Tài liệu sinh hoạt Chi bộ tháng 6/2023

14:30, 02/06/2023

I. TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ TRONG NƯỚC; HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI DNTW

1. Tình hình thời sự, chính trị trong nước:

1.1 Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 15/5/2023 đến ngày 17/5/2023, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị giữa nhiệm kỳ để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII; và một số vấn đề quan trọng khác. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có các bài phát biểu quan trọng khai mạc, bế mạc Hội nghị.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định Hội nghị giữa nhiệm kỳ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là dịp để đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; để từ đó, đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 Về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá cao sự chuẩn bị và nhất trí cao với các nội dung nêu trong Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay; cho rằng, việc kiểm điểm của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được chuẩn bị rất nghiêm túc, chu đáo, bài bản, cầu thị và có tính tự phê bình sâu sắc.

Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, dân chủ, khách quan, chân tình, tâm huyết, thể hiện rõ chính kiến trong việc thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung trong Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Các nội dung thảo luận tập trung gắn chặt công tác kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, bất thường và khó khăn, phức tạp so với dự báo cũng như so với cùng thời điểm các nhiệm kỳ trước. Ban Chấp hành Trung ương Đảng tập trung phân tích, làm rõ, nêu bật những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những kết quả và thành tựu đã đạt được trong thời gian qua thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo vững vàng, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là sản phẩm kết tinh sự sáng tạo của cả quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém; phân tích nguyên nhân và rút ra 05 bài học kinh nghiệm về việc đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc.

Trên cơ sở phân tích, dự báo về bối cảnh, tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu chỉ đạo tập trung, ưu tiên triển khai thực hiện 05 nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII: phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, tổ chức thật tốt các hoạt động đối ngoại; đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tập trung chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất nhận định việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, qua đó, giúp các đồng chí được lấy phiếu tự nhìn nhận lại mình để điều chỉnh, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, qua đó củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề trên, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, dân chủ, khách quan, công tâm, nghiên cứu kỹ lưỡng Báo cáo kiểm điểm cá nhân của từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; căn cứ từ thực tế quan hệ công tác đã thể hiện rõ chính kiến về mức độ tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai; biểu quyết, thống nhất để đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; cho ý kiến về nhân sự một số cơ quan Trung ương để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khóa XV bầu, phê chuẩn theo quy định tại Kỳ họp thứ 5.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng tin tưởng sau Hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để sáng suốt nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ khóa XIII.

1.2. Nhận lời mời của Hoàng gia và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles Đệ tam tại London, Vương quốc Anh từ ngày 04-06/5/2023. Sự kiện này có sự tham dự của khoảng 100 nguyên thủ quốc gia trên khắp thế giới theo lời mời của Hoàng gia Anh. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã gặp gỡ và trao đổi với Nhà vua Charles Đệ tam, Thủ tướng Rishi Sunak.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhiệt liệt chúc mừng Nhà vua, Hoàng hậu cùng Hoàng gia và Nhân dân Anh quốc; tin tưởng rằng dưới sự trị vì của Nhà vua Charles Đệ tam, Vương quốc Anh và Bắc Ireland sẽ ngày càng phát triển thịnh vượng; khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh; mong muốn Nhà vua và Hoàng gia Anh tiếp tục tích cực ủng hộ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển sâu sắc và toàn diện hơn nữa trong thời gian tới; trân trọng mời Nhà vua thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.

1.3. Sáng 22/5, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Dự kiến trong 23 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.

2. Điểm một số hoạt động của Đảng ủy Khối DNTW

2.1. Từ ngày 22/5 - 27/5/2023, Đoàn công tác số 14 của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã có chuyến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/18.

Đoàn công tác do Đại tá Trần Đức Cảnh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn công tác có đồng chí Đặng Xuân Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai; đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp phát triển Nông thôn, Uỷ Ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương; các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối: Tập đoàn CN Cao su Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam,..

