Tham dự diễn đàn có ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương); ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); TS. Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực.
Hiện cả nước có 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE trở lên, tương đương 6 triệu kWh/năm), hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Mức tiêu thụ điện bình quân của các cơ sở này lên tới 72 tỷ kWh/năm, chiếm 33% tổng tiêu thụ điện năng toàn quốc.
Nếu các doanh nghiệp này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ) thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh. Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng Ban Kinh doanh EVN (ngoài cùng bên phải) phát biểu tại diễn đàn.
|
Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng Ban Kinh doanh EVN chia sẻ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thí điểm cung cấp một số giải pháp cho khách hàng là doanh nghiệp công nghiệp theo phương thức đầu tư hoàn toàn, nhằm chứng minh tính hiệu quả của tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, EVN đã đầu tư nhiều vào hạ tầng đo đếm điện năng, cung cấp thông tin tiêu thụ điện miễn phí cho khách hàng, đồng thời đưa ra cảnh báo khi doanh nghiệp tiêu thụ quá 30%. Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp đều có thể theo dõi điện năng tiêu thụ của mình. Tuy nhiên việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu nguồn lực cán bộ quản lý năng lượng, nguồn lực tài chính để đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng,…
Còn TS. Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển, đa số trình độ công nghệ, dây chuyền sản xuất và nguồn nhân lực tư vấn triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng còn hạn chế. Tuy nhiên, tiềm năng để thực hiện tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp và cơ hội để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về quản lý năng lượng, tư vấn, kiểm toán năng lượng là rất lớn.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đưa ra những thực trạng và khó khăn trong quá trình triển khai thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp, đặc biệt các giải pháp về cơ chế, chính sách đang được Bộ Công Thương xem xét, để có những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp trình Quốc hội và Chính phủ trong thời gian tới. Theo đó, hướng sửa đổi, chỉnh sửa sẽ mở rộng đối tượng thi hành Luật và chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc, đồng thời có những chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp có đủ nguồn lực đầu tư tham gia các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
H.Linh
Share