Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Sẵn sàng thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả

CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn của năm 2021, vừa thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sẵn sàng "chinh phục" những mục tiêu mới của năm 2022.

Ngày 14/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đồng chí Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đồng chí Phạm Tất Thắng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương.

Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương. 

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có đồng chí Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN, đồng chí Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN, cùng các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy EVN, Hội đồng thành viên EVN, Ban Tổng giám đốc EVN, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam.

Đảm bảo cung cấp điện ổn định, dù nhiều biến động

Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620MW, tăng gần 7.500MW so với năm 2020. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) là 20.670MW, tăng 3.420MW so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 27% trong hệ thống. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn.

Cũng trong năm qua, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 256,7 tỷ kWh, tăng 3,9% so với năm 2020. Điện thương phẩm đạt 225,3 tỷ kWh, tăng 3,85% so với năm 2020.

Hệ thống điện quốc gia đã trải qua một năm vận hành đầy biến động như: nhu cầu điện tại nhiều khu vực giảm thấp do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; thủy văn diễn biến bất thường và rất khó dự báo; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã thực hiện nghiêm túc các quy định về lập lịch, huy động, vận hành và điều độ các nhà máy điện, vận hành tối ưu trong thời gian thực các nguồn điện tái tạo đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch.

Mặc dù phụ tải thực tế thấp hơn nhiều so với dự báo, thị trường điện bán buôn cạnh tranh được đảm bảo vận hành liên tục, ổn định. Hiện tại, có 104 nhà máy điện tham gia trực tiếp trong thị trường điện, với tổng công suất 27.957MW, chiếm 36,5% tổng công suất đặt toàn hệ thống.

Trong kinh doanh và dịch khách hàng, chất lượng cung ứng dịch vụ điện và đa dạng hoá hình thức cung cấp dịch vụ tiếp tục được EVN và các đơn vị cải thiện. Những kết quả nổi bật năm vừa qua như: thu tiền điện không dùng tiền mặt đạt gần 95%; triển khai thêm các phương thức thanh toán tiền điện mới qua QRCode, Mobile Money; tỷ lệ giao dịch theo phương thức điện tử toàn EVN đạt 97,89%, tăng 20,32% so với năm 2020; 99,66% các yêu cầu về dịch vụ điện được cung cấp qua các kênh chăm sóc khách hàng trên nền tảng số. 

Lần lượt từ trái qua phải: Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cùng chủ trì hội nghị

Đưa vào vận hành nhiều công trình quan trọng

Dù gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, thu xếp vốn, giá vật tư/vật liệu tăng cao và giãn cách do dịch COVID-19, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đã nỗ lực hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Trong đó đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Thượng Kon Tum (220MW) và NMTĐ Đa Nhim mở rộng (80MW); hoàn thành cụm công trình cửa xả dự án Thủy điện tích năng Bác Ái.

Cũng trong năm qua, EVN đã khởi công 3 dự án nguồn điện gồm: NMTĐ Hòa Bình mở rộng (480MW), NMTĐ Ialy mở rộng (360MW) và NMNĐ Quảng Trạch I (1.200MW). Toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng khởi công 195 công trình và hoàn thành 176 công trình lưới điện các cấp điện áp từ 110-500kV.

Về công tác thu xếp vốn, năm 2021, EVN đã ký kết các hợp đồng tín dụng vay vốn nước ngoài không bảo lãnh Chính phủ cho các dự án NMTĐ Ialy mở rộng (74,7 triệu EUR), Hòa Bình mở rộng (70 triệu EUR); vay vốn Vietcombank với giá trị 27.100 tỷ đồng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I.

Một số "điểm nhấn" khác của EVN về đầu tư - xây dựng, là đã hoàn thành dự án cấp điện nông thôn tỉnh Lai Châu, triển khai thủ tục đầu tư dự án cấp điện cho huyện Côn Đảo từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm. Các tổng công ty điện lực cũng chủ động thu xếp vốn, đạt được hơn 1.100 tỷ đồng để cấp điện cho 15.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên, Nghệ An, Cà Mau,... Tính đến cuối năm 2021, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,65%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,45%.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của EVN, ngày 14/1

Những bước tiến mạnh mẽ trong chuyển đổi số

Tập đoàn đã thông qua Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025 với 45 nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ, 39 nhiệm vụ về quản lý.

Kết quả đến hết năm 2021, toàn EVN đã hoàn thành trên 50% khối lượng nhiệm vụ về quản lý. Trong các nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ: có 5 nhiệm vụ hoàn thành, 26 nhiệm vụ hoàn thành trên 50% khối lượng. 

Những con số nổi bật trong triển khai chuyển đổi số của EVN năm qua như: 70 – 80% tổng khối lượng công việc 2 năm 2021-2022 đã được thực hiện; 27.000 mã định danh điện tử cho các đơn vị được EVN ban hành; hơn 50 API được kết nối đến các hệ thống phần mềm dùng chung; 3 năm liên tiếp (2019-2021), EVN vinh dự nhận giải thưởng doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc.

"Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”

Năm 2022, EVN chọn chủ đề năm "Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” nhằm tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, thực hiện lộ trình chuyển đổi số trong điều kiện bình thường mới.

Một số mục tiêu trọng tâm trong năm mới của EVN như: điều hành hệ thống điện an toàn và tin cậy, khai thác hiệu quả các nguồn điện; chủ động trong việc đảm bảo than, khí cho phát điện; điều hành thị trường điện đúng quy định; vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy, đảm bảo hiệu quả phát điện, tận dụng tài nguyên nước, đáp ứng các yêu cầu cấp nước cho hạ du,...

Trong đầu tư xây dựng, EVN phấn đấu khởi công và hoàn thành phát điện thương mại các dự án điện mặt trời Phước Thái 2 (100MWp), Phước Thái 3 (50MWp); phấn đấu khởi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn IV (1.050MW). Đồng thời, tập trung thi công các dự án Thủy điện Hoà Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I. Đối với các dự án lưới điện, EVN cũng đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 264 công trình, khởi công 233 công trình từ 110-500kV. 

Bên cạnh đó, toàn tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng, thực hiện “01 cửa liên thông” giữa Điện lực và các cơ quan quản lý Nhà nước; kết nối với các nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia để cắt giảm hồ sơ, thủ tục hành chính và tự động hóa quá trình cung cấp dịch vụ điện đến khách hàng.


  • 14/01/2022 08:59
  • Bài: Xuân Tiến; ảnh: Ngọc Tuấn
  • 12648