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cử đồng chí Hồ Trung Đông, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Phát triển Thủy điện Sê San tham gia đoàn.

Vượt quãng đường hơn 1.000 hải lý, Đoàn đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang công tác và sinh sống trên đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK-1/18.

Đến thăm, gặp gỡ, động viên quân dân trên các đảo, nhà giàn, Đoàn đã nghe chỉ huy các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; thăm hỏi, động viên; giao lưu văn nghệ. Các đơn vị trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã trao nhiều phần quà ý nghĩa tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, với trị giá gần 1,2 tỷ đồng.

Đoàn cũng dự lễ chào cờ Tổ quốc trên đảo Trường Sa; dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm liệt sĩ trên đảo Trường Sa; Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây; thắp hương các chùa trên đảo; tổ chức lễ tưởng niệm và dâng hương các Anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao và trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Các buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, đầy xúc động, thành kính.

Chuyến đi đã thành công tốt đẹp, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Kết thúc chuyến công tác, Ban tổ chức đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” tặng 27 cá nhân; trao Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” tặng 197 cá nhân; Đoàn công tác các địa phương và các cơ quan, doanh nghiệp cũng dành nhiều phần quà ý nghĩa tặng tổ công tác trên tàu và Đoàn văn công tỉnh Lai Châu.

2.2. Ngày 13/5, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Uỷ Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ Việt Nam) tổ chức Lễ phát động ủng hộ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”, bằng hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với sự tham dự của 6.720 đại biểu tại các điểm cầu. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước dự và phát động chương trình.

Tại chương trình, đã có hơn 280 tỷ đồng tương đương với 5.600 căn nhà đại đoàn kết đã được các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức, cá nhân ở Trung ương và địa phương ủng hộ và đăng ký ủng hộ đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và vùng Tây Bắc. Trong đó các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương ủng hộ 35 tỷ 200 triệu đồng, tương đương 704 căn nhà. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hỗ trợ 100 triệu đồng để ủng hộ Chương trình.

Tại buổi lễ, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài; cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân cả nước chung tay hỗ trợ đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và vùng Tây Bắc.

II. TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN VÀ ĐƠN VỊ

1. Ngày 25/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phiên thường kỳ tháng 5/2022. Đồng chí Trần Đình Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy phụ trách Đảng bộ, Tổng giám đốc EVN chủ trì hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như: Dự thảo báo cáo kết quả công tác tháng 5, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2023 của Đảng ủy EVN; thông qua quyết định thành lập Đoàn kiểm tra và kế hoạch, đề cương kiểm tra việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của BCH Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt đảng đối với Đảng ủy và đồng chí Bí thư Đảng ủy Công ty Phát triển Thủy điện Sê San...Hội nghị cũng thảo luận về một số nội dung công tác cán bộ, phát triển đảng viên.

2. Ngày 31/5, tại Hà Nội, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương) phối hợp với Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức khai giảng lớp Trung cấp lý luận chính trị K67D39 Khối Doanh nghiệp Trung ương, dành cho 50 học viên thuộc Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

3. Sáng ngày 02/6/2023, tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị chuyển giao, tiếp nhận tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Trong đó, công bố các quyết định chuyển giao và tiếp nhận đối với Đảng bộ Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) từ trực thuộc Đảng bộ Thành phố Hà Nội về trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương).

III. TIN THAM KHẢO

1. Căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Căn cứ văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 04 tháng 5 năm 2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Trước đó vào ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

2. Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 500/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Quy hoạch điện VIII quy hoạch phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng).

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Về mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia: Cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm (trong giai đoạn 2021 -2030), khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong (giai đoạn 2031 - 2050). Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Đối với chuyển đổi năng lượng công bằng: Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 (với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất). Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn, hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo: Dự kiến đến 2030, hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm: (i) Sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; (ii) Công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan; (iii) Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc bộ, Nam Trung bộ, Nam bộ khi có các điều kiện thuận lợi.

