. Vì thế phát triển năng lượng mặt trời và tiết kiệm năng lượng là hướng đi TP.HCM nên lựa chọn.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, giai đoạn 2011 - 2017, Thành phố đã tiết kiệm được 3.100 triệu kWh điện, góp phần giảm trên 2.039 triệu tấn CO2. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo thì Thành phố phát triển còn chậm, chủ yếu là máy nước nóng năng lượng mặt trời. Nguồn phát điện từ năng lượng mặt trời còn chưa đáng kể, do giá thành đầu tư cao, trong khi giá bán điện chưa được nhà nước hỗ trợ.

Hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng 17.340 bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, góp phần cắt giảm được công suất hệ thống lưới điện khoảng 31 MW. Đối với điện mặt trời, hiện công suất lắp đặt pin mặt trời trên địa bàn thành phố ước đạt 2 MWp (có 1.838,2 kWp đã nối lưới); trong đó phân bố ở các tòa nhà cơ quan và DN 1.607,2 kWp (chiểm 87,5%), hộ gia đình 231 kWp (12,5%).

Từ tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Quyết định này cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ sự đầu tư vể các dự án điện mặt trời và đặc biệt là dự án điện mặt trời trên mái nhà. Sau khi Quyết định được ban hành, Sở Công Thương TP.HCM đã làm việc với Tổng công ty Điện lực TP.HCM nhằm hỗ trợ người dân, DN trong việc ký hợp đồng mua điện, điểm đầu nối, cấp đồng hồ đo đếm 2 chiều... Đến nay, trên địa bàn đã có 274 khách hàng lắp đặt điện mặt trời nối lưới với tổng công suất là 3,6 MWp,  trong đó 245/274 khách hàng đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành Điện đã được kiểm tra thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật nối lưới và gắn điện kế 2 chiều.

Nghiên cứu của của cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, năng lượng tái tạo đang chiếm 2/3 các nguồn năng lượng mới. Trong đó năng lượng mặt trời dẫn đầu với khoảng 50% trong tổng số năng lượng tái tạo. Dự báo trong 5 năm tới, nguồn năng này có thể rẻ hơn năng lượng hóa thạch. Theo các chuyên gia, những sự tiến bộ của công nghệ cũng như những chính sách mới đang mở ra cơ hội thuận lợi cho phát triển điện mặt trời, cả ở quy mô hộ gia đình.


  • 08/05/2018 09:32
  • Theo Báo Công Thương
  • 84498