Ngày nay, bằng việc ứng dụng công nghệ 3D, công nghệ thực tế hỗn hợp MR (Mixed Reality), các hệ thống với nhiều thành phần và mức độ phức tạp cao như máy phát điện thủy lực, máy cắt, dao cách ly,... được mô phỏng rõ ràng đến từng chi tiết. Chuỗi thao tác vận hành, sửa chữa theo kịch bản chuyên môn có sẵn được mô phỏng trên máy tính với đồ họa có khả năng xoay 360 độ, giúp việc học tập, nghiên cứu của cán bộ công nhân viên trực quan, khoa học và hiệu quả cao hơn.
Ứng dụng công nghệ 3D để thực hiện mô hình hóa cụm chi tiết dao cách ly 13,8 kV phục vụ học tập và nghiên cứu
|
Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất cũng mang lại kết quả tích cực, cụ thể là trong công tác sữa chữa phòng ngừa. Ví dụ, nếu máy cắt SF6 110 kV trong quá trình hoạt động, phát sinh khiếm khuyết; bằng ứng dụng công nghệ 3D và Animation để thực hiện mô hình hóa và mô phỏng quá trình đóng cắt tiếp điểm chính máy cắt, qua đó hội đồng kỹ thuật có thể phân tích được chi tiết nào là xung yếu; triển khai kế hoạch thay thế trước khi thiết bị sự cố… Kết quả đạt được là nâng cao độ tin cậy thiết bị, đảm bảo vận hành an toàn phát điện trong thị trường điện cạnh tranh.
Bên cạnh đó, với việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng trợ lý ảo, AI giúp truy xuất dữ liệu, phối hợp giữa các phần mềm, ứng dụng để hỗ trợ nhân viên sửa chữa và vận hành thực hiện công việc dựa trên nền tảng PMIS của EVN, công nghệ thực tế hỗn hợp MR (Mixed Reality) và công cụ hỗ trợ (Hololens, smartphone v.v...).
Ứng dụng công nghệ 3D và Animation để thực hiện mô hình hóa và mô phỏng quá trình đóng cắt tiếp điểm chính máy cắt khí SF6 -110 kV
|
Thông qua hỗ trợ công nghệ thực tế hỗn hợp giúp người công nhân sửa chữa hoặc vận hành thiết bị biết được chính xác công việc cần phải thực hiện theo trình tự của quy trình đã được biên soạn, tránh được các sai lầm trong quá trình thao tác, lắp đặt hoặc sửa chữa từ đó nâng cao năng suất lao động, tăng độ tin cậy, an toàn trong sản xuất và vận hành.
Đề tài “Áp dụng công nghệ 3D, công nghệ thực tế hỗn hợp (Mixed Reality) và dụng cụ hỗ trợ để nâng cao năng lực quản lý, chuyển đổi số và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực” là ý tưởng xuất phát từ người công nhân luôn sáng tạo không ngừng, cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao hiệu quả trong công việc. Đó là anh Cao Bửu Quốc Duy, hiện đang công tác tại Đội Thiết bị Điện - Trung tâm Dịch vụ và Sửa chữa Cơ Điện (MSC) trực thuộc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Mơ. Đề tài nêu trên cũng đã đoạt giải Nhì cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực” trong Tổng công ty Phát điện 2 năm 2020 – 2021