Chậm tiến độ đầu tư xây dựng
Theo EVNSPC, trong nửa đầu năm nay khối lượng sửa chữa lớn của Tổng công ty chỉ đạt gần 20% kế hoạch; mới khởi công 7/50 công trình và đóng điện 4/59 công trình lưới điện 110-220kV. Đối với lưới điện hạ thế, đã đóng điện 149/559 công trình, dự kiến đến tháng 12/2021, đóng điện đưa vào vận hành 552/559 công trình, đạt 98,7% kế hoạch.
Nguyên nhân của sự chậm trễ này, do chính quyền các địa phương phải dồn lực phòng chống dịch nên thiếu nhân lực thực hiện công tác công tác liên quan, từ phê duyệt đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng đến kiểm đếm tài sản trên mặt bằng giải tỏa. Mặt khác việc tạm hoãn một số dịch vụ không cấp bách thời gian này, nhiều công trình xây dựng, sửa chữa lưới điện, đặc biệt các công trình cấp bách, trọng điểm cũng bị ảnh hưởng rất nhiều khi các đơn vị thi công không huy động được đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị,…
Ngoài ra, các đơn vị tư vấn, đo vẽ thửa gặp phải khó khăn trong việc đi lại để khảo sát hướng tuyến, thăm dò địa chất cũng như làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương và người dân do quy định hạn chế đi lại và địa phương tập trung cho chống dịch. Công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu cũng gặp trở ngại do giãn cách xã hội nên khó khăn trong thương thảo hợp đồng cũng như nhà thầu làm việc với các tổ chức tín dụng để mở bảo lãnh; đồng thời hoạt động giám sát quá trình sản xuất, thử nghiệm xuất xưởng,… cũng phải tạm ngưng do hạn chế đi lại...
Đặc biệt, hiện có 4 công trình đã đủ điều kiện đóng điện vận hành nhưng do giãn cách xã hội nên các đơn vị không thể tiếp cận công trường để thực hiện các công việc cuối cùng phục vụ đóng điện.
Các tỉnh phía Nam kéo dài thực hiện giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVNSPC (Ảnh minh hoạ)
|
Chỉ tiêu sản xuất kinh doanh suy giảm
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, chỉ trong 2 ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh/thành phố phía Nam, công suất đỉnh của toàn hệ thống điện miền Nam đã giảm tới gần 3.000 MW so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Mức độ tiêu thụ điện của khu vực miền Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì giảm trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, trong khi lực lượng công nhân đang mỏng lại phải chia ca kíp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, việc di chuyển phương tiện giữa các khu vực, địa bàn khác nhau để khắc phục, sửa chữa điện cũng gặp nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, nhiều hộ gia đình trong các khu vực cách ly nhưng lại đang sử dụng công tơ cơ, không thể đo ghi từ xa, nên việc thu thập dữ liệu mất thêm thời gian, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, các chỉ tiêu dịch vụ khách hàng, thu tiền điện trong năm 2021 cũng gặp nhiều khó khăn do khách hàng đình trệ sản xuất, kinh doanh, một số khách hàng nằm trong khu vực phong toả, cách ly xã hội...
Tuy vậy, theo đại diện EVNSPC, Tổng công ty sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh được giao; đồng thời mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng và EVN, góp phần tháo gỡ các vướng mắc trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.