Kỹ sư Trần Mạnh Hà: Đã là “lính chiến trường”…

Sinh thời nhà bác học Paster đã từng nói “nghề nghiệp không đem lại danh giá cho con người mà con người đã đem lại danh giá cho nghề nghiệp”. Câu nói này thật đúng với công việc chuyên môn của đảng viên trẻ Trần Mạnh Hà, kỹ sư phòng Điều độ, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0).

Được và mất

“Công việc của kỹ sư điều độ cũng giống như người lính trực tiếp chiến đấu trên mặt trận vận hành hệ thống điện quốc gia. Khó khăn vô cùng, nhưng đã là người lính xông pha “chiến trường” thì không bao giờ được phép ngừng nỗ lực”- đảng viên Trần Mạnh Hà tâm sự.

38 năm tuổi đời với 14 năm tuổi nghề và 2 năm tuổi Đảng, kỹ sư Trần Mạnh Hà sinh ra ở Nam Định, trong một gia đình có truyền thống nghề điện.Ngay từ thời phổ thông, trên bàn học của anh đã khắc dòng chữ “Đại học Bách khoa Hà Nội” như một sự quyết tâm phải thực hiện được niềm đam mê của mình. Ước mơ ấy đã trở thành hiện thực và thành quả đầu tiên sau những năm tháng miệt mài kinh sử là anh được nhận vào làm việc tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia năm 2000.

Ngày ấy, Việt Nam đã xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 500 kV mạch 1. Được bắt tay tìm hiểu hệ thống đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam vận hành ra sao, biến đổi như thế nào trong từng ngày, từng giờ, đem lại hiệu quả thế nào cho đất nước và được vận hành, chỉ huy hệ thống đó là niềm đam mê cháy bỏng đối với những kỹ sư điện mới ra trường  như Trần Mạnh Hà.

Nhờ đam mê công việc, kỹ sư Trần Mạnh Hà đã rèn được tính cách điềm đạm và bản lĩnh; nhờ tuân thủ quy trình, quy phạm vận hành hệ thống điện, anh luôn sống có kỷ luật, chuẩn mực đạo đức; nhờ óc tư duy và phán đoán nhanh trong quá trình xử lý sự cố mà anh thích nghi với cuộc sống hội nhập sôi động. Được cũng nhiều, nhưng mất cũng không ít. Trong khi nhiều người đang say giấc nồng bên người thân, thì anh phải trực trắng đêm, ranh giới ngày và đêm với người kỹ sư điều hành hệ thống điện dường không tồn tại. Những dịp lễ, Tết mọi người quây quần bên gia đình, người thân, tận hưởng niềm vui xum họp thì anh lại lặng lẽ  ở vị trí ứng trực. Trong cuộc sống, nhiều lúc Mạnh Hà cũng cảm thấy chạnh lòng, nhưng đó chỉ như cơn gió thoáng qua, bởi trên hết, anh luôn tự hào về công việc mình đang làm, đưa dòng điện đến với mọi gia đình không phân biệt địa vị xã hội, mang ánh sáng văn minh đến những vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc. Tư tưởng ấy, hành động ấy, rất cần ở mỗi người đảng viên trẻ ngày nay.

Kỹ sư Trần Mạnh Hà được vinh danh tại Hội nghị biểu dương CNVC lao động giỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2014

Bền bỉ một niềm tin

Có lẽ ít ai biết, nơi Mạnh Hà làm việc là căn phòng  chỉ có ngày, không có đêm, được xem là “trái tim”, dẫn các “mạch máu” đưa điện truyền tải đi cả nước. “Hòa Bình phát tối đa công suất tổ máy số 6”, “Thác Bà huy động tổ máy 2”, “Ðiện áp cao quá, Trị An hút vô công ngay”... Những khẩu lệnh dứt khoát liên tục được phát ra  trong phòng làm việc chỉ khoảng 50m2, nơi được coi là “mặt trận đầy gian khó”.

