Thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường trong học sinh

Gần 60% học sinh quan tâm đến vấn đề về môi trường và năng lượng là kết quả từ nghiên cứu khảo sát về mức độ quan tâm của học sinh TP. Huế được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy thực hành tiết kiệm năng lượng dành cho học sinh tại Huế: Hành động nhỏ hướng đến bảo vệ môi trường”.

Thay đổi ý thức và hành vi của thế hệ trẻ

Nhằm hướng đến mục tiêu thay đổi ý thức và hành vi của thế hệ trẻ trong việc sử dụng năng lượng, từ đó góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trên lộ trình không phát thải, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Đồng kiến tạo Tri thức (Trung tâm CKC) đã khởi xướng Dự án “Thúc đẩy thực hành tiết kiệm năng lượng dành cho học sinh tại Huế: Hành động nhỏ hướng đến bảo vệ môi trường” (Dự án YEAH!).

Đây là dự án nhận được sự tài trợ từ Chính phủ Australia thông qua Tổ chức Tình nguyện viên quốc tế Australia (Australian Volunteers International - AVI) và được triển khai tại 5 trường trung học cơ sở (THCS) tại TP. Huế bao gồm: Trường Đặng Văn Ngữ, Đặng Vinh, Phú Dương, Phú Mậu, và Phú Thượng. Trong phạm vi dự án, Trung tâm CKC đã tiến hành nghiên cứu khảo sát 560 học sinh lớp 6 và 7 của năm trường về mức độ quan tâm của các em về môi trường và năng lượng cũng như đánh giá những tác động mà dự án mang lại.

Kết quả là hơn 58% các em học sinh cho biết, các em rất quan tâm tới những gì đang diễn ra đối với môi trường và năng lượng. Các em cũng thường theo dõi các thông tin về môi trường và năng lượng thông qua tin tức từ tivi và các mạng xã hội. Tuy nhiên, chỉ một số ít học sinh (9%) nói rằng mình biết được các kiến thức về môi trường và năng lượng thông qua sách vở và các bài giảng.

Trong 3 tháng triển khai từ tháng 8 đến tháng 11/2023, dự án đã tổ chức chuỗi tập huấn tìm hiểu về môi trường và năng lượng và tháng thực hành tiết kiệm năng lượng tại các trường học này. Sau quá trình tham gia tập huấn và thực hành tiết kiệm năng lượng, học sinh đã tiến hành hơn 270 lượt quan sát và ghi chép về việc quản lý và sử dụng năng lượng tại trường học của mình. Từ đó, các em đã phân tích và đề xuất 5 ý tưởng rất sáng tạo và thiết thực để dự thi tại Buổi trình bày “Sáng kiến Năng lượng” do Trung tâm CKC tổ chức.

Học sinh Trường THCS Đặng Văn Ngữ biểu diễn tiểu phẩm "Hành trình tìm kiếm hành tinh đáng sống" 

Những ý tưởng sáng tạo

Trong các ý tưởng mang đến buổi trình bày, các học sinh đã thể hiện được sự sáng tạo và tự chủ của mình trong việc nhận biết các vấn đề về năng lượng, để rồi từ đó đưa ra những giải pháp và thông điệp đầy ấn tượng. Chẳng hạn như ở bài tiểu phẩm “Hãy tiết kiệm điện” của các em học sinh Trường THCS Phú Thượng (đoạt giải Nhất), người nghe rất bất ngờ khi các em học sinh đã khai thác chủ đề xuyên thời gian từ năm 2023 đến tận 20 năm sau (tức năm 2043).

Năm 2023, các bạn học sinh đã sử dụng điện phung phí, bật đèn, bật quạt khi trong phòng học không có ai và bật điều hòa ở nhiệt độ rất thấp. Và rồi, các bạn đã có một chuyến du hành đến tương lai năm 2043. Tại đó, do tác động của việc sử dụng điện phung phí nên trái đất gặp phải rất nhiều vấn đề về môi trường như sự nóng lên của toàn cầu, hiệu ứng nhà kính, băng tan, lũ lụt, ô nhiễm… Nhận thức rõ được hành động của mình, trở lại năm 2023, học sinh Trường THCS Phú Thượng đã có nhiều biện pháp để sử dụng và quản lý điện một cách tiết kiệm hơn.

Một bài trình bày không kém phần thú vị và đã đoạt giải Nhì, đó là bài tiểu phẩm về chủ đề “Hành trình tìm kiếm hành tinh đáng sống" của Trường THCS Đặng Văn Ngữ. Câu chuyện bắt đầu khi Ngọc Hoàng tạo ra 4 người con và cho mỗi người đến ở và làm chủ một hành tinh. Tuy nhiên, khi những người con này đến các hành tinh thì sử dụng năng lượng rất phung phí, phá hoại môi trường cho mục đích riêng. Chỉ có duy nhất một người con, người biết bảo vệ môi trường sống của mình và sử dụng các nguồn năng lượng hợp lý. Vì quá phung phí nguồn năng lượng tự nhiên dẫn đến các vấn đề về ô nhiễm, sự nóng lên và thiên tai nên sau một thời gian, 3 người con kia của Ngọc Hoàng không thể nào sống nổi trên hành tinh của mình nữa. Họ đã tìm đến trái đất và xin được sống ở đây. Ngọc Hoàng đã đúc kết câu chuyện: “Ta sinh ra các con là như nhau, cho các con ở mỗi nơi đều như nhau, nhưng hành tinh đó trở nên như thế nào là do hành động của các con quyết định. Do đó, bây giờ các con phải biết tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường nhé”.

Tác động và lan tỏa

Sau dự án YEAH!, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của các học sinh THCS thành phố trong việc thực hành tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Gần 200 học sinh cho biết, trường học của mình đã bắt đầu áp dụng các biện pháp quản lý và sử dụng điện năng một cách tiết kiệm và an toàn. Các em đã gắn các bảng nhắc tắt điện trong phòng học, đề xuất các sáng kiến về năng lượng, tổ chức các cuộc thi đố vui về năng lượng và thực hành trồng cây chống nóng trong khuôn viên ngôi trường của mình.

Dù mới triển khai trong thời gian ngắn, Dự án YEAH! đã tạo ra một không gian trao đổi và học tập mang tính tương tác cao giúp cho các em học sinh THCS nhận thức rõ hơn việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Từ những kết quả tích cực và ý nghĩa đã đạt được, trong tháng 12 này, dự án sẽ tiếp tục đồng hành với hoạt động trồng cây tại 5 trường nhằm lan tỏa hơn nữa thông điệp của dự án cũng như thúc đẩy hơn nữa vai trò của nhà trường trong việc định hướng và thay đổi hành vi của các em học sinh - những thế hệ trẻ sẽ xây dựng tương lai của đất nước.

Link gốc


  • 04/01/2024 10:27
  • Theo baothuathienhue.vn
  • 2699