Trình diễn các công nghệ tiên tiến, hướng tới chuyển dịch năng lượng sạch

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Chương trình Hỗ trợ năng lượng GIZ/ESP tổ chức chuỗi sự kiện Hội thảo & Triển lãm trình diễn các công nghệ tiên tiến nhất hỗ trợ thúc đẩy tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo (vRE), hướng tới chuyển dịch năng lượng sạch để giảm thiểu tác động lên khí hậu. Chương trình do Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ trong khuôn khổ Đối thoại Năng lượng Việt - Đức.

Ông Markus Bissel, Giám đốc dự án đối tác Năng lượng Việt Nam – Đức tại GIZ cho biết, Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong những năm qua và hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050. Thông qua chuỗi sự kiện hội thảo và triển lãm trình diễn này, GIZ mong muốn các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, nhà quản lý cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, ý tưởng, giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, khắc phục những thách thức Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình chuyển dịch năng lượng.

Tại Hội thảo & Triển lãm trình diễn các công nghệ tiên tiến nhất hỗ trợ thúc đẩy tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo (vRE), hướng tới chuyển dịch năng lượng sạch để giảm thiểu tác động lên khí hậu, chúng ta có cơ hội tiếp cận những công nghệ tiên tiến, những giải pháp nâng cao cũng như những vấn đề liên quan đến thúc đẩy tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, những công nghệ về lưới điện thông minh, giải pháp tối ưu hóa nguồn điện phân tán, hệ thống công nghệ lưu trữ…

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo gồm các chuyên đề lớn: Lưới điện thông minh và công nghệ tích hợp vRE; các giải pháp tối ưu hóa nguồn điện phân tán bao gồm công nghệ xe điện EV & công nghệ tích trữ năng lượng ESS; công nghệ cho phép tái sử dụng/chuyển đổi mục đích sử dụng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch; công nghệ sản xuất Hydro xanh (GH2).

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã trình bày và thảo luận các nội dung: Giải pháp tích hợp toàn diện của Siemens cho lưới điện thông minh và tích hợp năng lượng tái tạo hướng tới giảm phát thải các-bon; công nghệ điều khiển và tối ưu hóa tiên tiến cho tích hợp nguồn vRE và tính linh hoạt của hệ thống điện; hệ thống giám sát, quản lý điện mặt trời SEMS-PV; hệ thống đo lường, giám sát, quản lý trạm biến áp và lưới điện hạ áp trực tuyến (S3M); SEMS-L hệ thống quản lý năng lượng thông minh - phụ tải; giới thiệu mô hình ESCO cho dự án tối ưu năng lượng; giảm thiểu tác động của nguồn vRE đến lưới điện hiện nay; nghiên cứu điển hình về công nghệ đồng đốt tại Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình…

Bên cạnh hội thảo, Triển lãm trình diễn các công nghệ mới nhất trong tích hợp vRE cũng diễn ra đồng thời và xuyên suốt trong ngày với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Các gian hàng tại triển lãm