Các tình huống luôn diễn ra rất bất ngờ và thay đổi từng ngày. Vẫn hệ thống điện ấy nhưng ngày hôm qua, hôm nay và những ngày sau… không bao giờ trùng lặp. Vẫn là những quy tắc và luật lệ điều hành ấy, nhưng người kỹ sư điều độ không thể áp dụng phương thức xử lý giống nhau, dùng giải pháp của ngày hôm qua cho hôm nay. Và vào từng thời điểm, chỉ cần một thay đổi nhỏ của mỗi phần tử trên hệ thống điện đã nảy sinh một tình huống mới, đòi hỏi người chỉ huy hệ thống phải đưa ra một giải pháp xử lý hợp lý nhất, đảm bảo cho dòng điện ổn định, thông suốt.

Anh Hà chia sẻ, “sự vụ” ấn tượng nhất với anh xảy ra cách đây 2 năm. Hôm đó, miền Nam đang được cấp điện từ miền Bắc và miền Trung qua đường dây 500 kV 2 mạch. Lúc 11h30 do sự cố nên phải cắt 1 đường dây Pleyku – Tân Định để sửa chữa. Không ngờ công tác sửa chữa đường dây kéo dài hơn dự kiến. Khi đường dây được trả về lưới cũng là lúc phụ tải khu vực miền Nam đạt đỉnh và tiếp tục tăng lên gây quá tải 135% cho đường dây Pleyku đi Di Linh đang vận hành. Để đảm bảo cho hệ thống điện, hoặc là phải ngắt một phần phụ tải của miền Nam hoặc phải giảm điện áp để thực hiện phương án “khép vòng” (tức là đưa thêm đường dây 500 kV Pleyku – Tân Định đã sửa chữa vào hệ thống, nhưng phải thỏa mãn điều kiện khép vòng). Truyền tải càng tăng cao, điện áp càng giảm thấp, nguy cơ rã lưới hệ thống điện miền Nam lúc ấy là rất cao. Trên màn hình điện thoại gần như cả trăm cái đèn cùng nhấp nháy báo cuộc gọi về.

Qua lời kể của anh, tôi hiểu đây thực sự là một “pha cân não” đòi hỏi người chỉ huy phải xử lý nhanh, chính xác, nếu không hậu quả thật khó lường. Trong tình huống cam go ấy, bằng kinh nghiệm và bản lĩnh nhiều năm trong nghề, anh đã chỉ huy thực hiện thành công phương án khép vòng. Đến tận bây giờ, khi nhắc lại, kỹ sư Mạnh Hà dường như vẫn còn nguyên cảm xúc khi phải đối mặt với ranh giới giữa “công” và “tội” và cả sự nổ tung, vỡ òa khi đưa ra một quyết định chính xác. “Khép vòng thành công”! Cụm từ đơn giản nhưng theo anh, đã hóa giải được hết nỗi ám ảnh bậc nhất mà các kỹ sư điều độ phải đối mặt: Đó chính là... cắt điện.

Một chút lắng đọng cùng anh, trong một cuộc trò chuyện ngắn, nhưng thực sự chân thành và xúc động, tôi hiểu rằng, trong anh còn nhiều điều trăn trở, nhiều dự định. Và dù đang làm việc hết mình, anh vẫn tâm niệm lời Bác đã dạy:

“Người siêng năng thì mau tiến bộ
Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no
Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh
Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”

 

Kỹ sư Trần Mạnh Hà

Sinh năm 1977

Quê Quán: Hà Nam Ninh, Nam Định

Đơn vị công tác: Phòng Điều độ, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia

Là đảng viên Đảng CSVN từ 14/08/2013

Thành tích đạt được:

Bằng khen của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2011, 2012

Giải nhất cuộc thi kỹ sư điều hành giỏi do Công đoàn Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia tổ chức năm 2013

Đạt danh hiệu CNVC lao động giỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2014.

 


  • 20/08/2015 03:30
  • Theo ấn phẩm Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện
  • 1817


Gửi nhận xét