Thị trường điện Việt Nam vận hành an toàn, tin cậy

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại Hội nghị Tổng kết công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và Thị trường buôn bán điện cạnh tranh năm 2016, do Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 22/7/2016.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Tổng cục Năng lượng, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), đại diện Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có sự tham gia của ông Phạm Mạnh Thắng - Thành viên Hội đồng thành viên, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cùng lãnh đạo các ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc...

Báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực cho thấy, sau 4 năm vận hành, đến nay thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 6/2016, đã có 72/115 nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường, với tổng công suất đặt 16.719 MW, tăng 2,3 lần so với thời điểm vận hành thị trường vào tháng 7/2012.

Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi là một trong những đơn vị tham gia thị trường phát điện cạnh tranh hiệu quả- Ảnh Huyền Thương

Công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thời gian qua đã góp phần tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện thông qua bản chào giá của nhà máy; đảm bảo giá khâu phát điện được thiết lập theo quy luật cung - cầu khách quan, tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện trong thị trường, thúc đẩy các nhà máy chủ động nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và giảm chi phí.

Sau giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh cũng được đưa vào vận hành thí điểm (trên giấy) từ ngày 1/1/2016, nhằm tạo điều kiện để các tổng công ty điện lực làm quen với các cơ chế mới, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhận lực. Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2018, thị trường bán buôn điện sẽ được vận hành thí điểm trên thực tế và vận hành chính thức từ năm 2019.

Qua 6 tháng thí điểm thị trường bán buôn điện, đến nay, các tổng công ty điện lực đã làm quen với công tác tính toán, xác nhận bảng kê, bước đầu tìm hiểu các quy định thị trường điện và hợp đồng mua bán điện... Hạ tầng CNTT phục vụ vận hành thị trường điện bán buôn tại các tổng công ty điện lực cơ bản được đáp ứng; hệ thống đo đếm xa tại các điểm ranh giới được hoàn thiện. Đặc biệt, sau 6 tháng thí điểm, các tổng công ty điện lực đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác dự báo phụ tải và đang tích cực nghiên cứu, triển khai thực hiện...

Ghi nhận những thành quả đạt được của thị trường phát điện cạnh tranh sau 4 năm vận hành, đặc biệt đánh giá cao vai trò của Cục Điều tiết Điện lực và EVN trong việc đưa thị trường điện vận hành ngày càng ổn định, an toàn và tin cậy, song Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng nêu rõ một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới, nhất là khi thị trường bán buôn điện cạnh tranh đi vào vận hành...

“Hạ tầng CNTT cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Cục Điều tiết Điện lực cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát, kịp thời, xử lý các vướng mắc; đồng thời đôn đốc các nhà máy điện không thuộc EVN, các nhà máy mới tham gia thị trường điện phải trang bị hệ thống SCADA để kết nối với các Trung tâm điều độ, nhằm giúp hệ thống vận hành tốt hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, để thị trường bán buôn điện vận hành hiệu quả, ngay từ bây giờ, Cục Điều tiết Điện lực cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho giai đoạn 2017-2018, để sau giai đoạn này, các bên tham gia nắm rõ, vận hành hiệu quả từ năm 2019" Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện, bên cạnh tham gia thị trường điện hiệu quả phải tuân thủ quy định về vận hành liên hồ chứa, đảm bảo công tác phòng chống lũ cho hạ du. Với các nhà máy nhiệt điện, cần chú trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là những trung tâm nhiệt điện lớn như Nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải...


  • 23/07/2016 07:11
  • Hồng Hoa
  • 11343