Từ ngày 26/7 đến 1/8, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đo được từ 40 đến 70mm/ngày, một số thời điểm tại thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc lên tới 100 – 190mm/ngày. Mưa lớn dài ngày khiến cho nền đất yếu, đặc biệt là trên sườn đồi, gây sạt lở đất nhiều nơi.
Theo ông Phan Đình Thiện – Giám đốc Truyền tải điện Lâm Đồng, đơn vị đã tăng cường kiểm tra những vị trí trụ điện ở khu vực xung yếu, đèo dốc, sông, suối, triền đồi; các khoảng cột có cây cao trong và ngoài hành lang để xử lý những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến vận hành đường dây truyền tải điện.
Qua kiểm tra, đơn vị phát hiện vị trí 16 đường dây 220kV Bảo Lộc - Hàm Thuận - Phan Thiết và vị trí 290 đường dây 220kV Bảo Lộc - Sông Mây đã xảy ra sạt lở đất ảnh hưởng đến vận hành an toàn của tuyến đường dây. Ngay sau đó, Truyền tải điện Lâm Đồng đã khẩn trương huy động nhân lực, nhanh chóng triển khai các phương án chống sạt lở.
Cụ thể, tại vị trí 16 đã thực hiện đóng cọc sắt V7 dài 3m dọc theo đoạn sạt lở và gia cố không để đất tiếp tục sạt lở gây trượt thêm mái kè. Đồng thời, đào thêm tầng mương thoát nước nắn dòng chảy ra xa khu vực chân kè móng; phủ bạt toàn bộ phần đất bị sạt lở ngăn ngừa nước mưa thẩm thấu vào lớp đất gây sạt lở tiếp theo.
Tai vị trí 290 đã san gạt đất, dùng xà cừ đóng 2 lớp cọc cách nhau khoảng 15m; chằng néo giữ ổn định các móng trụ, sau đó dùng bao đất đắp vào trước các lớp cọc; phủ bạt toàn bộ phần đất bị sạt lở ngăn ngừa nước mưa thẩm thấu vào lớp đất đã bị sạt lở.
Truyền tải điện Lâm Đồng xử lý sạt lở đất tại vị trí 290 đường dây 220kV Bảo Lộc - Sông Mây
|
Ông Phan Đình Thiện cho biết thêm, cùng với việc xử lý tạm chống sạt lở tại các vị trí được phát hiện, Truyền tải điện Lâm Đồng tiếp tục tăng cường tần suất kiểm tra vận hành và theo dõi qua camera đã lắp trên cột. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân sinh sống gần tuyến đường dây, trạm biến áp thực hiện chằng néo các công trình (mái tôn, nhà lưới, nhà lồng trồng hoa màu...), chặt tỉa cây cao trong và gần hành lang,...