Ông Phong cũng cho biết, Tổng cục Năng lượng sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ để tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh thông tư 33, lấy ý kiến các địa phương để tiếp tục rà soát, thực hiện giảm thiểu thời gian tiếp cận điện năng với khách hàng trung áp.
Thời gian tiếp cận điện năng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới - Ảnh: H.Hiếu
|
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng với khách hàng trung áp tối đa xuống còn 36 ngày. Tuy nhiên, theo đại diện các tổng công ty điện lực cho rằng, để tiếp tục giảm thời gian và thủ tục tiếp cận điện năng với khách hàng trung áp, trước mắt, có thể xem xét loại bỏ khâu xác nhận phù hợp quy hoạch, các thỏa thuận về tuyến, cột và việc nghiệm thu đóng điện công trình…
Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, từ khi thực hiện theo Thông tư 33 thì các công trình điện triển khai đạt trung bình hơn 25 ngày. Tuy nhiên cũng còn rất nhiều khó khăn và có thể rút ngắn thời gian hơn nữa thông qua việc bỏ tiền kiểm: Thủ tục xác nhận quy hoạch xây dựng, mà thay vào bằng việc hậu kiểm của cơ quan quản lý.
Về công tác thỏa thuận tuyến, trồng cột…, theo ông Lý có thể làm song song và có cơ chế phối hợp điều hòa để rút ngắn thời gian. Bởi vấn đề xin cấp phép từ các Sở địa phương, thủ tục rườm rà sẽ mất nhiều thời gian chờ đợi. Nếu triển khai và phối hợp tốt, thì việc đầu tư công trình cấp điện cho khách hàng trung áp có thể làm dưới 30 ngày.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều ý kiến từ đại diện các tổng công ty điện lực và đại diện Bộ Xây dựng, Bộ giao thông vận tải cho rằng, với những tỉnh, thành phố đã có quy hoạch lưới điện trung áp của địa phương thì cần thông báo cho phía chủ đầu tư biết để tuân theo đúng quy hoạch hoặc bổ sung quy hoạch. Tuy nhiên, với những địa phương chưa có quy hoạch lưới điện trung – hạ áp chi tiết thì có thể áp dụng công tác hậu kiểm để giảm thiểu tối đa thủ tục khi thực hiện đầu tư xây dựng.
Theo Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đinh Thế Phúc, việc bỏ công tác tiền kiểm, xác nhận quy hoạch đối với công trình điện trung áp là có thể thực hiện để rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, thông tin về quy hoạch sẽ được công bố rộng rãi và trách nhiệm của việc tiền kiểm sẽ được giao cho phía chủ đầu tư kiểm soát, trình cơ quan quản lý. Về hậu kiểm thì Bộ Xây dựng và Bộ Công thương sẽ tập trung thực hiện chặt chẽ. Đối với các thủ tục chung thì có thể làm các thiết kế mẫu để đưa lên các cổng thông tin, các sở, ban, ngành và nhà đầu tư địa phương xem.