Theo Thạc sỹ Phan Văn Thắng – Giảng viên Bộ môn Cơ điện, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, chẳng phải các loài chim có khả năng phi thường gì, nếu tinh ý một chút, chúng ta sẽ nhận thấy: Những loại chim nhỏ thường đậu cả 2 chân trên một dây điện. Lúc này toàn bộ cơ thể của chúng chỉ tiếp xúc với một dây nên không thể cấu thành mạch điện, sẽ không có dòng điện truyền qua cơ thể chúng, nên chúng không bị điện giật.
Tuy nhiên, với các loài chim ăn thịt có kích thước khá lớn như diều hâu, đại bàng, chim ưng và cú mèo thì khác, khi đậu trên đường dây điện, nếu cánh và bàn chân chúng chạm vào cả 2 sợi dây điện một lúc thì sẽ tạo ra mạch điện tuần hoàn, và vẫn sẽ bị điện giật chết.
Những chú chim nhỏ thường đậu cả 2 chân trên 1 dây điện nên không bị điện giật
|
Cụ thể, ghi nhận tại nước Mỹ, từ năm 1978 đến 1998, thống kê trong tổng số 2.060 loài chim ăn thịt bị chết ở Nebraska, Kansas, Colorado, Wyoming và Dakota, thì một nửa số chim bị chết do điện giật và 75% con chim bị điện giật chết là chim đại bàng.
Đối với cơ thể con người, trong điều kiện điện thế không đổi, dòng điện qua người phụ thuộc vào điện trở người. Điện áp tiếp xúc càng cao thì dòng điện qua người càng lớn. Điện trở lớn thì dòng điện nhỏ và điện trở nhỏ thì dòng điện lớn. Người bình thường không dính nước, điện trở khoảng từ 10.000 đến 100.000 ôm.
Điện trở của cơ thể chủ yếu tập trung trên da, Ở điều kiện bình thường với lớp da khô và sạch sẽ thì điện áp dưới 40 V được coi là điện áp an toàn cho con người. Nhưng nếu người bị ẩm ướt hay dính nhiều bụi kim loại thì điện áp an toàn không quá 12 V.
Thêm nữa, trong tình trạng cơ thể khô ráo, dù có chạm vào điện thế 220 V bạn sẽ bị giật, nhưng chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng. Nhưng nếu tay ướt hoặc một phần cơ thể chạm nước, vì nước là chất dẫn điện rất tốt nên điện trở của da sẽ nhỏ đi rất nhiều, lúc này nếu chạm vào điện thế 220 V bạn chắc chắn sẽ bị giật và an nguy đến tính mạng.