Báo cáo tại buổi làm việc, ông Bùi Phương Nam, Giám đốc Ban QLDA Điện 1 - đơn vị được EVN giao quản lý điều hành dự án đường dây 220kV Nậm Mô – Tương Dương (đoạn qua lãnh thổ Việt Nam) cho biết: Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai xây dựng tại văn bản số 1490/TTg-CN ngày 05/11/2019 về việc chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối cụm Nhà máy thủy điện Nậm Mô (Lào). Theo đó, xây dựng mới đường dây 220kV mạch kép Nậm Mô (Lào) – Tương Dương (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam dài khoảng 45km), vận hành năm 2022.
Ban QLDA Điện 1 đã trao đổi về phương án tuyến đường dây và điểm đấu nối trên biên giới hai nước với Tập đoàn Phongsubthavy - chủ đầu tư Dự án đường dây 220kV Nậm Mô – Tương Dương (đoạn trên lãnh thổ Lào). Ngày 01/4/2020, hai bên đã ký biên bản thỏa thuận điểm đấu nối tại biên giới. Ngày 17/5/2020, Tập đoàn Phongsubthavy có văn bản thông báo về tiến độ triển khai dự án theo đúng tiến độ thỏa thuận trước đây.
Về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Ban QLDA Điện 1 đã có văn bản gửi UBND huyện Tương Dương, Kỳ Sơn và các tổ chức, cộng đồng tham vấn về ĐTM. Hiện nay đã hoàn thành công tác tham vấn cộng đồng tại các địa phương có tuyến đường dây đi qua. Ban sẽ báo cáo EVN thông qua ĐTM trước khi trình Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An xem xét, phê duyệt.
Đoàn công tác đi thực địa rà soát tiến độ các đường dây 220kV Nậm Mô (Lào) - Tương Dương (Nghệ An) tại điểm G1. Nguồn ảnh: Báo Công Thương
|
Ông Bùi Phương Nam cho biết thêm, mục tiêu của Ban đặt ra, trong tháng 9/2020 sẽ trình Bộ Công Thương thẩm định thiết kế cơ sở, dự kiến Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được phê duyệt vào tháng 12/2020. Thời gian khởi công công trình vào tháng 11/2021 và nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng vào quý II/2022.
“Hiện nay, dự án đang gặp một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Do đó, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương sớm bổ sung dự án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương" - ông Nam cho biết.
Bên cạnh đó, Ban QLDA Điện 1 cũng đề nghị tỉnh và các sở ngành liên quan hướng dẫn trong công tác xin chuyển đổi chủ trương mục đích sử dụng đất rừng, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng.
Phát biểu tại cuộc họp với các Sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Thái Sơn - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển Điện lực cho biết: Dự báo tình hình cung ứng điện giai đoạn 2021 - 2025 sẽ nhiều khó khăn. Nhập khẩu điện từ Lào là một trong các giải pháp phù hợp để đáp ứng nhu cầu điện trong giai đoạn trước mắt và trung hạn, đặc biệt là đối với Nghệ An. Thời gian qua, EVN và các đơn vị liên quan đã rất nỗ lực đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng lưới truyền tải để nhập khẩu điện từ Lào. Dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, qua quá trình khảo sát, ghi nhận thực tế của đoàn công tác cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Ông Sơn đề nghị UBND tỉnh, các Sở, ban ngành và cơ quan liên quan của tỉnh Nghệ An tiếp tục quan tâm, tập trung hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục các dự án, bao gồm: Công tác bổ sung các dự án 220kV phục vụ nhập khẩu điện vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương, đề xuất Chính phủ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng,..., nhằm khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các dự án.
"Các Sở, ban ngành cần coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của địa phương, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện cho EVN và đơn vị tư vấn hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, chủ đầu tư các dự án và tư vấn cần nghiên cứu điều chỉnh một số giải pháp kỹ thuật phù hợp với quy hoạch, thuận lợi đấu nối tổng thể lưới điện trong tương lai, cũng như điều chỉnh một số giải pháp kết cấu để giảm thiểu tác động môi trường, giảm mức độ ảnh hưởng rừng tự nhiên", ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cũng đề nghị EVN tăng cường làm việc với các nhà đầu tư nguồn điện của Lào để khẩn trương đạt mục tiêu mua điện từ nước này đạt 3.000MW đến năm 2025 và 5.000MW đến năm 2030 với khung giá điện được Thủ tướng chính phủ chấp thuận. Tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư của Lào để nghiên cứu phương án đấu nối phù hợp đối với các dự án nguồn điện, phối hợp với các đối tác Lào trong việc nghiên cứu phát triển các dự án bao gồm cả nhiệt điện, thủy điện, năng lượng tái tạo nhập khẩu về Việt Nam. Khẩn trương hoàn thành phương án kết nối tổng thể hệ thống điện 2 nước Việt - Lào đến năm 2030.
Ngoài đường dây 220kV Nậm Mô - Tương Dương, để phục vụ nhập khẩu điện từ Lào còn cần phải xây dựng các Trạm biến áp (TBA) và hệ thống đường dây đấu nối như: TBA 220kV Tương Dương và đường dây đấu nối, TBA 220kV Nam Cấm và đường dây đấu nối, TBA 220kV Tương Dương – Đô Lương, đường dây 220kV Đô Lương – Nam Cấm.