Đà Nẵng đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng

Ngày 30/9, Sở KH&CN TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo "Công nghệ trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng". Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia cùng thảo luận, trao đổi và giới thiệu những sản phẩm công nghệ tiết kiệm năng lượng có ứng dụng cao trong cộng đồng; đồng thời đưa ra những sáng kiến, giải pháp hữu hiệu nhằm tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thành phố.

Theo ông Thái Việt Hùng, đại diện Sở KH&CN TP Đà Nẵng, trong những năm qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và triển khai nhiều hoạt động, chương trình, đề án hỗ trợ, thúc đẩy nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tiết kiệm năng lượng, mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Đơn cử như: Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và ứng dụng năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015, Đà Nẵng phấn đấu tiết kiệm 5 – 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo hiện nay về phát triển năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội; tiết kiệm từ 11 - 12% sản lượng điện so với dự báo tại các cơ quan, công sở nhà nước, chiếu sáng công cộng trên địa bàn.

tiết kiệm điện, thay đổi công nghệ, điện mặt trời, điện gió, Đà Nẵng

Thời gian tới, Sở Công Thương TP Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin vận động cộng đồng nâng cao nhận thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - Ảnh: Thành Trung.

Tuy nhiên, việc nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không có khả năng tài chính đổi mới công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng nên dẫn tới nguồn năng lượng bị cạn kiệt.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin vận động cộng đồng nâng cao nhận thức thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đẩy mạnh việc triển khai xây dựng mô hình hộ gia đình tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời trong các hộ gia đình.

Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế giúp doanh nghiệp tiết kiệm các nguồn tài chính để hỗ trợ việc cải tiến, thay thế dây chuyền sản xuất công nghệ mới nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải ô nhiễm môi trường. Đồng thời, Sở đề xuất với UBND sớm triển khai dự án thí điểm thay thế hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn LED với 6.000 bộ đèn đường trong khuôn khổ chương trình năng lượng đô thị bền vững và quy hoạch phát thải (SUEEP).

Theo ông Phạm Phú Thanh Sơn, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng), trước nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, các nguồn năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… sẽ là giải pháp tối ưu thay thế nguồn năng lượng truyền thống (củi, gỗ, than, dầu mỏ, khí đốt...) để thúc đẩy việc tiết kiệm năng lượng.

Việc thay đổi tư duy, thói quen của người dân về sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo bằng những sản phẩm cụ thể, hiệu quả và giá thành thấp sẽ góp phần hạn chế sự tiêu hao nguồn năng lượng truyền thống hầu như không thể tái tạo hay đang gặp nhiều khó khăn như than, dầu, thủy điện.

Để triển khai có hiệu quả các mô hình ứng dụng tiết kiệm năng lượng, trong những năm qua, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời” tiến hành lắp đặt máy nước nóng tại 24 cơ quan, đơn vị ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, với tổng chi phí hơn 3 tỷ đồng, góp phần giảm chi phí sử dụng điện...

Tại hội thảo, Ban tổ chức cũng đã giới thiệu và trưng bày những sản phẩm chiếu sáng tiết kiệm năng lượng có tính ứng dụng thực tiễn cao.


  • 03/10/2016 09:26
  • Theo:cand.com.vn
  • 2875