Bên cạnh đó, phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.

Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch điện VIII đã xác định các phương án phát triển nguồn điện, phương án phát triển lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn, định hướng phát triển sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo và nhu cầu vốn đầu tư.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD; định hướng giai đoạn 2031 -2050 ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4 - 511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8 - 38,6 tỷ USD (sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo).

Theo Quyết định được phê duyệt, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ quy hoạch, bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định. Tổ chức công bố quy hoạch theo quy định và triển khai thực hiện Quyết định gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật, xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Mặt khác, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ Luật Điện lực (sửa đổi) và Luật về Năng lượng Tái tạo để trình Quốc hội trong năm 2024. Trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, rà soát kỹ các quy định của pháp luật, các cam kết, thỏa thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn trong triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Quy hoạch điện VIII được phê duyệt nhất quán quan điểm: Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch phát triển điện phải có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, bền vững và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Phát triển điện lực theo nguyên tắc tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, có lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với chi phí thấp nhất.

Quy hoạch phát triển điện phải dựa trên cơ sở khoa học, có tính kế thừa, mang tính động và mở, nhưng không hợp thức hóa những sai phạm. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với xuất, nhập khẩu hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.

Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền.

Phát triển điện phải bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp. Chuyển dịch năng lượng phải phù hợp với xu hướng quốc tế và đảm bảo bền vững, công bằng, công lý. Dưới đây là tổng hợp về nội dung chính và phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về một số “điểm nhấn” rất quan trọng, cần thiết trong Quy hoạch lần này.

3. Ngày 31/5, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam - Giải thưởng WIPO năm 2022. EVN có 5 nhóm tác giả với 5 công trình được vinh danh.

Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức thường niên, nhằm tôn vinh các nhà khoa học, công nghệ đã có những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn đã và đang được áp dụng hiệu quả tại Việt Nam.

Tại buổi lễ, TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC, Trưởng ban tổ chức giải thưởng cho biết, việc tổ chức thành công giải thưởng trong 28 năm qua rất có ý nghĩa rất to lớn, thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo các nhà khoa học, các nhà công nghệ trong cả nước. Giải thưởng từng bước khẳng định được uy tín trong lĩnh vực sáng tạo khoa học, công nghệ, góp phần động viên phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo KH&CN trong cả nước.

Năm 2022, trong số 128 công trình tham gia dự thi, Hội đồng Giám khảo đã chọn ra 43 sản phẩm xuất sắc để trao giải, trong đó có 4 giải Nhất, 9 giải Nhì, 15 giải Ba và 15 giải Khuyến khích. Đây là các công trình đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống.

Các giải được trao cho 6 nhóm lĩnh vực gồm: cơ khí tự động hóa (9 công trình), vật liệu (6 công trình), công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông (5 công trình), sinh học (6 công trình), công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu (10 công trình), tiết kiệm năng lượng và năng lượng mới (7 công trình).

Trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới, các nhóm tác giả trong EVN đã đạt được 02 giải Nhì, 3 giải Ba, gồm:

02 Giải Nhì: (i) Công trình “Nghiên cứu, xây dựng ứng dụng trên thiết bị thông minh phục vụ công tác vận hành, đào tạo cho các tổ thao tác lưu động tại Tổng công ty Điện lực miền Trung”, nhóm tác giả: ThS Lê Hoàng Anh Dũng - Phó Tổng giám đốc EVNCPC, KS Phan Thanh Dũng, KS Trần Khắc Tuấn; KS Tán Quốc Bảo; đơn vị chủ trì: Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung - Tổng công ty Điện lực miền Trung; (ii) Công trình “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát, điều khiển điện mặt trời mái nhà (SEMS), nhóm tác giả: ThS Trần Dũng (chủ nhiệm), KS Thái Thành Nam, KS Nguyễn Văn Lục; đơn vị chủ trì: Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC)

