Tố chất cần thiết để phát triển sự nghiệp

Tại sao sự nghiệp của một số người thăng hoa, trong khi chững lại với số khác? Liệu trí thông minh có phải tố chất để phát triển sự nghiệp và thành công? Trong nhiều trường hợp, câu trả lời là "không".

Trí thông minh thường được đo bằng chỉ số IQ, chắc chắn có đóng góp vào phát triển sự nghiệp của mỗi người. IQ cao phản ánh năng lực xử lý thông tin tốt cũng như năng lực học hỏi, suy nghĩ logic và dự báo... Đó là những lợi thế để sự nghiệp của một người có thể thăng hoa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, IQ cao không phải tố chất đảm bảo cho sự thành công. Theo GS. Keith Stanovich thuộc Khoa Phát triển con người và Ứng dụng tâm lý Đại học Toronto, Canada, các bài kiểm tra IQ có thể rất hữu ích để phản ánh một số khả năng như suy nghĩ logic, lý luận trừu tượng cùng khả năng ghi nhớ, nhưng lại không đáng tin cậy trong việc phản ánh năng lực ra quyết định thông minh trước các tình huống thực tế. Hơn nữa, sự thấu cảm, trực giác hay khả năng kết nối với con người hoàn toàn không được thể hiện qua IQ.

"Chỉ số IQ cao giống như chiều cao của một vận động viên bóng rổ. Càng cao, càng có lợi thế trên sân đấu. Tuy nhiên, chỉ chiều cao không giúp chiến thắng trận đấu mà còn cần nhiều kỹ năng khác. Trong công việc và cuộc sống cũng vậy. Không phải cứ sở hữu IQ cao là nắm chắc phần thắng", David Perkins - nhà nghiên cứu tư duy và kỹ năng lý luận từ Đại học Harvard chia sẻ.

Theo đó, bên cạnh trí thông minh còn những tố chất quan trọng khác để giúp sự nghiệp thăng hoa, mà một trong số chúng là năng lực đối diện với nghịch cảnh và xoay chuyển cục diện để tìm được lối đi. Paul G. Stoltz - nhà tâm lý học người Mỹ gọi chỉ số phản ánh năng lực này là AQ (Adversity Quotient: chỉ số vượt khó). Và không chuyện nào có thể minh họa tốt hơn cho sức mạnh của một người sở hữu AQ cao như của Edmund Hillary - người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest.

Cùng với Tenzing Norgay, Hillary là người đầu tiên chạm đến "nóc nhà của thế giới" và trở về an toàn. Hillary đã được Tạp chí Time vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Trước năm 1953, Hillary đã tham gia hai cuộc thám hiểm chinh phục Everest vào năm 1951 và một lần nữa vào năm 1952, nhưng bất thành.

Vài tuần sau chuyến thám hiểm năm 1952, Hillary được yêu cầu diễn thuyết trước một nhóm người tại Anh. Dù được khán giả công nhận nỗ lực phi thường, Hillary vẫn chưa hài lòng với chính mình.

Rời khỏi micro và tiến đến mép bục, ông chỉ vào một bức tranh vẽ ngọn núi và nói: "Đỉnh Everest, ban đầu ngươi đã thắng ta, nhưng lần tới ta nhất định sẽ đánh bại ngươi. Vì ngươi đã lớn lên hết mức có thể, còn ta thì vẫn đang lớn lên!".

Năm sau, đoàn thám hiểm cùng Hillary đã quay lại chinh phục Everest. Họ đã leo đến đỉnh Nam của ngọn núi, nhưng tất cả trừ Hillary và Norgay đã buộc phải quay lại do kiệt sức vì độ cao. Rốt cục, vào 11 giờ 30 ngày 29/5/1953, chỉ hai thành viên duy nhất của đoàn đã làm nên lịch sử khi chạm đến điểm cao nhất trên trái đất ở độ cao 8.848m so với mực nước biển.

Với nhiều người, "đỉnh núi" họ phải đối diện trong sự nghiệp hay cuộc sống có thể không cao như Everest và khó khăn mà họ phải chinh phục có lẽ cũng không đòi hỏi quyết tâm cùng nỗ lực phi thường như của Hillary. Song điều chắc chắn là để sự nghiệp thăng hoa và gặt hái thành công, việc rèn luyện và sở hữu chỉ số AQ cao là điều kiện tất yếu.

"Cuộc đời giống như hành trình leo núi, bạn chỉ có thể thực hiện được bằng cách nỗ lực không ngừng để leo lên, thậm chí đôi khi phải bằng từng bước tiến chậm chạp, đau đớn nối tiếp nhau. Do đó, ta có thể định nghĩa "thành công" chính là mức độ mà con người có thể tiến về phía trước và lên cao, phát triển trong sứ mệnh của cả cuộc đời mình, vượt qua tất cả trở ngại hay nghịch cảnh. Và AQ chính là một khái niệm mới để thấu hiểu và thúc đẩy sự thành công, là thước đo phản ứng của một cá nhân trước nghịch cảnh", Paul G. Stoltz viết.

Link gốc


  • 01/03/2023 03:20
  • Theo https://doanhnhansaigon.vn/
  • 3809