Nhà máy điện mặt trời công nghệ mới đầu tiên tại châu Á

Nhà máy điện mặt trời công nghệ mới đầu tiên tại châu Á, có khả năng sản xuất điện ngay cả ban đêm, đã đi vào hoạt động từ tháng 1/2017 tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, cung cấp điện cho hơn 30.000 hộ dân liên tục 24/24 giờ.

Theo tạp chí GBTimes, nhà máy điện mặt trời công nghệ mới ở tỉnh Cam Túc giống như một công trình nghệ thuật khổng lồ có kết cấu dạng hình tròn, đối xứng. Hiện tại, công suất của Nhà máy chỉ đạt khoảng 50 MW, nhưng trong tương lai sẽ tăng lên 300 MW.

Để xây dựng nhà máy điện điện mặt trời công nghệ muối nóng chảy, phải sử dụng hơn 2000 tấm pin mặt trời, còn gọi là kính định nhật, trên diện tích 150 héc ta. Các tấm kính định nhật tập trung tới 95% bức xạ mặt trời vào một máy thu khổng lồ đặt tại trung tâm nhà máy, có chức năng nung chảy muối nitrate ở nhiệt độ 537,8 - 560 độ C. Sau đó, dung dịch muối sẽ chảy xuống tháp và được giữ lại trong một bể chứa lớn. Dung dịch muối nóng chảy giữ nhiệt tốt và lượng nhiệt năng này sẽ được chuyển thành điện năng nhờ các tuốc-bin hơi nước truyền thống. 

Khi nhà máy điện sản xuất vào buổi tối, lượng muối dự trữ sẽ được đưa quay trở lại và làm nóng bằng dầu, sau đó sẽ quay trở lại bể chứa đầu tiên. Và cứ như vậy, hệ thống hoạt động suốt ngày - đêm.

“Đây có thể coi là công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến nhất, hơn hẳn lưu trữ vào nước, vào pin hay vào các chảo parabol chứa đầy chất lỏng” – GS Karin Markides, Đại học Công nghệ Chalmers (Thụy Điển) khẳng định và cho biết thêm, điều đáng chú ý nhất là các nhà máy điện mặt trời công nghệ muối nóng chảy không phát thải khí gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lượng nước ít hơn nhiều so với các nhà máy nhiệt điện hay điện hạt nhân.

Năng lượng mặt trời được coi là thế hệ năng lượng mới và là nguồn năng lượng xanh lý tưởng cho những quốc gia thiếu năng lượng. Hoạt động thương mại của nhà máy này sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới của các nguồn năng lượng tái tạo. 


 


  • 03/06/2017 09:19
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 2233