03 giải ba: (i) Công trình “Phương pháp lựa chọn các tham số của bộ ổn định hệ thống điện (PSS2A/2B) nhằm nâng cao độ tin cậy ổn định của tổ máy phát điện”, nhóm tác giả:  ThS Đào Thanh Oai, KS Đào Ngọc Sơn, KS Hoàng Hải; đơn vị chủ trì: Ban Khoa học Công nghệ và môi trường EVN; (ii) Giải Ba: Công trình “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới sử dụng máy biến áp tổn hao thấp trên lưới điện TP Đà Nẵng để giảm phát thải, giảm tổn thất điện năng và nâng cao độ tin cậy lưới điện”; nhóm tác giả: ThS Lê Văn Phú, ThS Lê Hồng Cương, ThS Tăng Thị Khánh Vy, ThS Nguyễn Thị Mỹ Vân; đơn vị chủ trì: Công ty TNHH MTV Điện lực (PC) Đà Nẵng; (iii) Công trình “Nghiên cứu tính toán và phân tích các giải pháp đảm bảo an toàn cho công tác sửa chữa nóng trên lưới đang mang điện 22kV”’ nhóm tác giả: ThS.Nguyễn Bình Phương, ThS.Nguyễn Thái Tùng, Ngô Gia Hội, KS Hồ Quốc Việt, ThS Trương Tùng Châu; đơn vị chủ trì: Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng.

Giải thưởng đã khuyến khích việc tìm tòi, sáng tạo các công trình khoa học công nghệ có khả năng giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Sự lan tỏa rộng khắp của giải thưởng với uy tín ngày càng cao đã thu hút không chỉ các nhà khoa học mà cả những cá nhân đam mê sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, say mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.

4. Đến ngày 31/5, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành đã ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh, tăng cường tiết kiệm điện tại địa phương trong mùa khô và cả năm 2023.

Với tinh thần tích cực thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/5/2020 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 và Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản 2466/BC-EVN ngày 15/5/2023 gửi UBND các tỉnh, thành phố, kiến nghị chỉ đạo về công tác thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn.

Từ ngày 15/5, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổng công ty Điện lực đã tích cực chủ động làm việc tại từng địa phương, để thông tin cụ thể về về tình hình cấp điện mùa nắng nóng năm 2023. Qua đó, thống nhất các phương án triển khai thực hiện tiết kiệm điện, nỗ lực cung ứng điện trong cao điểm mùa nắng nóng với chính quyền địa phương.

Đến ngày 31/5, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành đã ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh, tăng cường tiết kiệm điện tại địa phương trong mùa khô và cả năm 2023.

5. Ngày 24/5/2023, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức Hội nghị với Chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp để làm rõ và tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện các dự án với mục tiêu đưa các dự án vào vận hành trong thời gian sớm nhất có thể, đồng thời đảm bảo các quy định pháp luật.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương, đồng chí Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết Điện lực, một số đồng chí lãnh đạo EVN, đại diện lãnh đạo một số Ban và đơn vị liên quan của EVN.

Tính đến 17h30 ngày 31/5/2023, đã có 9/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD); trong đó có 7 dự án/phần dự án với tổng công suất 430,22MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới. Ngoài ra, có 40 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm.

Đến nay, có 59/85 dự án với tổng công suất 3.389,811MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 50 dự án (tổng công suất 2.751,611MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 46/50 dự án.

19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 22 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

IV. VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI CỦA TRUNG ƯƠNG, ĐẢNG ỦY KHỐI DNTW VÀ ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN

Ngày 04/5/2023, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Công văn số 1138-CV/ĐU, về việc tham gia, hưởng ứng Giải Búa liềm vàng 2023 Khối DNTW để triển khai tới các tổ chức đảng, Công đoàn ĐLVN, Đoàn Thanh niên Tập đoàn nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như hoạt động của EVN góp phần mở rộng phạm vi, tầm ảnh hưởng sâu rộng của Giải Búa Liềm vàng trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Xem file tại đây


Ban Truyền Thông EVN

Share