Thủy điện Hòa Bình xả lũ, dâng nước sông Bùi?

16:20, 15/08/2018

Thủy điện Hòa Bình xả lũ gây ngập lụt ở một số nơi ven sông Bùi huyện Chương Mỹ (Hà Nội) là thông tin được lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua. Hãy cùng Thế giới điện trao đổi với các chuyên gia để tìm câu trả lời chính xác.

2 lưu vực sông khác nhau

Theo GS.TSKH. Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam, sông Bùi bắt nguồn từ vùng núi huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Khi chảy qua huyện Chương Mỹ, thuộc ngoại thành Hà Nội, sông Bùi chia huyện này thành 2 vùng Tả Bùi và Hữu Bùi, sau đó nước sông Bùi được đổ ra sông Tích và sông Đáy.

Cuối tháng 7, nước mưa đã tràn qua đê sông Bùi gây ngập lụt tại các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Theo GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, nguyên nhân chính là do mưa lớn từ thượng nguồn. Đây không phải tình huống bất thường,vì năm 2017 cũng đã từng xảy ra đợt lũ tương tự. Những vùng bị ảnh hưởng đều là vùng trũng, địa hình thấp, nên thường bị ngập lụt sâu khi mưa lớn.

Biểu đồ dòng chảy từ hồ Thủy điện Hòa Bình xuống hạ du do Ths Lê Viết Sơn cung cấp

Cùng quan điểm này, Thạc sĩ Lê Viết Sơn – Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi Bắc Bộ (Viện Quy hoạch Thủy lợi) cho biết, khả năng Thủy điện Hòa Bình xả lũ gây ảnh hưởng đến mực nước sông Bùi là không thể xảy ra. Nước từ hồ Hòa Bình sẽ chảy theo sông Đà, sau đó nhập vào sông Hồng rồi đổ ra biển qua 9 cửa sông.

“Mối liên quan” duy nhất giữa sông Đà và sông Bùi là điểm giao nhau của sông Đào Nam Định (một nhánh rẽ từ sông Hồng) giao với sông Đáy (mà sông Bùi sẽ đổ ra) tại Độc Bộ (Nam Định). Tuy nhiên, khoảng cách từ điểm giao nhau này cách khu vực các xã đang bị ngập lụt ở huyện Chương Mỹ vào khoảng… 145 km. Đó là khoảng cách quá xa,  không thể khiến dâng mực nước sông Bùi dâng cao.

Cần tăng cường khả năng thoát lũ của các sông chính

Theo GS. TSKH Phạm Hồng Giang, để giảm ngập lụt tại các vùng này, một trong những giải pháp cần được chú trọng là phải làm tăng khả năng thoát lũ sông Đáy.

Trước đó, khi phân tích về nguyên nhân nước tràn qua đê sông Bùi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cũng cho biết, trước hết là do mưa lớn với cường độ cao, lũ tập trung nhanh. Bên cạnh đó, khả năng thoát nước của các sông chính kém. Trong quá trình phát triển, nhiều hệ thống kết cấu hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông, làm giảm khả năng thoát lũ. Việc này không chỉ xảy ra ở sông Bùi mà ở nhiều sông khác trên cả nước. 

Để khắc phục tình trạng ngập lụt tại các điểm trũng ở Hà Nội, theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, Thành phố cần tiếp tục củng cố lại hệ thống hạ tầng thoát nước. Đặc biệt là phải kiểm tra lại hướng thoát lũ, những chỗ gây cản trở dòng chảy và phải lồng ghép phòng chống thiên tai vào hoạt động quản lý đất, xây dựng hạ tầng một cách đồng bộ. 

Về công tác xả lũ của Thủy điện Hòa Bình, GS.TSKH. Phạm Hồng Giang cho biết, công trình này có nhiệm vụ phát điện và cắt lũ. Để giữ an toàn đập, khi lũ lớn và dự báo còn gia tăng thì bắt buộc phải xả cửa tràn. Việc xả lũ luôn luôn được thực hiện đúng quy trình, được thông báo sớm và tốc độ mở cửa tràn rất hợp lý, không gây bị động, xáo trộn, thiệt hại ở hạ du. 

Tổng lượng mưa trong tháng 7/2018 trên Trạm Lâm Sơn thuộc lưu vực sông Bùi là 1.075 mm; gấp 2,6 lần so với trung bình nhiều năm (TBNN); tập trung vào 2 đợt ( đợt 1 từ ngày 14 - 22/7; đợt 2 từ ngày 27-31/7). 

- Đợt 1: Mực nước trên sông Bùi tại Yên Duyệt (Chương Mỹ, Hà Nội) là 7,36 m dẫn đến một số đoạn đê Hữu Bùi bị tràn, gây ngập úng các xã Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Tân Tiến.

- Đợt 2: Nước sông Bùi tiếp tục dâng cao và đạt đỉnh 7,52 m tại Yên Duyệt (ngày 30/7). 

Nguồn: Theo số liệu quan trắc mưa từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương. 

 


Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện

Share